Những dịch vụ ăn theo kiếm ‘bộn bạc’ rộ lên nhờ điện thoại một thời gian rồi lại chìm lắng, trào lư ướp hương cho ‘dế’, vẽ sơn móng tay và ốp vỏ gỗ cho điện thoại đã dần rơi vào quên lãng bởi sự ra đời liên tục của các điện thoại mới và bởi ‘đồ chơi’ cho điện thoại cũng ngày càng nhiều hơn.
Trước khi chiếc điện thoại đỏm dáng iPhone của Apple ra mắt, chuẩn mực về thiết kế trên điện thoại vẫn là cái gì đó ‘xa xôi’, trong khi tính năng còn quá nghèo nàn chỉ dừng lại ở việc nghe, gọi, nhắn tin và chiếc máy nào ‘xịn’ hơn thì có màn hình màu, chuông đa âm sắc. Bởi thế, nhu cầu làm đẹp và làm ‘độc’ cho điện thoại đã nảy sinh ra rất nhiều trào lưu.
Ướp hương cho dế
Tại Hà Nội, TP.HCM và một vài thành phố lớn khác, dịch vụ ‘ướp hương cho dế’ xuất hiện, ban đầu từ số 14 Đặng Dung và lan toả đi khắp nơi.
Đối với năm 2006, cái giá 50.000 đồng/lần ướp hương là không hề rẻ và những
Chiếc Nokia 7260 đang được ‘ướp hương’ |
chiếc điện thoại được ‘tẩm hương’ chủ yếu là điện thoại xịn, có giá vài ba triệu đồng trở lên.
Những người thợ ướp hương bằng cách tháo vỏ máy, chấm các giọt hương đủ mùi từ hoa hồng, oải hương, cúc… lên từng chiếc điện thoại, sau đó đưa vào một lò hấp nhỏ dạng lò vi sóng trong vòng 5 phút và chiếc điện thoại sẽ có hương thơm trong vòng 2 tháng.
“Cũng độc đáo, cũng khác biệt… nhưng không thể tạo nên xu hướng được, những chiếc điện thoại ướp hương cũng tương tự như những chiếc bút bi mực có mùi đã được sản xuất một thời gian rồi… biệt tích. Bởi hương không tự nhiên, nhiều người bị nhức đầu và hơn nữa là lo ngại việc máy bị ẩm linh kiện và hỏng’, chủ một cửa hàng trên phố Đặng Dung cho biết.
“Sau khi xuất hiện vào năm 2006, đến đầu năm 2007 thú ướp hương cho điện thoại này cũng ra đi, một số cửa hàng lại quay về việc kinh doanh, sửa chữa điện thoại truyền thống, còn cửa hàng chỉ chuyên bán phụ kiện tai nghe và cung cấp dịch vụ như thế này thì cũng dẹp hẳn vì không có khách”, anh nói thêm.
Trang trí điện thoại bằng đá và sơn móng tay
Cũng vào năm 2006, những chiếc điện thoại không ra mắt liên tục như bây giờ, cuộc cạnh tranh ở Việt Nam vốn chỉ dành cho Nokia, Samsung, một chút cho Motorola và các hãng khác. Thế nên, điện thoại – thứ vẫn coi là xa xỉ và cho dù cũ mèm cũng trở nên có giá, ai cũng tiếc khi nhìn thấy đồ vật của mình cũ đi. Thật lạ lùng, những cửa hàng sơn móng tay vốn chỉ dành cho phái nữ và cũng chẳng liên quan đến điện thoại trở thành nơi ‘cứu cánh’ chiếc mobile cũ kĩ.
Những chiếc chiếc máy như Nokia N70, Motorola V3, Samsung E570 nhanh chóng được thoả sức khoác lên mình những hoa văn đẹp mắt, thậm chí có những chiếc được đính đá để làm thoả lòng chủ nhân.
Dùng sơn móng tay vẽ điện thoại đã từng là một thú chơi |
“30.000 đồng vẽ nhẹ một chiếc, giá thông thường là 50.000… nếu muốn đính đá thì 2.000/hạt còn đá đẹp phải 10.000/hạt, mốt chủ yếu là vẽ hoa lá, cánh mềm mại”, chị Linh Phương (cửa hàng Phương Nail – Hai Bà Trưng) cho biết về một thời vàng son của mình.
Trào lưu trang chí điện thoại bằng sơn móng tay và đính đá “sống” khá lâu, tới năm 2008 – 2009 mới bắt đầu lụi tàn, nhiều thợ làm nail (sơn móng tay nghệ thuật) lại trở về với làm nail, chiếc điện thoại trở về với sự cũ kĩ của nó và dần dần nhiều người thích đổi điện thoại mới là phải làm mới lại một chiếc máy.
Đến nay, có lẽ nếu bạn thích sơn móng tay chiếc điện thoại của mình, một số thợ nail vẫn nhận làm, nhưng chắc hẳn rằng việc nhận sơn chiếc điện thoại thủ công có vẻ như rất nghệ thuật này sẽ không kiếm đủ tiền để phục vụ cho cuộc sống của họ, trong khi cách đây 5 năm, đây là một nghề thật sự ‘hốt bạc’.
Độ đèn LED và sơn vỏ
Cũng trong năm 2007, thú chơi những dòng máy cũ như Tac x, SL 45 khiến các dân chơi máy cỏ Việt lao vào cuộc tìm kiếm cách làm mới chiếc máy và cá nhân hoá nó.
Một số người dùng tự tháo vỏ, sơn thủ công, gắn thêm đèn LED vào bàn phím… một số cửa hàng cũng nhận dịch vụ này với giá khoảng 100.000 đồng/bộ máy. Cùng với trào lưu, những chiếc Tac x, SL 45 phiên bản… Ferrari, Lamborghini ra đời với nhiều màu sắc bắt mắt như đỏ rực, vàng nắng hay thậm chí cả màu xanh nõn chuối.
SL 45 phiên bản… Ferrari của người Việt |
Tuy nhiên, mặc dù là một thú chơi thì Tac x không có nhiều ưu điểm để người đam mê công nghệ có thể chọn nó bên mình lâu dài thay một chiếc máy khác, trong khi SL 45 vốn là chiếc mobile nổi tiếng về chất lượng âm thanh ‘đỉnh’ và so sánh với iPod cũng bắt đầu thu hẹp dần số lượng người chơi bởi mặc dù giá rẻ, có thể ‘vọc’ nhiều, nhưng lại đi kèm với việc dễ lỗi, không phù hợp với người dùng phổ thông.
Việc sơn vỏ cho điện thoại, đến nay vẫn
còn tồn tại, phục vụ chủ yếu cho dòng BlackBerry nhưng không rầm rộ và cũng ngày càng ít khách hàng hơn.
‘Lên đời’ vỏ gỗ
Trào lưu này cũng xuất phát từ việc ăn theo những chiếc điện thoại Mobiado của công ty Bonac – Canada, Mobiado xuất hiện dạng ‘xách tay’ vào Việt Nam từ năm 2005 – 2006, tuy không đắt đỏ như Vertu nhưng cũng ngay lập tức thu hút sự chú ý bởi thiết kế vỏ gỗ đặc trưng của máy.
Tại Việt Nam, một loạt các sản phẩm main Nokia như Nokia 1100, Nokia 6230, Nokia 6230i được lên đời vỏ gỗ với giá mỗi bộ vỏ từ trung bình 600.000 đồng/bộ cho tới cả chục triệu đồng nếu vỏ được làm bằng gỗ đắt như gỗ sưa, đính thêm đá quý, vàng…
Một chiếc điện thoại vỏ gỗ trông khá độc đáo mang phong cách Mobiado |
Khắp trong nam, ngoài bắc rộ lên nhiều cơ sở chế tác đồ thủ công nhận chế vỏ điện thoại Mobiado. Thành Sói (Gia Lâm) là một thành viên trong mạng TTVNOL cũng đã nhanh chóng nhảy vào thị trường với này với nền tảng từ xưởng gỗ nhà mình, ‘ngày nào cũng bán được 2 – 3 bộ vỏ, thậm chí có khách hàng tại TP HCM đặt sản xuất những bộ vỏ riêng có giá tới cả chục triệu đồng bởi mặc dù có đủ tiền như Mobiado xịn, nhưng cũng có một số người thích chơi điện thoại độc’.
Tuy nhiên, chẳng cần đến đồ thủ công ‘lên hết tầm’ cũng chưa giống như Mobiado xịn, các cơ sở ở Trung Quốc nhanh chóng xuất ra Việt Nam những chiếc Mobiado giả – main Nokia có hình dáng giống hệt như thật, thậm chí ngay cả ‘thợ’ cũng khó phân biệt.
Vẻ đẹp tuyệt vời của chiếc Mobiado chính hãng phiên bản Việt Nam |
Không chỉ cung cấp những sản phẩm nhái giống thật, những bộ vỏ gỗ Mobiado (giả) cũng được chuyển về đập tơi bời các cơ sở sản xuất Việt sản xuất vỏ gỗ cho điện thoại. Hơn nữa, nhiều bộ vỏ gỗ sản xuất thủ công không chịu nổi môi trường và bị nứt, cho dù đó là gỗ trắc hay gỗ mun và làm nhiều người dùng chán nản.
Đến nay, Mobiado vẫn là những chiếc máy cao cấp được chú ý tại Việt Nam, thậm chí hãng còn có cả phiên bản giới hạn dành cho thị trường Việt với bản đồ Việt Nam thể hiện chủ quyền đầy đủ của đất nước bao gồm vùng đất, vùng trời, vùng biển, các đảo – trong đó có Trường Sa, Hoàng Sa được khắc trên vỏ máy, thế nhưng việc chế tác điện thoại vỏ gỗ ăn theo Mobiado đã không còn nữa, có chăng chỉ còn rất ít người có sở thích ốp vỏ gỗ cho mình nhằm tìm một chút gì đó riêng mà thôi.
Cường Cao (ảnh: internet)
(vtc.vn)