Tinh Hoa

Thú chơi mới của giới siêu giàu châu Á

Trên khắp châu Á, những người siêu, siêu giàu đang dựng lên các bảo tàng như
một dấu hiệu mới nhất về giàu có dồi dào của họ. Trong vòng tròn kiêu kỳ và
riêng biệt này, những từ như máy bay riêng, du thuyền xa xỉ chỉ là những thứ của
ngày hôm qua.



Bảo tàng Huatong là bảo tàng tư lớn nhất ở tỉnh Tứ Xuyên, và là một trong những bảo tàng tư lớn nhất ở Trung Quốc

Những tác phẩm nghệ thuật chất lượng hàng đầu là độc nhất vô nhị và không ai
có thể sở hữu, không giống như một chiếc xe hòm của Rolls-Royce hay một món
trang sức Cartier. Do đó, chi hàng triệu đôla cho một tác phẩm nghệ thuật được
giải mà giá trị của nó có lẽ không ai biết đích xác là như thế nào (có thể rất
lớn) ngoại trừ các chuyên gia nghệ thuật, thì đó chính là khoe của cải.

Tại Trung Quốc, nơi người giàu luôn háo hức chứng tỏ rằng họ đã có mặt, các
bảo tàng được mở liên tục, ngang với các công viên giải trí. Ông trùm bất động
sản Dai Zhikang đang mở bảo tàng nghệ thuật Himalayas ở Thượng Hải, ông vua đồ
điện tử Chen Yung-tai đã mở rộng bảo tàng Aurora tại Thượng Hải và Chen
Dongsheng của bảo hiểm Taiking Lifi bắt đầu mở Không gian Taiking ở Bắc Kinh.

Tại Hội chợ nghệ thuật quốc tế Hong Kong 2012 mới đây, một diễn đàn tư đã
được mở cho những người siêu giàu ở châu Á để bàn về cách làm thế nào để thiết
lập và điều hành bảo tàng tư. Dù các phóng viên bị cấm dự diễn đàn này, một câu
chuyện cười vẫn lan khắp nơi bắt đầu bằng: “Bước 1: Có thật nhiều tiền. Bước 2:
Có nhiều tiền hơn nữa…”.

Philip Dodd, cố vấn của hội chợ đồng thời là người chủ trì diễn đàn trên cho
biết: “Họ đang học hỏi, cũng như chúng tôi từng làm như vậy ở phương Tây”. Ông
này ví tình hình hiện nay ở châu Á với Mỹ hồi đầu thế kỷ 20 khi các bảo tàng
được những người bác ái lập nên. Họ gồm ông trùm dầu mỏ J Paul Getty và doanh
nhân Solomon R Guggenheim, những người chống lưng cho bảo tàng Getty và
Guggenheim. Cả hai đều bắt đầu bằng bảo tàng tư trước khi để nó có những chức
năng công cộng nhiều hơn.

Gạt sang một bên cơ hội thể hiện sự giàu có và học vấn uyên bác của một
người, động cơ thiết lập bảo tàng tư của một người siêu giàu này khác với một
người siêu giàu khác. Oei Hong Djien, ông trùm thuốc lá ở Indonesia đồng thời là
nhà sưu tầm nghệ thuật say mê nói, ông chỉ đơn giản muốn lưu giữ những di sản
đậm tính mỹ thuật của nước nhà.

Ông Oei nói: “Indonesia là quốc gia đông dân thứ 4 trên thế giới. Chúng tôi
có nhiều họa sĩ vĩ đại. Tuy nhiên, chúng tôi không có một bảo tàng quốc gia và
chính phủ của chúng tôi không thực hiện các bước đi theo hướng đó. Do vậy, chúng
tôi, người dân phải đảm nhiệm vai trò của chính phủ, đặc biệt là khi thế giới
đang nhìn vào châu Á thời điểm này”.

Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại OHD của ông Oei, OHD là tên viết tắt của ông
trùm này, đặt tại Java với bộ sưu tập 2.000 tác phẩm đáng ghen tỵ, gồm cả các
tác phẩm của Affandi và Widayat.

Một người Indonesia khác, tỷ phú nông nghiệp Budi Tek, đã thiết lập bảo tàng
Yuz ở Jakartar vào năm 2008 và dự định xây cái thứ hai với tên gọi bảo tàng De
tại Thượng Hải vào năm tới.

Trong khi đó, ở Ấn Độ, Kiran Nadar, vợ của nhà tỷ phú công nghiệp Shiv Nadar
cũng đã khai trương một bảo tàng ở New Delhi với chính tên gọi của bà. Vợ tỷ phú
đường Rajshree Pathy đang xây dựng một bảo tàng tư ở Coimbatore ở Tamil Nadu. Ấn
Độ là nước có số tỷ phú nhiều nhất châu Á, chỉ sau châu Á.

Tại Singapore, bảo tàng tư chắc chắn khiêm tốn hơn nhiều so với Trung Quốc,
Ấn Độ và Indonesia. Trong số 50 bảo tàng hoặc hơn nữa ở Singapore, khoảng 1/3 là
bảo tàng tư. 

(vietnamnet.vn)