–
Một vườn chim quý đã hình thành ngay
trong thửa đất của gia đình anh Vũ Huy Ngân ở xóm 10 xã Lý Thành, huyện Yên
Thành (Nghệ An). Mỗi năm có hàng ngàn lượt chim bay về làm tổ và sinh sôi nảy
nở.
Khu vườn rộng chừng 2ha gồm chủ yếu là những rặng tre già hàng chục năm tuổi và
các loại xà cừ, bạch đàn… Trong vườn có cả một đập nước và một con khe nhỏ tạo
thành không gian ẩm ướt và mát mẻ quanh năm.
Những tổ chim nằm la liệt trên các khóm cây. |
Theo lời anh Vũ Huy Ngân, khu vườn cây này là của
ông nội anh trồng từ cách nay gần nửa thế kỉ. Trải qua thời gian, cây cối ngày
một um tùm, chim chóc từ đâu bay tới ngày một nhiều. Đông nhất là các loại cò,
cuốc, sếu, sau đó đến chích chòe, sáo sậu,…
Khu vườn chim hình thành lúc nào không rõ nhưng theo trí nhớ của anh, ít ra nó
cũng đã có trên 30 năm. Khi anh còn là đứa trẻ thì đã thấy chim lượn đầy vườn.
Hàng ngày cứ vào lúc chiều tối, nhiều đàn chim bay về đậu rợp lên trên các rặng
cây.
“Đông nhất là dịp từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch. Cứ độ ấy, chiều nào cũng
có hàng ngàn con chim cò, chim cói bay về đậu trắng ngọn tre, đông không đếm
hết” – anh Ngân cho biết.
Dẫn chúng tôi vào thăm khu vườn, anh Ngân vừa chỉ tay lên ngọn cây vừa mô tả:
“Dịp này đang là mùa sinh đẻ của các loài chim, chú cứ nhìn kĩ lên các rặng tre
sẽ thấy vô số tổ chim. Nhiều tổ đã “ra ràng” còn thấy cả chim con ra đậu bên
ngoài”.
Khu vườn chim gồm chủ yếu là những rặng tre già ẩm ướt. |
Theo tay anh chỉ, chúng tôi bắt gặp hàng loạt tổ
chim treo lơ lửng trên các khóm cây. Có những tổ được làm rất thấp thậm chí có
thể với tay tới được. Tiếng chim non đói mồi kêu dưới khắp các tán cây. Phía
dưới đất, nhan nhản các loại vỏ trứng chim phủ trắng quanh mỗi gốc cây.
“Dịp cuối tháng 4/2012 vừa rồi, một đàn sếu quý hiếm không biết từ đâu bay về
trú ngụ tại khu vườn trong 2 ngày. Những năm trước thỉnh thoảng cũng có nhiều
con chim lạ bay về sinh sống ở đây một thời gian rồi bay đi mất” – anh Ngân
cho chúng tôi biết.
Thấy chúng tôi tò mò, anh Ngân với lấy một tổ chim và bắt ra mấy con chim non
một cách dễ dàng.
“Năm nào cũng thế, gia đình luôn cố gắng canh chừng để tất cả các lứa chim
đều được “ra ràng”. Chúng tôi kiên quyết không bắt chim bán hoặc cho ai bao giờ”
– anh Ngân cho biết.
Những chú chim non sắp đủ lông cánh. |
Anh Võ Huy Ngân bên “gia tài” của mình. |
Mặc dù vậy, việc giữ vườn chim an toàn cũng không
đơn giản. Biết gia đình anh có vườn chim quý nên nhiều người từ trong và ngoài
làng cứ tìm đến.
“Lúc đầu họ còn đặt vấn đề mua bán, sau
đó thấy vợ chồng tôi không đồng ý thì nhiều người còn tổ chức bắt trộm.
Thậm chí có vài người lợi dụng
lúc gia đình tôi đi vắng đã mang cả súng hơi đến để săn. Chúng tôi phải cố gắng
hết sức mới giữ được vườn chim nguyên vẹn đến lúc này đấy” – chị Phan Thị
Anh, vợ anh Vũ Huy Ngân nói.
Chị Anh là giáo viên mầm non, còn anh Ngân là thợ xây. Cả hai đều phải đi làm
suốt ngày nên không phải lúc nào cũng trông giữ vườn chim được.
Chị Anh thổ lộ: “Có hôm đi làm về thấy trong vườn cây cối nghiêng ngả, nhiều
cành cây gãy rớt xuống đất. Biết ngay là có người vào bắt chim nhưng hai vợ
chồng chỉ biết thở dài nhìn nhau thôi”.
Nhằm đảm bảo an toàn cho vườn chim, vừa qua anh Vũ Huy Ngân đã trình ý kiến lên
chính quyền xã Lý Thành. Trong tương lai anh còn ấp ủ dự định đầu tư phát triển
thành một khu vườn sinh thái có giá trị về kinh tế và cảnh quan môi trường.
“Đến lúc đó, không chỉ mỗi gia đình tôi mà tất cả người dân ở đây đều được
hưởng lợi” – anh Ngân hào hứng cho biết.
Cao Nam
(vietnamnet.vn)