Tinh Hoa

Buôn bán xe máy: vào chu kỳ “thê thảm”

Thị trường xe máy vốn đã thê thảm, bán không được nay lại ế ẩm gấp đôi khi bước vào thời điểm nhu cầu thấp nhất trong năm.

Thông thường các tháng 6,7,8 là thời điểm nhu cầu xe máy, ô tô “rơi” xuống mức thấp nhất trong năm. Đây là giai đoạn học sinh đang tập trung thi và tháng 7 âm lịch được gọi là tháng cô hồn, nhiều người tránh không mua xe làm cho thị trường xe khá ảm đạm. Năm nay, xe máy vốn đã tiêu thụ chậm, bước vào thời điểm nhu cầu thấp, thị trường lại càng thê thảm hơn

Trao đổi với chúng tôi, một nhân viên bán hàng tại Head Honda Matexim (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, lượng khách hàng mua xe đã giảm mạnh từ cuối tháng 5 đến nay. Hiện có ngày đại lý này bán không nổi 10 chiếc xe. Tại Head Honda Kwaitexco (đường Ngụy Như Kontum, Hà Nội), xe máy bày la liệt, tràn cả ra sân mà không thấy bóng dáng khách hàng đâu. Chỉ cần 1 người tới xem xe thì có đến 3-4 nhân viên ra tiếp đón.

Các nhân viên nói rằng, từ nay cho đến hết tháng 7 âm lịch xe máy rất khó bán do nhiều người tránh mua xe vào thời điểm này. Từ đầu tháng 6 tới nay, các cửa hàng gần như chẳng có khách. Một số đại lý bán xe tại Hà Nội còn cung cấp những con số thê thảm hơn. Đại lý bán xe máy SYM trên đường Tôn Đức Thắng cho biết, có ngày chỉ bán được 3 chiếc xe, trong khi hoa hồng đại lý đã phải cắt hết, nhường cho khách hàng.

Không ít các đại lý xe máy tiết lộ, nếu từ tháng 5 về trước vẫn còn bán được khoảng 100 xe/tháng thì tháng 6 này không đạt nổi con số này bởi nhu cầu giảm khá mạnh, các cửa hàng hầu hết vắng khách qua lại.

Các dòng xe máy cao cấp cũng xuống nước giảm giá.

Hầu hết các mẫu xe của các DN xe máy có vốn đầu tư nước ngoài như Honda, Yamaha, Suzuki đều giảm dưới giá công bố. Hiện tất cả các mẫu xe tay ga của Honda Việt Nam đều đang được các đại lý bán dưới giá đề xuất từ 1-6 triệu đồng tùy mẫu xe. Xe PCX khoảng 53,5 triệu đồng (giá đề xuất 59 triệu), Lead khoảng 34,5 – 35,5 triệu đồng (giá đề xuất 35,5 – 36,5 triệu đồng), Air Blade FI là 36,2 triệu đồng (giá đề xuất 38 triệu đồng), Vision là 25,5 – 26,5 triệu đồng (giá đề xuất 28,5 triệu đồng).

Các mẫu xe của Yamaha cũng giảm giá tương tự. Tại các đại lý, các mẫu xe như Nouvo LX 135cc, Cuxi, Mio Classico giảm từ 1 đến 3 triệu đồng/xe, giá hiện tại của những chiếc xe này lần lượt là khoảng 33,4 triệu, 30 triệu, và 22,5 triệu đồng.

Nếu so sánh mức giá này với cách đây 3 tháng thì giá xe máy tương đối ổn định, không tăng cũng không giảm thêm, nhưng ở thời điểm này khách hàng vẫn có thể mặc cả với người bán và giá còn được giảm hơn nữa hoặc được hỗ trợ phí phí đăng ký hay được quà khuyến mãi là mũ bảo hiểm, máy xay sinh tố và tham gia các chương trình bốc thăm trúng thưởng…

Các đại lý xe máy đang than trời khi bán hàng không còn lợi nhuận, trong khi các chi phí khác như lương nhân viên, tiền thuê cửa hàng, lãi ngân hàng, điện nước hàng tháng vẫn phải trả. Đại diện công ty xe máy Kường Ngân, nhà phân phối chính thức của nhiều hãng sản xuất, nhận xét, mặc dù đã liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi như hỗ trợ lệ phí trước bạ, tặng sản phẩm, dịch vụ… cho khách hàng mua xe, song cũng không cải thiện được tình hình.

Các đại lý hiện nay đang đứng giữa nhiều “gọng kìm” khi vẫn phải nhập đều sản phẩm từ nhà sản xuất rồi… lưu kho, trong khi doanh số bán hàng liên tục sụt giảm mạnh. DN bị ràng buộc bởi điều kiện nếu không nhập hàng đều thì hãng sẽ không cung cấp sản phẩm nữa.

Nhiều đại lý cho biết họ hiện nay họ chỉ sống bằng nguồn thu từ các dịch vụ bảo hành, sửa chữa xe để duy trì hoạt động kinh doanh. Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các đại lý lớn nhỏ khác. Hiện có đại lý bán xe đã phải làm dùng “chiêu” bán được chiếc nào giữ luôn sổ bảo hành chiếc đó, đến ngày bảo dưỡng định kỳ thì liên lạc mời khách đến bảo dưỡng xe, như vậy vừa có nguồn thu vừa tránh việc khách hàng đến đại lý khác bảo dưỡng xe.

Không chỉ có các đại lý bán xe kêu than, mà các DN sản xuất lắp ráp xe máy cũng không tránh khỏi khó khăn.

Ông Masayuki Igarashi, Tổng giám đốc công ty Honda Việt Nam mới đây cho biết, Honda Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2012 đã sản xuất đạt 104% kế hoạch so với cùng kỳ, nhưng do thị trường xe máy Việt Nam ngày càng suy giảm, nên tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho tăng vì vậy sang tháng 7 tới, chúng tôi sẽ phải xem xét giảm sản lượng, cho lao động tạm nghỉ việc một số ngày. Nhà máy Honda thứ 3 tại Hà Nam vẫn đang triển khai và sẽ hoàn thành đúng tiến độ nhưng kế hoạch đi vào sản xuất còn tùy thuộc vào tình hình thị trường.

Với phân khúc xe sang, mới đây nhất, công ty Piaggio Việt Nam đã công bố giảm giá một số mẫu xe. Cụ thể, mức giảm giá dành cho các dòng xe Vespa là 3 triệu đồng, mức giảm cho xe Piaggio Fly i.e là 4 triệu đồng. Bên cạnh đó, công ty cũng tiến hành hỗ trợ lệ phí đăng ký biển số cho khách hàng tại Hà Nội và TP.HCM. Đại diện

Piaggio Việt Nam cho biết thị trường xe máy đang bước vào thời điểm nhu cầu thấp nhất trong năm. Năm nay tiêu thụ xe đã  khó khăn, đến thời điểm này lại khó khăn hơn chính vì vậy mà chúng tôi đã phải tung ra các chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng, nhằm đẩy mạnh bán hàng.

Một hãng xe máy Nhật khác là Yamaha cũng áp dụng chương trình khuyến mãi, giảm giá từ 400.000 – 700.000 đồng/xe, tùy từng mẫu. Trước đó, Honda Việt Nam cũng đồng loạt áp dụng giảm 888.000 đồng với khách mua bất kỳ một mẫu xe phun xăng điện tử PGM-FI.

Các DN xe máy 100% vốn trong nước còn khó khăn hơn, tất cả đều đã giảm công suất hoạt động song vẫn không cải thiện được tình hình. Chẳng hạn như công ty Sufat Việt Nam có công suất hơn 10.000 xe/năm, tuy nhiên hiện nay chỉ còn hoạt động khoảng 1/3 công suất, tương đương 3.000 xe/năm, chưa kể đang tồn kho khoảng 7.000 xe.

Một DN xe máy khác là Lishohaka thì đến nay cũng đang sản xuất cầm chừng, trong gần 3 tháng qua đã không còn nhập linh kiện xe máy nữa mà chỉ lắp ráp những số còn lại bởi bán cũng không được, xe ế ẩm tồn kho nhiều.

Một số DN Việt Nam cung cấp linh kiện cho các DN xe máy có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng như đang “ngồi trên lửa”. Năm 2011, nhiều DN xe máy FDI đã đầu tư mở rộng sản xuất, theo kế hoạch cuối năm 2012 sẽ hoàn thành và đi vào sản xuất. Khi các DN xe máy nâng công suất thì các DN cung cấp linh kiện cũng phải đầu tư mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu. Trong số đó không ít DN phải chấp nhận vay vốn ngân hàng lãi suất cao, lên tới 22% với tính toán là chỉ 1 năm sau dự án đi vào hoạt động sẽ trả được nợ, nhưng nay khi DN xe máy gặp khó khăn về tiêu thụ, kế hoạch bị phá vỡ, thì các DN cung cấp linh kiện sẽ “chết” trước.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, năm 2011, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp ôtô, xe máy tăng ở mức rất cao là 138,7% so với năm 2010. Nhưng từ cuối năm 2011 đến nay, thị trường ôtô và xe máy đảo chiều ế ẩm với mức tiêu thụ ngày càng giảm và lượng tồn kho tăng. Tính chung 5 tháng, sản xuất xe máy ước đạt 1,559 triệu chiếc, tăng 1,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, 5 tháng đầu năm 2012 tiêu thụ giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số tồn kho của ngành này lại tăng tới 42,3%.

Các DN lo lắng tình trạng ảm đạm trên thị trường xe máy sẽ còn kéo dài, bởi ngoài lý do kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, thì thông tin về việc xe máy cũng phải chịu hàng loạt các thứ phí như phí bảo trì đường bộ, phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân… cũng là nguyên nhân dẫn tới cảnh “chợ chiều” như “người anh” em ôtô. 

Trần Thuỷ 
(vietnamnet.vn)