Tinh Hoa

Nước Mỹ đã nhận được bài học từ vụ Watergate?

Bốn thập kỷ sau vụ bê bối Watergate, các chuyên gia và những người có liên quan tới vụ bê bối chính trị tồi tệ nhất ở Mỹ trong thế kỷ 20 vẫn lo lắng rằng các bài học có được từ nó đã tan chảy mất, trong bối cảnh tổng thống đang có ảnh hưởng ngày càng sâu rộng.
Ngày 17/6 này sẽ đánh dấu thời điểm tròn 40 năm kể từ khi một nhóm gồm 5 đối tượng đã bị bắt tại Washington, khi đang tìm cách đột nhập vào trụ sở Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ.

Theo sau đó là hàng loạt sự hé lộ về các bí mật liên quan tới tiền bạc, khai thác thông tin kiểu gián điệp, che giấy sự thật đã khiến cả thế giới bị sốc. Vụ bê bối này lớn tới mức nó khiến Tổng thống Richard Nixon phải từ chức trong hổ thẹn vào tháng 8/1974.

Cố tổng thống Richard Nixon (Ảnh tư liệu)

Phần lớn những gì chúng ta biết về vụ Watergate đã hé lộ ra ánh sáng lần đầu thông qua các bài điều tra của hai phóng viên Bob Woodward và Carl Bernstein của tờ Washington Post, với tác phẩm của họ đã trở thành mẫu mực cho hoạt động điều tra báo chí.

Nhưng một người đàn ông khác từng có tác động lớn sau vụ Watergate nói rằng các sinh viên môn lịch sử nên tập trung nghiên cứu vào ông chủ Nhà Trắng khi đó và tình trạng lạm quyền kinh khủng của ông ta.

“Đó không phải câu chuyện về nghiệp vụ báo chí. Đó là chuyện về Richard Nixon” – sử gia kiêm giáo sư đã về hưu Stanley Kutler nói với AFP.

Trong những năm 1990, Kutler đã đâm đơn kiện nhằm vào Nixon và Thư viện quốc gia, buộc người ta phải công bố các đoạn băng lấy từ hệ thống ghi âm mà Nixon đã ra lệnh lắp đặt trong Nhà Trắng.

Các đoạn ghi âm cho thấy một vị Tổng thống bị hoang tưởng, chìm đắm trong các âm mưu báo thù và thích dành nhiều thời gian ra lệnh cho đàn em ném bùn vào đối thủ. “Nixon có nhiều kẻ thù, cả tưởng tượng và có thực. Nhiều người trong số đó đã hình thành từ cuộc chiến tranh Việt Nam gây chia rẽ đất nước, khi Washington tràn ngập bởi hàng ngàn người biểu tình” – Kutler nói – “Từ Việt Nam, chúng ta vẫn không nhận ra bài học rằng có những hạn chế trong sức mạnh Mỹ. Và vụ Watergate còn cho người Mỹ thấy “những hạn chế trong quyền lực của Tổng thống. Tổng hợp 2 sự kiện Việt Nam và Watergate và ta đã có một đất nước mới từ những gì còn lại”.

Chủ Nhật tuần trước, Woodward và Bernstein đã chỉ ra “các tội ác lớn” do Nixon thực hiện. Họ cũng nói rằng ông ta đã mở nhiều cuộc chiến chống phong trào phản chiến, báo giới, những người Dân chủ đe dọa sẽ tước đi nhiệm kỳ thứ hai, bên cạnh vụ che đậy bê bối Watergate và hoạt động cản trở công lý.

Vụ bê bối Watergate là chủ đề nóng trên báo chí thời bấy giờ 

“Thực sự những gì chúng tôi nhìn thấy khi đó là Nhà Trắng đã trở thành một tập đoàn tội phạm quy mô lớn mà chúng ta chưa từng có trong lịch sử” – Bernstein nói với kênh CBS.

Theo Steve Billet, người điều hành chương trình nghiên cứu Thạc sĩ về các vấn đề lập pháp ở Đại học George Washington, người Mỹ đã luôn có sự ngờ vực nhằm vào chính phủ. Nên khi vụ Watergate nổ ra, chính phủ đã trở thành kẻ thù với họ.

“Chuyện giống như một lời tiên tri nói rằng chính phủ có thể gây hại tới sự tự do của người dân và thực tế nó đã xảy ra như vậy” – Billet nói. Ông và những người khác cũng cho biết sự ngờ vực của cử tri vào khả năng lạm quyền tại Nhà Trắng vẫn còn tồn tại tới ngày nay.

Cuộc điều tra vụ Watergate và hoạt động che đậy thông tin diễn ra sau đó đã khiến 40 trợ lý của Nixon và những người khác phải vào tù.

Trong số đó có John Dean, người từng là cố vấn cho Nixon vào thời điểm vụ đột nhập văn phòng phe Dân chủ xảy ra và cuối cùng đã hợp tác với cơ quan điều tra.

Dean giờ là một trong những người cảnh cáo mạnh dư luận về nguy cơ sự trở lại của tình trạng lạm quyền điều hành, đặc biệt là sau các vụ khủng bố 11/9.

“Những cảnh báo từ vụ Watergate đã dần mất đi sức mạnh trong nhiều năm, đặc biệt là do ảnh hưởng từ nỗi lo sợ mà chủ nghĩa khủng bố mang tới trong thập kỷ vừa qua” – Dean viết trên tờ The New York Times vào tuần này – “Nỗi sợ đã được dùng để hợp lý hóa việc tăng quyền lực Tổng thống lên một mức độ mà Nixon vốn chỉ có thể có trong mơ”.

Dean dẫn một loạt các vị Tổng thống được ông cho là đã có biểu hiện lạm quyền: Ronald Reagan lạm quyền trong vụ  Iran-Contra (bí mật bán vũ khí Mỹ cho Iran năm 1986); sự giả dối của Bill Clinton trong vụ bê bối tình ái Monica Lewinsky; George W. Bush quyết tâm gây chiến với Iraq dựa trên “thông tin tình báo giả” và Barack Obama tiếp tục giam giữ các công dân Mỹ bị xem là mối đe dọa khủng bố.

Và khi sự lạm quyền thường mời gọi bê bối xuất hiện, sẽ chỉ còn là một vấn đề thời gian trước khi một quả bom mới lại phát nổ trên chính trường Mỹ, giống cách đây 40 năm.

“Tôi đã hình dung ra một cách chắn chắn vụ Watergate thứ hai” – tác giả Thomas Mallon, chủ nhân cuốn sách “Watergate: A Novel”, cho biết.

Ông dự báo rằng khi thông tin là loại tài sản giá trị nhất trong chính trị, vụ bê bối tiếp theo “chắc chắn sẽ liên quan tới việc đột nhập chiếm hữu thông tin về đời tư của người khác”

“Mọi người nên học cách cảnh giác, bởi tại một thời điểm nào đó trong lịch s
ử Mỹ, sẽ xuất hiện các vụ bê bối còn lớn hơn nhiều vụ Watergate” – ông nói.
Theo Vietnam+

(vtc.vn)