Tinh Hoa

Những khối nhà đặc biệt nhất Moscow

Khối nhà ở số 2 phố Bolshaya Tulskaya được mệnh danh là “Con tàu”. Tên gọi này xuất phát từ việc tòa nhà mang màu trắng khi mới được hoàn thiện và nổi lên giữa các khối nhà thấp hơn giống như một chiếc tàu biển khổng lồ. “Con tàu” dài 400 m này được xây dựng qua nhiều giai đoạn và mất gần hai thập kỷ để hoàn thiện.

Tòa nhà Centipede (con rết) ở số 34 phố Begovaya được xây dựng vào năm 1978 theo thiết kế của kiến trúc sư Andrei Meerson. Cả khối nhà được đặt trên những cây cột có đạng nhỏ dần khi chạm đất, tạo nên cảm giác tòa kiến trúc này không chắc chắn. Cư dân ở đây sử dụng khoảng không gian giữa những cây cột làm bãi đỗ xe.

Ngôi nhà Quả trứng tại số 1/11 phố Mashkov là một trong những biểu tượng của phong cách “Đế chế Luzhkov”. Tòa nhà được thiết kế bởi kiến trúc sư Sergei Tkachenko và một người làm nghề buôn bán có tên Marat Gelman. Ông Gelman từng có ý định xây dựng một phòng khám sản khoa hình quả trứng tại Bethlehem, Palestine. Tuy nhiên, những ý tưởng của Tkachenko và Gelman không thu hút được nhiều sự chú ý tại Palestine, vì thế họ quyết định làm một phiên bản thu nhỏ tại Moscow. Ngôi nhà Quả trứng là một khối kiến trúc 5 phòng được đặt cạnh một khu nhà dân cư cao tầng.

Các kiến trúc sư của tổ hợp đa chức năng Legion 3 tại ga tàu Kievsky muốn so sánh công trình của họ với con tàu Titanic huyền thoại. Tòa nhà này giống như một con tàu đang thả neo ở bến cảng. Tuy nhiên, người dân Moscow lại gọi khối nhà này là “Khối Sắt”.

Tòa nhà chung cư Avant-garde cao 20 tầng ở số 60 phố Novocheremushkinsky được sơn đủ sắc cầu vồng theo bản thiết kế của kiến trúc sư Sergei Kiselev.

Chung cư The Sail (Cánh Buồm) ở khu Khodynskoe Polye trông giống như một giọt nước, một con sóng, một con ốc sên hay thậm chí một cái tai với khuyên tai màu đỏ hơn là chính ý nghĩa tên gọi của nó.

Tòa nhà văn phòng Ether ở số 7 phố Butikovsky Pereulok được hoàn thiện vào năm 2008. Các kiến trúc sư đã sử dụng các tấm chắn sáng thủy tinh được gắn cố định vào các mặt của tòa nhà, nhằm tạo nên cảm giác cả khối kiến trúc như hòa tan vào không gian xung quanh.

Trung tâm văn phòng ở số 29/22 phố First Brestskaya được người dân ở đây gọi là “Bụng phệ”, “Cánh buồm” hay “Chim cánh cụt” vì dáng vẻ bên ngoài của nó.

Mặt tiền của khu chung cư ở số 19 phố Bryusov Pereulok được trang trí bằng những cây cột chia nhánh ở đoạn cuối và được kết thúc bằng những chậu cây cảnh. Các kiến trúc sư nói rằng điều này tượng trưng cho sự hữu hạn đối nghịch với sự bất diệt.

Tòa nhà ở số 3 phố Botanichesky Pereulok được kết hợp bởi những không gian khác nhau như văn phòng, căn hộ và cả một khách sạn. Các kiến trúc sư vì thế đã thiết kế mỗi mặt của khối nhà mang một dáng vẻ khác nhau.

Hà Giang (Ảnh: RIA Novosti)

(vnexpress.net)