Sự việc hàng tấn thịt lợn nhiễm bệnh được dùng để chế biến thành “đặc sản” bị phát hiện những ngày qua một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tuy vậy, với nhiều người tiêu dùng, những thông tin này chỉ dừng lại ở mức độ… để biết và họ vẫn tiếp tục “sống trong sợ hãi” bởi việc mua thực phẩm lâu nay vẫn chỉ phụ thuộc vào… niềm tin.
Vẫn vô tư quảng cáo
Đêm 12/6 vừa qua, Phòng Cảnh sát môi trường Công an Hà Nội cùng lực lượng chức năng phát hiện một lượng lớn thịt lợn chết dịch đã được sơ chế, chờ sao tẩm làm ruốc, thịt chưng mắm tép tại cơ sở chế biến thực phẩm 209 Nguyễn Khoái. Được biết, ruốc thành phẩm từ lợn chết được cơ sở của ông Đào Quang Bình bán với giá 100 – 120.000 đồng/kg, mắm tép chưng thịt nhãn hiệu Long Bình loại 120g/hộp được bán với giá 11.000 đồng/hộp.
Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, trên một trang web về du lịch, sản phẩm mắm tép chưng thịt của ông Đào Quang Bình vẫn được quảng cáo khá rầm rộ: “Nói đến mắm tép chưng thịt, người tiêu dùng không thể không nhắc đến cơ sở chế biến thực phẩm Long Bình, một thương hiệu uy tín được nhiều khách hàng trong cả nước tin dùng. Nguyên liệu chủ yếu của món ăn này vẫn là thịt. Phải chọn thịt thăn và thịt mông dẻo, tươi, bề mặt không chảy nước. Tiếp đến chọn tép sao cho vừa độ ngấu và chín có độ thơm nức…. Hiện nay mắm tép chưng thịt Long Bình không chỉ có mặt ở hầu khắp tỉnh thành trong cả nước mà còn được khách hàng mang ra nước ngoài. Đây thực sự là niềm vui nhưng cũng luôn nhắc nhở cơ sở phải giữ được chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để không phụ lòng tin của khách hàng” (?!)
Một chậu mắm tép chưng thịt, nghi chế biến từ thịt lợn chết do bệnh tai xanh |
Quả thật, đối với những tín đồ trung thành của món mắm tép chưng thịt sau khi đọc đoạn quảng cáo này không thể không móc hầu bao để được sở hữu và thưởng thức vài lọ “đặc sản có tiếng”. Và trên thực tế, thời gian qua, sản phẩm mắm tép chưng thịt mang nhãn hiệu “Long Bình” đã được bán khá chạy tại các chợ của Hà Nội.
Sau khi xảy ra sự việc trên, sáng 17/6, phóng viên đã có cuộc khảo sát tình hình kinh doanh các sản phẩm này tại một số chợ như chợ Ngọc Hà, chợ Thành Công, chợ Cống Vị… Tại chợ Ngọc Hà, khi chúng tôi hỏi mua mắm tép chưng thịt Long Bình, một chủ quầy hàng bán đồ chế biến sẵn lắc đầu quầy quậy: “Loại thực phẩm mất vệ sinh rẻ tiền ấy trước đây mấy cửa hàng cuối chợ có bán, nay thì dẹp rồi. Ở đây chỉ bán ruốc, mắm tép chưng thịt do nhà tự làm, chất lượng đảm bảo, thơm ngon tuyệt vời”… Tuy vậy, so với giá bán của sản phẩm Long Bình, giá bán của sản phẩm tại quầy hàng này cao hơn gấp đôi: mắm tép chưng thịt: 30.000đồng/lạng, ruốc: 20.000đồng/lạng. Song điều đáng nói là, những sản phẩm này không hề có nhãn mác, địa chỉ sản xuất cũng như hạn sử dụng.
Còn tại chợ Cống Vị, với câu hỏi tương tự, chúng tôi được một chủ cửa hàng cho biết: “Quầy hàng chỉ còn bán mắm tép chưng thịt của nhà sản xuất khác, còn với nhãn hiệu Long Bình trước đây tiêu thụ khá mạnh do giá rẻ nhưng mấy ngày nay chúng tôi không nhập nữa. Người mua cũng đã tẩy chay đối với sản phẩm mang nhãn hiệu này.
1001 cách phù phép
Về nguyên liệu chế biến các món đặc sản trên, anh L.V.T – người chuyên bán thịt tại chợ cóc ở đường Hoàng Hoa Thám tiết lộ: “Trong trường hợp thịt ế không tiêu thụ được, ngoài việc bán rẻ cho các hàng cơm, phở để họ chế biến thì phần thịt còn lại sẽ được… hô biến thành thịt tươi. Với những loại thịt chưa bị ôi chảy nước, chỉ cần đun một nồi nước nóng, cho nhúm muối và trần qua là thịt lại ngon như mới. Khi chế biến, để miếng thịt trông hấp dẫn, chỉ cần ướp gia vị, cho chút nước cốt dừa, kẹo đắng vào là thơm lừng ngay. Tôi đã từng chứng kiến một số chủ cửa hàng ăn ngâm thịt đã thiu bốc mùi vào chất bột trắng pha nước. Sau khi ngâm xong khoảng 30 phút, thịt sẽ có màu hồng và săn chắc trở lại”.
Theo số liệu thống kê của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm – Bộ Y tế, trong năm 2011, cả nước có trên 140 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 4.500 người mắc, trong đó hơn 80% phải đi viện. Tuy vậy, vì hám lợi nhuận không ít người sản xuất, tiêu thụ thực phẩm vẫn tìm mọi cách để bán được hàng. Hơn lúc nào hết, người tiêu dùng đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi gian lận này. Song muốn giải quyết tận gốc của vấn đề, cần có một sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng. Điều quan trọng nhất là phải cho người nông dân thấy được lợi ích của việc sản xuất nông nghiệp an toàn, nghĩa là sản phẩm sạch, có chất lượng sẽ luôn được bán với giá cao hơn hẳn các sản phẩm trôi nổi trên thị trường.
(vtc.vn)