Đại tướng Phùng Quang Thanh cho rằng vụ việc tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam bị cắt cáp hôm 26/5 gây ra lo ngại về việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, trong khu vực cũng như toàn thế giới.
Đại tướng Phùng Quang Thanh phát biểu tại Đối thoại Shangri-La trưa nay. Ảnh: AFP. |
Phát biểu của tướng Phùng Quang Thanh được đưa ra trong phiên thảo luận toàn thể “Các nguy cơ mới về an ninh biển” tại Đối thoại Shangri-La.
“Như chúng ta thấy trên Biển Đông, các vụ va chạm đã xảy ra nhiều lần, khiến các quốc gia ven biển thêm lo ngại”, bài phát biểu của tướng Thanh có đoạn.
“Vụ việc mới đây nhất diễn ra hôm 26/5, khi Bình Minh 02 – một tàu khảo sát của Việt Nam – đang tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam thì bị cản trở bởi cáp của tàu bị cắt”.
Tướng Thanh khẳng định, Việt Nam đã kiên nhẫn xử lý tình huống này bằng giải pháp hòa bình, theo đúng luật pháp quốc tế và nguyên tắc kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia trong khi vẫn giữ gìn hòa bình và ổn định ở Biển Đông cũng như duy trì quan hệ thân thiện với các nước láng giềng.
“Chúng tôi hy vọng sự việc tương tự như vậy không tái diễn”, ông nói thêm.
Đại tướng Phùng Quang Thanh kêu gọi các bên củng cố cơ sở pháp lý cho các hoạt động trên biển. Ông cũng đề nghị các bên tuân thủ triệt để Công ước về luật biển 1982 của Liên Hợp Quốc.
Ông kêu gọi các bên liên quan trong các tranh chấp trên Biển Đông tuân thủ các cam kết đã đề ra, và sớm đưa ra bản quy tắc nhằm duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông.
“Các bên cần thực thi nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) và nỗ lực hoàn thành một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc”, ông nói.
Nói về phương thức giải quyết các tranh chấp, tướng Thanh nhấn mạnh sự cần thiết có các cơ chế linh hoạt: “Chúng ta cần đẩy mạnh hợp tác thông qua các kênh cả song phương và đa phương, nhằm đảm bảo sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau”.
Trước đó, vào chiều qua, đại tướng Phùng Quang Thanh đã gặp gỡ với người đồng nhiệm Trung Quốc Lương Quang Liệt bên lề hội nghị Shangri-La. Tướng Thanh đã đề cập việc tàu Trung Quốc cắt cáp của tàu khảo sát Việt Nam trong phạm vi thềm lục địa Việt Nam. Tướng Thanh cho biết việc làm đó là vi phạm, gây bức xúc cho nhân dân và nhà nước Việt Nam; yêu cầu các bên kiềm chế không để tái diễn vi phạm.
Sáng 26/5, ba tàu hải giám của Trung Quốc bất ngờ xuất hiện và tấn công tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02 đang làm việc trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Các tàu hải giám Trung Quốc đã chạy thẳng vào khu vực khảo sát của tàu Bình Minh 02 mà không hề có cảnh báo và cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02.
Sự việc này cùng những lời phản đối của Philippines đối với Trung Quốc, do Manila cho rằng các tàu của Trung Quốc vi phạm vùng nước mà Manila tuyên bố chủ quyền trên biển Đông – khiến khu vực này trở thành tâm điểm chú ý ở Đông Nam Á và trên diễn đàn của hội nghị an ninh Shangri-La.
Xây dựng lòng tin
Trong khi đó, bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin nhắc tới những thách thức từ các quốc gia và thực thể phi quốc gia. Trong bối cảnh đó, quân đội cần phát triển tiềm lực để đối phó với những thách thức này.
“Các lực lượng vũ trang nên hợp tác với nhau để đối phó một cách hữu hiệu với các thách thức về an ninh trên biển. Mối quan hệ chặt chẽ giữa các lực lượng vũ trang sẽ đảm bảo môi trường biển ổn định và hòa bình của chúng ta không bị ảnh hưởng”, ông Gazmin nói đồng thời nhấn mạnh hợp tác quốc tế là một phần không thể thiếu trong các nỗ lực của Philippines.
Cũng trong phiên thảo luận nói trên, Bộ trưởng Quốc phòng Malayssia Ahmad Zahid Hamidi đề cao tầm quan trọng của Biển Đông, xét về khai thác tài nguyên và hàng hải, và yêu cầu giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp.
Bộ trưởng Ahmad bình luận rằng trong những năm qua, DOC đã đóng góp phần quan trọng trong việc giảm căng thẳng, giúp duy trì ổn định trên Biển Đông. Tuy nhiên, ông nói đó chỉ là một “công cụ mang tính tạm thời” trong khi các bên liên quan hướng tới việc đề ra một “giải pháp hòa bình và lâu dài” cho vấn đề tranh chấp.
Để giải quyết tranh chấp Biển Đông, Malaysia đề nghị các bên xác định rõ và thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin một cách thiết thực nhằm loại trừ căng thẳng và tránh chạy đua vũ trang trong khu vực.
“Xây dựng lòng tin là bước đi quan trọng đầu tiên trên con đường nghìn dặm nhằm bảo đảm an ninh biển cho khu vực này”, Ahmad nói. “Phát triển kinh tế xã hội cần được chú trọng hơn là phát triển vũ trang, đặc biệt là trong một khu vực như của chúng ta”.
Thanh Mai – Hải Ninh