Chiếc kính hoạt động như một thiết bị trong phim viễn tưởng Project Glass là thiết bị đã thu hút rất nhiều sự chú ý sau khi được Google giới tại Hội nghị các nhà phát triển của mình vào ngày 27/6 vừa qua.
Tuy nhiên, Google cho biết chiếc kính này không phải là một sản phẩm dành cho người dùng thông thường, mà sẽ chỉ có phiên bản đặc biệt Explorer Edition (phiên bản khám phá) dành cho các nhà phát triển và sẽ ra mắt vào đầu năm sau.
Dù vậy mục đích cuối cùng của Google vẫn là đưa Project Glass đến với người dùng phổ thông, khi đích thân đồng sáng lập Sergey Brin của Google cho biết Project Glass sẽ có mặt vào năm 2014, sau khi các nhà phát triển đã giúp cho chiếc kính “viễn tưởng” này trở nên hoàn thiện hơn.
“Project Glass sẽ đến tay các nhà phát triển vào năm sau, và 1 năm sau đó sẽ đến lượt người dùng phổ thông có cơ hội trải nghiệm sản phẩm này”, Sergey Brin cho biết trong bài trả lời phỏng vấn của hãng tin Bloomberg.
Tuy nhiên, Sergey Brin đã không tiết lộ những chức năng cụ thể mà Google dự định trang bị cho sản phẩm của mình.
Trước đó, trong ngày ra mắt Project Glass, Google đã có màn trình diễn hết sức ấn tượng về những tính năng ghi hình trực tiếp, chat video… từ Project Glass.
Google ra mắt “siêu máy tính đám mây”
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị Google I/O, “gã khổng lồ tìm kiếm” cũng cho ra mắt siêu máy tính hoạt động trên nền tảng đám mây Google Compute Engine, cho phép các nhà phát triển ứng dụng có thể sử dụng để thực hiện những công việc đòi hỏi khả năng và tốc độ tính toán.
Theo đó, siêu máy tính của Google sẽ trang bị hàng trăm nghìn nhân vi xử lý, có thể xử lý những công việc đòi hỏi tốc độ và sự phức tạp. Tùy thuộc vào mức độ phức tạp của những công việc cần xử lý, Google Compute Engine có thể sử dụng số lượng vi xử lý phù hợp trên dịch vụ của mình.
Các nhà phát triển ứng dụng sẽ thuê các dịch vụ trên “siêu máy tính đám mây” của Google theo từng giờ, theo từng tùy chọn về cấu hình với nhiều mức giá khác nhau.
Google Compute Engine tương tự như dịch vụ điện toán đám mây EC2 do Amazon cung cấp, là một dịch vụ siêu máy tính dựa trên công nghệ điện toán đám mây mà các doanh nghiệp có thể thuê thời gian để sử dụng, giúp xử lý những công việc đòi hỏi khả năng xử lý mạnh mẽ của siêu máy tính. EC2 của Amazon là một trong 500 siêu máy tính nhanh nhất thế giới hiện nay.
T.Thủy
(dantri.com.vn)