Tinh Hoa

Xem tê giác ‘họa sĩ’ vẽ tranh

Chú tê giác nghệ danh là Mechi được xem như một họa sĩ “lớn” nhất thời đại. Chẳng phải đó là đánh giá của nhà phê bình nghệ thuật nhưng ai cũng phải thừa nhận. Không “lớn nhất” sao được khi chú ta nặng những hơn nửa tấn.

/

Machi đang sáng tạo tác phẩm của mình ngay trong lồng sắt. Ảnh: Eg.ru.

Tại vườn thú Mesker bang Indiana (Hoa Kỳ) có treo một bức họa mà sự nổi tiếng so sánh với tranh của Picasso cũng không phải là phóng đại quá đáng – bức tranh của họa sĩ tê giác Mechi.

Chú tê giác nhỏ này nhúng “bút” vào bảng màu, nhưng bút không phải là chiếc sừng ngắn ngủn trên mũi – bộ phận này đâu có cảm giác để xúc động – mà là môi trên. Còn lại chỉ là vấn đề kỹ thuật vì chiếc môi trên đã truyền cảm hứng nghệ thuật của chú đến với người xem tranh.

Mechi được đưa vào vườn bách thú ba năm trước từ đất nước Nepal. Bố chú thì chẳng ai biết ở đâu vì chú ra đời như kết quả của một “cuộc tình thoáng qua” giữa hai bố mẹ.

Mẹ chú không may bị bọn săn trộm sát hại để lấy sừng bán cho những ông lang người Trung Quốc vì đông y coi đấy là dược liệu quý giá nhất ở trên đời, giá trị còn cao hơn vàng. Còn chú may mắn hơn được người địa phương cứu thoát kịp thời và đưa sang Mỹ.

Một tác phẩm của Machi. Ảnh: Eg.ru.

Mechi say sưa vẽ trong suốt những tháng dài của mùa đông, khi chú không thể đầm mình trong nước (vì nước quá lạnh đối với chú) và sưởi ấm dưới nắng (vì mùa này đâu có nắng). Vì vậy các nhân viên vườn thú nghĩ ra cách dạy chú vẽ vậy để chú khỏi buồn. Chú tỏ ra rất say mê môn nghệ thuật hội họa này.

Những tác phẩm đầu tiên của Mechi rất đặc sắc vẽ “tĩnh vật”.Mỗi khi vẽ xong, chú còn ngoạm vào mõm nào chuối, cà rốt, khoai tây…nhúng vào các màu sơn khác nhau và đặt lên tranh “một cách có ý thức” – như các nhân viên vườn thú nhận xét.

Hiện nay, họa sĩ tê giác đã vẽ hàng chục bức tranh, bán tại gallery địa phương và ngày càng nổi tiếng.

Tiền bán tranh của Mechi được sử dụng rất có ý nghĩa: Tất cả đều được góp vào Quỹ quốc tế cứu giúp tê giác khỏi bị tuyệt chủng. Nghĩa là chú rất có ích cho đồng loại, hiện đang sống hoang dã tại châu Phi.

Mechi gửi tâm hồn mình vào bức tranh theo trường phái “trừu tượng”.

Bảo Châu

(vietnamnet.vn)