Tinh Hoa

Tín đồ giáo phái tận thế ‘nhẹ nhõm vì bị bắt’

Khuôn mặt của Naoko Kikuchi hiện nay (bên phải) khác rất nhiều so với khuôn mặt trên lệnh truy nã (trái). Ảnh: AP.

Naoko Kikuchi, thành viên của giáo phái tận thế Aum Shinrikyo, bị bắt tại thành phố Sagamihara – cách thủ đô Tokyo khoảng 30 km về hướng tây nam. Người phụ nữ 40 tuổi thừa nhận thân phận khi cảnh sát tiếp cận cô ta. Đây là một trong hai thành viên cuối cùng của giáo phái Aum Shinrikyo vẫn đang bị truy nã. Kikuchi sống trong một căn hộ tại thành phố Sagamihara cùng một người đàn ông từ năm 2010.

Các nhà điều tra phải thẩm định danh tính của Kikuchi bằng dấu vân tay và nốt ruồi. Ngoại hình của cô ta thay đổi rất nhiều so với thời gian trước. Trọng lượng cơ thể Kikuchi cũng giảm đáng kể sau 17 năm, AP đưa tin.

Người phát ngôn của cảnh sát Tokyo cho biết, Kikuchi thừa nhận cô ta giúp các thành viên giáo phái Aum Shinrikyo sản xuất chất độc sarin. Song người phụ nữ này nói hồi ấy cô ta không biết đó là chất gì. Kikuchi thừa nhận rằng cô ta thường xuyên sử dụng tên giả và thay đổi chỗ ở vài năm một lần để ngăn chặn nguy cơ bị phát hiện.

“Tôi phải che giấu thân phận và dùng tên giả trong suốt những năm tôi lẩn trốn. Giờ đây tôi bị bắt nên tôi không phải che giấu thân phận nữa. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm”, cảnh sát dẫn lời khai của Kikuchi.

Hiroto Takahashi, người đàn ông chung sống với Kikuchi tại Sagamihara, đã trình diện cảnh sát hôm 4/6. Người đàn ông 41 tuổi nói anh ta đã chung sống với Kikuchi trong 6 năm qua.

Người dân tập trung quanh ngôi nhà mà Naoko Kikuchi sống từ năm 2010 hôm 4/6. Ảnh: AP.

Cảnh sát đã lục soát căn hộ của Kikuchi để tìm kiếm bằng chứng về 17 năm lẩn trốn của cô ta. Họ hy vọng những manh mối mới sẽ giúp họ tìm ra Katsuya Takahashi, 54 tuổi, thành viên giáo phái tận thế duy nhất chưa sa lưới pháp luật.

Ngày 20/3/1995, đúng vào giờ cao điểm trên các chuyến tàu, một số thành viên giáo phái tận thế đã mở tung các túi chứa đầy chất độc thần kinh sarin khiến 13 người chết và hơn 6.000 người phải nhập viện.

Vụ tấn công khủng bố kinh hoàng nhất trong lịch sử Nhật Bản đã xé tan hình ảnh thanh bình của đất nước mặt trời mọc, dẫn đến một chiến dịch rầm rộ của cảnh sát. Giới chức quyết tâm triệt hạ giáo phái Aum Shinrikyo, đồng thời thắt chặt các biện pháp an ninh tại ga tàu và sân bay. 13 tín đồ của giáo phái, bao gồm giáo chủ Shoko Asahara, lĩnh mức án treo cổ.

Cho đến tận bây giờ, một số người sống sót sau vụ tấn công vẫn phải chống chọi với bệnh đau đầu và khó thở, hoặc không đủ sức khoẻ để làm việc.

Việt Linh

(vnexpress.net)