Ngày đó, ông được dân bản tôn vinh chả khác gì “Võ Tòng đả hổ”, vì có công diệt 2 hổ một lúc, giúp dân bản trừ họa.
Xin được nói thêm rằng, chuyện ông Điêu Chính H. (Quỳnh Nhai, Sơn La) giết hổ và những loài thú quý hiếm đã xảy ra cách nay vài chục năm, khi pháp luật chưa cấm săn bắn động vật quý hiếm. Giờ ông H. đã “gác kiếm”, không giết hại thú quý nữa.
Tuy nhiên, tác giả vẫn nhắc lại những sự kiện này, như lời cảnh báo với các cơ quan chức năng, nhằm tìm cách bảo vệ những con thú cuối cùng của đại ngàn.
Giết hổ nấu cao ở Hà Nội. Ảnh: Hoàng Anh Sướng |
Trong con mắt người dân ở Quỳnh Nhai, đặc biệt là những gia đình thường xuyên bị mất trâu, bò, cha con ông H. là “Võ Tòng diệt hổ”. Tuy nhiên, đó là quan niệm thời xưa. Còn giờ đây, ông là kẻ giết hại loài thú cực kỳ quý hiếm.
Đặt tay lên đầu con hổ nhồi bông khổng lồ, hai chân bám lên gốc cây, miệng há rộng, nhe nanh, mắt vằn đỏ dữ tợn, ông H. bảo đó là kỳ tích lớn nhất trong đời thợ săn của ông. Ngày đó, ông được dân bản tôn vinh chả khác gì “Võ Tòng đả hổ”, vì có công diệt hai hổ một lúc, giúp dân bản trừ họa.
Vụ giết hổ này diễn ra đã 25 năm, tại cánh rừng giáp bản Nà Kéo (xã Mường Chiên).
Xưa kia, hổ thường xuyên về bản bắt trâu, bò. |
Ông H. đứng trên sườn núi, chỉ tay về bản Nà Kéo. Ngót nửa xã Mường Chiên, cả bản Nà Kéo giờ đã chìm nghỉm dưới lòng hồ thủy điện Sơn La. Người dân vùng ngập nước ấy giờ đã chuyển ra các khu tái định cư mới ở Mường Giôn, nhưng những đêm bên bếp lửa, họ vẫn kể chuyện ông H. đả hổ cho con cháu nghe.
Một buổi sáng tinh mơ, đồng bào Thái ở bản Nà Kéo hoảng hồn báo cho ông H. hay: Một con trâu mộng của dân bản bị hổ vồ. Già bản đến gặp ông, nhờ ông trừ giúp con thú dữ.
Đã nhiều lần giáp mặt hổ, bắn trượt cũng có, bắn chết cũng có, nhưng nghe người dân tả lại thì con hổ này quả rất lớn và hung dữ, nên ông cẩn thận thăm dò địa điểm, hỏi thời gian con trâu bị vồ và bị vồ như thế nào rồi lên phương án chuẩn bị bắn hạ con hổ thật kỹ lưỡng.
Bên kia núi Huổi Luông vẫn còn hổ? |
Nơi xảy ra vụ hổ vồ trâu là vùng đất trồng trọt, được ngăn cách bởi một hàng rào bằng cọc chắc chắn kết với cây, tre để ngăn thú rừng phá hoại hoa màu.
Phía ngoài bìa rừng có vài bãi trống nhỏ và mọi người chỉ cho ông xác con trâu trong một bụi rậm. Máu đã đông đặc, đen sì, bụng trâu phanh ra, ruột, dạ dày vung vãi khắp nơi, da thịt bị xé tanh bành, thịt ở mông vai mất hết.
Bấy giờ đang là tuần trăng, chỗ đám thịt bầy nhầy quá rậm rạp nên ông huy động mọi người kéo xác con trâu ra bãi trống, cách cây nghiến không xa. Cây nghiến này khá lớn, cằn cỗi, bám vào vách đá, có những cành thấp chìa ra quanh thân, có tác dụng bảo vệ, cản đường con thú hung dữ lao lên khi bị thương.
Thành tích săn thú của ông H. treo kín 4 bức tường. |
Ông H. chọn một cành to làm đà ngang. Sau khi làm giàn chắc chắn, an toàn thì ông lấy sợi thừng buộc chặt vào sừng con trâu với gốc cây rồi yên tâm chờ con hổ. Ông ôm khẩu CKC quen thuộc trong tay, thiu thiu ngủ dưới ánh trăng lưỡi liềm trong một đêm tĩnh lặng nơi bìa rừng ẩm thấp.
Giấc ngủ bị đánh thức bởi những tiếng động liên tục, nặng nề. Lúc đó đã khoảng 1h sáng. Ông kéo súng nhỏm dậy nhẹ nhàng. Trăng treo lơ lửng giữa trời, ánh sáng bị sương khuấy ra nhợt nhạt.
Ông thấy rõ ràng, qua cái khe đặt nòng súng trước mặt, một khối xám xám đang quắp cái đầu con trâu lắc đi lắc lại để dứt thịt ra ăn.
Trâu rừng có cặp sừng kỳ quái do ông H. săn được. |
Lúc này, con hổ chỉ cách gốc nghiến độ 20 mét, đầu nó cúi xuống và đối diện với nòng súng. Ông sợ con thú giật cái đầu trâu ra khỏi sợi thừng và lôi đi thì phí công nên nhắm thẳng đầu nó bóp cò.
Tiếng súng nổ đanh gọn, con thú gầm lên giận dữ. Nó lao thẳng cả thân hình nặng nề theo hướng nó đang đứng. Tiếp đó là tiếng gầm khàn khàn, khùng khục giống như tiếng lăn của một cái thùng rỗng trên mặt đất lẫn sỏi đá.
Con hổ gắng sức lao vào gốc cây. Với kinh nghiệm của mình, ông H. biết nó đã bị thương nặng và nghẹt thở. Nó nằm phục xuống gốc cây thở phì phò.
Ông H. định tụt xuống thì đột ngột tiếng gầm gừ lại vang lên. Mùi hôi nồng xộc đến. Một con hổ nữa xuất hiện. Nó gầm lên rồi cứ nhằm tán cây lao cả thân lên. Hai tay nó vả vào cành cây roang roác.
Ông H. ráng sức dùng báng súng phang vào đầu nó. Khi nó lấy đà, ông tranh thủ nạp đạn. Con hổ phi lên, ông nhằm trúng đầu nó bóp cò.
Hai con hổ do ông H. hạ sát |
Trúng đạn vỡ sọ, con hổ cắm đầu xuống đất, giãy đành đạch. Đột nhiên, con hổ bị trúng đạn đầu tiên vùng dậy gằm ghè rồi chạy tót vào rừng sâu. Tiếng nó xa dần rồi mất hút.
Mặt trời ngấp nghé đỉnh núi. Dân bản vác đinh ba, súng ống lần vào rừng tìm ông mới dám tụt từ trên cây xuống.
Ông cùng dân bản lần theo dấu máu con hổ bị thương. Đi đến gần trưa thì phát hiện nó nằm chết bên suối. Con hổ này bị viên đạn xuyên thấu phổi.
Ông lột da con to làm thú nhồi bông, cắt đầu con nhỏ treo trên tường làm kỷ niệm. Bộ xương hai con hổ đem nấu cao, chia cho cả bản, mỗi gia đình một mẩu.
Ông H. lý giải rằng, ngày đó, rừng Huổi Luông nhiều hổ lắm. Hổ thường xuyên về bản bắt trâu bò, quấy phá cuộc sống người dân. Thậm chí, chẳng mấy năm không có một vài mạng người bị hổ ăn thịt.
Quân Lê – Phong Nguyệt
(vtc.vn)