Trong sa mạc Nội Mông khô cằn của Trung Quốc có một ‘phép màu’ âm thầm diễn
ra.
Nội Mông là một trong các vùng đất khô hạn có diện tích lớn nhất Trung Quốc.
Khu tự trị này có 5 sa mạc và 5 vùng đất cát.
Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ tiến hành các biện pháp ‘trị cát’, người dân
trên quê hương Thành Cát Tư Hãn đã lại nhìn thấy màu xanh của cỏ, của cây và sự
sống lại được sinh sôi nảy nở trên các mảnh đất tưởng từng đã phải bỏ đi.
Tại Nội Mông, diện tích đất bị sa mạc hóa lên tới 617,700 km2 (tức 52.2% tổng
diện tích đất) của vùng. Diện tích đất bị cát hóa chiếm hơn 35% tổng diện tích
đất.
Nhưng nay, nhờ có các chương trình ‘trị cát’ nhằm ngăn cát di chuyển, một
lượng lớn cây trồng đã phủ xanh các vùng cát khô cằn.
Chương trình ‘vành đai phòng hộ’ đã dựng nên những ‘hàng rào xanh’ ngăn cát,
gió, từ đó, người dân địa phương có thể trồng cây ăn quả, cây lương thực sau
hàng chục năm cất công cải tạo đất.
Làng Qihetang nằm ở phía bắc thị trấn Xinchengzi ở khu tự trị Nội Mông. Ngôi
làng có 908 người dân sinh sống. Từ trước những năm 1990, do việc chăn thả và
chặt rừng quá mức, toàn bộ diện tích ở nơi đây đã bị hoang hóa.
|
Hầu hết người dân làng đã bỏ đi nơi khác sinh sống. Những người ở lại có
không quá 150kg thực phẩm. Qihetang trở thành làng nghèo, làng đói.
|
Nhưng từ năm 1992 trở lại đây, vùng đất này đã hồi sinh nhờ một chiến lược
sinh thái nhằm hồi sinh vùng đất tưởng đã ‘chết’. Từ năm 2001 đến nay, gần 350
ha diện tích rừng kinh tế trồng cây ăn quả đã được trồng và sinh lời. Người
dân nhận được tiền trợ cấp từ chính phủ cùng với sự giúp đỡ của khoa học để biến
đất cằn mang lại cây trái.
|
Còn tại Wengniute ở giữa thành phố Xích Phong thuộc Nội Mông, sự cần mẫn và ý
chí bền bỉ của người nông dân đã ‘dệt’ nên những “tấm lụa xanh” trên bề mặt cát
trắng.
|
Những ‘tấm thảm’ trên bề mặt cát khô ngút ngàn gây nên ấn tượng choáng ngợp
cho mọi người phương xa đến đây. Công nghệ ‘dệt cát’ này không quá cầu kỳ, người
nông dân/ công nhân lấy những lớp rơm rạ mùa trước, cắm xuống mặt đất với độ sâu
chừng 20-25cm.
|
Lớp rơm rạ này sẽ cố định cát khiến cho chúng không di chuyển sang các vùng
lân cận. Trong mỗi ô vuông cát được khoanh lại, công nhân sẽ trồng các loại cây
như cây lá kim (thông) hoặc cây/ cỏ chắn cát.
|
Những loại cây này đều sinh lợi về mặt kinh tế sau khoảng 3 năm trồng cấy. Và
sau thời gian đó, các công nhân hoặc nông dân tham gia trồng cây có thể khai
thác.
|
Ngôi làng Heiyupaozi nằm ở phía tây thị trấn Haiyintaohan xưa kia vốn là làng
nghèo. Nhưng sau nhiều thập kỷ dựng vành đai xanh ngăn cát, chắn gió, giữ nước
giữ đất, diện tích trồng cây đã tăng lên không ngờ.
|
Từ năm 1998, khu vực này đã áp dụng mô hình nông trại hữu cơ. Năm 2003, doanh
nghiệp kết hợp với chính quyền và người dân sở tại đã cùng nhau đối phó với nạn
sa mạc hóa. Nay, người dân đã giữ được đất và màu mỡ để trồng cây và thu lợi từ
chăn nuôi.
|
Những kỳ tích này tại Nội Mông là một phần trong cả chiến dịch xây dựng ‘Vạn
lý Trường thành Xanh’ của Trung Quốc. Hiện nay, hơn 10 quốc gia châu Phi cũng
đang học hỏi và áp dụng mô hình này để ngăn cát từ sa mạc.
|
- Lê Thu Lượng
(vietnamnet.vn)