Tinh Hoa

10 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới 2012

Kinh tế Mỹ và châu Âu suy thoái khiến việc mở rộng quy mô ra toàn cầu của các hãng bán lẻ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Các hãng này buộc phải tìm kiếm các thị trường tiềm năng, chưa được khai thác hết.

“Bên cạnh các nền kinh tế đang phát triển lớn trên thế giới, đặc biệt là nhóm các quốc gia BRIC gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, chiếm thị phần bán lẻ toàn cầu lớn nhất, nhiều thị trường khác nhỏ hơn và chưa được khai thác cũng đang tiềm ẩn nhiều cơ hội phát triển mới cho các hãng bán lẻ”, báo cáo của A.T. Kearney nhận định.

Dưới đây là 10 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới năm 2012.

1. Brazil

Xếp hạng năm 2011: 1

Dân số: 205,7 triệu (dự báo háng 7/2012)

GDP đầu người: 11.600 USD (2011)

Xếp thứ 3 về doanh số bán lẻ tính trên đầu người trong số các nước đang tiến hành tham gia khảo sát, cùng với triển vọng tăng trưởng kinh tế lớn, Brazil đứng số một trong danh sách các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới năm 2012.

“Brazil đứng đầu trong danh sách này trong 2 năm liền nhờ tầng lớp trung lưu phát triển mạnh mẽ, tỷ lệ tiêu dùng cao, cư dân thành thị đông và ít rủi ro về tài chính, chính trị”, báo cáo kết quả khảo sát trên cho biết. “Thêm vào đó, dân số tương đối trẻ và chi tiêu trên đầu người vào hàng xa xỉ lớn khiến quốc gia nam Mỹ này là điểm đến hàng đầu của các hãng bán lẻ”.

Năm 2011, các hãng bán lẻ như Topshop, Sephora, Lanvin và Debenhams đều gia nhập thị trường này. Báo cáo của A.T. Kearney cho biết hãng cà phê Starbucks cũng đang có dự định tăng gấp đôi số lượng của mình lên 64 vào cuối năm 2012.

2. Chile

Xếp hạng năm 2011: 2

Dân số: 17 triệu (tháng 7/2012)

GDP đầu người: 16.100 USD (2011)

“Chile là một trong những thị trường bán lẻ cạnh tranh và năng động nhất trong khu vực”, báo cáo trên cho biết. Năm 2012, GDP của quốc gia này được dự báo tăng 6,2%. Lạm phát thấp và ít rủi ro là những lý do khiến Chile thường là lựa chọn đầu tiên của các hãng bán lẻ khi tiến quân vào thị trường nam Mỹ. Trong 2 năm liền, Chile đều giữ vị trí số 2 trong danh sách các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới.

3. Trung Quốc

Xếp hạng năm 2011: 6

Dân số: 1,34 tỷ (tháng 7/2012)

GDP đầu người: 8.400 USD (2011)

“Người tiêu dùng Trung Quốc lúc nào cũng có khả năng và sẵn sàng chi tiêu”, bà Hana Ben-Shabat, đối tác của A.T. Kearney nhận xét. Bà Ben-Shabat dự báo doanh số bán lẻ tại Trung Quốc sẽ còn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, bất chấp việc các hãng bán lẻ phải đối mặt với nhiều thách thức tại thị trường này.

“Dù có quy mô và sức hấp dẫn lớn, Trung Quốc vẫn còn những tồn tại như về địa điểm thuê mặt bằng, nhà cung cấp và luật pháp. Hơn nữa, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng tỏ ra nhạy cảm với giá cả và các hãng bán lẻ địa phương cũng đang cạnh tranh mạnh mẽ hơn.

Hiện nay, Trung Quốc là thị trường hàng xa xỉ lớn nhất thế giới với doanh số hàng năm đạt 12 tỷ USD và vẫn đang tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế nói chung chững lại, áp lực lạm phát, giá thuê mặt bằng và nhân công cao tăng là những khó khăn mà các hãng bán lẻ gặp phải tại thị trường này.

Dù vậy, Trung Quốc vẫn là điểm đến hàng đầu cho các hãng bán lẻ trên thế giới và tăng 3 bậc trong danh sách các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới năm nay.

4. Uruguay

Xếp hạng năm 2011: 3

Dân số: 3,3 triệu (tháng 7/2012)

GDP đầu người: 15.400 USD (2011)

Dù tụt hạng trong danh sách này, Uruguay vẫn tăng trưởng doanh thu bán lẻ trung bình hàng năm khoảng 30% từ năm 2008. Bất chấp việc tăng trưởng của thị trường vẫn còn phân tán giữa các khu vực, nhưng với tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức thấp và tỷ lệ đói nghèo đang giảm, Uruguay vẫn hứa hẹn đem lại nguồn doanh thu lớn cho các hãng bán lẻ.

5. Ấn Độ

Xếp hạng năm 2011: 4

Dân số: 1,2 tỷ (tháng 7/2012)

GDP đầu người: 3.700 USD (2011)

Những thay đổi lớn trong quy định đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tại Ấn Độ khiến nhiều hãng bán lẻ phải rời khỏi hoặc thay đổi chiến lược. Tuy nhiên, đây vẫn là một thị trường đầy tiềm năng. Nền kinh tế tăng trưởng nhanh, thu nhập khả dụng của người dân ở mức cao và tốc độ đô thị hóa lớn, là những lý do giúp Ấn Độ trở thành thị trường bán lẻ đầy hấp dẫn.

Bất chấp những thay đổi về quy định tại Ấn Độ, mới đây, Starbucks và Dunkin’ Donuts đã gia nhập vào thị trường này. Bên cạnh đó, các hãng bán lẻ lớn như Wal-Mart, Carrefour, Metro, Zara và Mango cũng đang có ý định mở rộng kinh doanh sang Ấn Độ.

6. Georgia

Xếp hạng năm 2011: N/A

Dân số: 4,5 triệu (tháng 7/2012)

GDP đầu người: 5.400 USD (2011)

Trong khi nhiều quốc gia châu Âu tụt hạng tín dụng, xếp hạng của Georgia lại được nâng lên. Đây là một trong những tín hiệu về những tiềm năng lớn tại thị trường này cho các hãng bán lẻ. Thuế suất và thủ tục hành chính đơn giản, minh bạch giúp Georgia ghi điểm trong mắt các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, người dân nước này đang dần chuyển thói quen mua sắm ở chợ sang các cửa hiệu, siêu thị và trung tâm bán lẻ lớn.

7. Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất UAE)

Xếp hạng năm 2011: 8

Dân số: 5,3 triệu (tháng 7/2012)

GDP đầu người: 48.500 USD (2011)

Giữa bối cảnh bất ổn chính trị, kinh tế trong khu vực, UAE được đánh giá là một quốc gia an toàn và luôn chào đón khách du lịch, nhà đầu tư. Xếp hạng độ hấp dẫn của thị trường bán lẻ UAE cũng tăng một bậc so với năm ngoái. Trung tâm thương mại Dubai tại UAE là điểm mua sắm, giải trí đông đúc và lớn nhất thế giới với hơn 54 triệu lượt khách trong năm 2011, tăng 15% so với năm 2010.

8. Oman

Xếp hạng năm 2011: N/A

Dân số: 3 triệu (tháng 7/2012)

GDP đầu người: 26.200 USD (2011)

Tại Oman, các cửa hàng bán lẻ hiện đại đang dần thay thế cho các chợ, cửa hiệu truyền thống, đặc biệt là tại thủ đô Muscat. Dù thay đổi chậm hơn so với các quốc gia khác trong khu vực, nhưng Oman lại cho phép các cá nhân, tổ chức nước ngoài có quyền sở hữu. Điều này giúp Oman có môi trường đầu tư thuận lợi hơn so với các nước trong khu vực.

9. Mông Cổ

Xếp hạng năm 2011: N/A

Dân số: 3,2 triệu (tháng 7/2012)

GDP đầu người: 4.500 USD (2011)

Ngành công nghiệp khai khoáng phát triển giúp kinh tế Mông Cổ tăng trưởng mạnh mẽ và nhiều người dân nước này thoát khỏi đói nghèo, có thu nhập trung bình. Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự báo kinh tế Mông Cổ sẽ tăng trưởng khoảng 14% vào năm 2016.

“Mặc dù GDP và thị trường bán lẻ còn tương đối nhỏ, tiềm năng tăng trưởng lớn và chế độ dân chủ tại Mông Cổ hứa hẹn nhiều cơ hội cho các hạng bán lẻ đang tìm kiếm cơ sở khách hàng giàu có và môi trường chính trị ổn định”, báo cáo của A.T. Kearney nhận định.

10. Peru

Xếp hạng năm 2011: 7

Dân số: 19,5 triệu (tháng 7/2012)

GDP đầu người: 10.000 USD (2011)

Tiềm năng phát triển bán lẻ tại khu vực Mỹ Latinh cùng với tăng trưởng kinh tế nội địa mạnh mẽ đang đem lại cho nhiều lợi thế cho các quốc gia trong khu vực này. Trong số 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất theo kết quả nghiên cứu của A.T. Kearney có tới 7 quốc gia Mỹ Latinh.

Peru, quốc gia đứng thứ 10 trong danh sách này, có tăng trưởng vượt bậc. Trong năm 2011, GDP của Peru tăng trưởng 5% và doanh số bán lẻ tăng tới 13%.

(vnexpress.net)