UBND TP HCM vừa có tờ trình gửi HĐND thành phố về việc thu học phí đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn để xem xét thông qua trong kỳ họp sắp tới. Trong đó, mức tăng gấp 3 đến 5 lần so với hiện nay.
Cụ thể, mỗi tháng mức học phí mới dự kiến cho bậc nhà trẻ các quận là 150.000 đồng, còn ở các huyện là 90.000 đồng. Bậc mẫu giáo, các mức thu tương ứng là 120.000 đồng và 60.000 đồng. Riêng bậc tiểu học không thu học phí.
TP HCM dự kiến tăng thu học phí lên gấp 3 đến 5 lần đối với các cơ sở giáo dục. Ảnh: H.D |
Ở bậc THCS, có các mức thu tương ứng là 75.000 đồng và 60.000 đồng. Bậc bổ túc THCS là 112.000 đồng và 90.000 đồng. Ở bậc THPT là 90.000 đồng và 75.000 đồng. Còn bậc bổ túc THPT là 135.000 đồng và 112.000 đồng.
Các mức học phí trên đã tăng 3 – 5 lần so với mức thu như hiện nay. Cụ thể, các bậc nhà trẻ, mẫu giáo và THPT tăng 3 lần, bậc THCS tăng đến 5 lần. Hiện, bậc THCS ở nội thành thu 15.000 đồng, ở ngoại thành 10.000 đồng mỗi tháng.
Theo UBND thành phố, mức học phí được đề nghị trên đã bao gồm tiền cơ sở vật chất, phí vệ sinh và sẽ được áp dụng từ năm học 2012-2013. Các năm học sau, mức thu sẽ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng bình quân hàng năm. Mức thu đó cũng không vượt quá 5% thu nhập bình quân hộ gia đình và khung học phí Nghị định 49 của Chính phủ.
Đối với các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học, thành phố cho phép hiệu trưởng các trường căn cứ mức trần học phí từng năm học và hệ số điều chỉnh tại Nghị định 49 để xác định mức thu học phí cụ thể. Các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề trực thuộc UBND thành phố cũng sẽ cho phép hiệu trưởng căn cứ vào mức trần học phí từng năm học theo Nghị định 49.
Còn các khoản thu trường công lập chất lượng cao và các môn tự chọn, Sở Giáo dục thành phố chịu trách nhiệm xây dựng các mức thu theo từng loại hình trường bán trú, ngoại khóa…
Để đưa ra đề xuất tăng học phí gấp 3 – 5 lần, UBND thành phố cho rằng, hiện khung học phí ban hành từ năm 1998 không còn phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của TP HCM vì đã có những thay đổi lớn về mặt bằng giá cả hàng năm.
Mức học phí cũng đã bộc lộ nhiều yếu kém và bất hợp lý. Cụ thể, từ năm 1998 đến nay đã 7 lần điều chỉnh lương tối thiểu chung (từ 290.000 đồng lên 1.050.000 đồng) nên tỷ trọng chi tiền lương giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đã tăng lên. Do đó, kinh phí phục vụ giảng dạy, học tập và quản lý để đáp ứng đổi mới chương trình giáo dục bị hạn chế.
Nhiều trường vì mức thu học phí hiện nay thấp nên đã thu những khoản khác khiến cho tình hình tài chính nhà trường thiếu minh bạch, nhất là ở các trường phổ thông công lập.
Ngoài ra, UBND thành phố cũng cho rằng nguyên nhân để tăng học phí là do hiện nay học phí quá thấp so với giá trị thật của xã hội nên các trường không phát huy được cơ chế tự chủ tài chính.
Hiện, ngân sách chi cho giáo dục và đào tạo lên đến hơn 26% ngân sách chi thường xuyên hàng năm của thành phố.
Tá Lâm
(vnexpress.net)