Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đồng Hới (Quảng Bình) không thừa nhận việc tắc trách của bác sỹ đã gây ra cái chết cho sản phụ. Chỉ có sai sót dẫn đến hậu quả đáng tiếc (chết người), nhưng người gây ra sai sót chỉ cần… rút kinh nghiệm.
“Đáng tiếc”
Xung quanh cái chết của sản phụ Ni, phóng viên VietNamNet đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đồng Hới, ông Trần Hồng Sơn Phó GĐ bệnh viện cho biết, bệnh nhân Dương Thị Ni nhập viện lúc 19h, ngày 25/3.
Khi nhập viện, tiến hành khám thấy các chỉ số đều bình thường, nên các bác sĩ đã nhận định cho sinh thường. Tuy nhiên, sau đó, theo dõi thấy diễn biến xấu, cần phải mổ lấy thai nên bác sĩ đã thông báo cho người nhà và họ cũng đã kí đồng ý mổ.
Bệnh viện ĐK Đồng Hới, nơi sản phụ Dương Thị Ni phẫu thuật bị trào ngược dịch và thức ăn gây viêm phổi rồi tử vong. |
8h35 phút đưa thai phụ vào phòng mổ. 8h45 phút tiến hành gây tê tuỷ sống và bơm thuốc thành công. Phẫu thuật viên text da, bệnh nhân còn đau. 8h50 text da lần 2, bệnh nhân không đau.
Phẫu thuật viên rạch da và đi vào các lớp cơ thì bệnh nhân kêu đau. Bác sĩ đã dừng cuộc mổ để hội chẩn. Chẩn đoán gây tê tuỷ sống không đáp ứng.
Sau khi hội chẩn, chuyển sang gây mê nội khí quản. Đặt ống hút dạ dày, hút ra khoảng 50ml dịch và thức ăn. Sau 5 phút không thấy dịch ra thêm thì rút ống hút và tiến hành khởi mê.
9h khởi mê xong, bệnh nhân xuất hiện trào ngược dịch và thức ăn. Bác sĩ tiến hành đặt máy hút dịch. Sau hút, đặt nội khí quản thành công, duy trì thuốc mê hơi qua nội khí quản.
9h05 phẫu thuật viên tiếp tục trở lại cuộc mổ lấy thai, khâu tử cung, đóng bụng. Kết thúc cuộc mổ, cho bệnh nhân thoát mê, lưu ống nội khí quản và theo dõi tại phòng mổ.
11h25 bệnh nhân ổn định, tiếp xúc được, tự thở qua nội khí quản, chuyển sang hồi sức cấp cứu.
Tại khoa Hồi sức cấp cứu, theo dõi thấy bệnh nhân ổn định, tỉnh, tiếp xúc được, tự thở qua nội khí quản, hỗ trợ thở ô xi qua bóng mềm nội khí quản. Hút dịch qua nội khí quản, chụp phim phổi và theo dõi sát.
15h30, chẩn đoán viêm phổi, tiên lượng nặng nên chuyển đến Bệnh viện Việt Nam Cu Ba Đồng Hới.
Theo ông Sơn, việc sản phụ Dương Thị Ni tử vong là điều đáng tiếc. Đó là mất mát lớn cho người thân. Tuy nhiên, bệnh viện cũng đã làm hết sức mình, đúng quy trình, không có chuyện tắc trách.
Trả lời vấn đề người nhà nạn nhân Dương Thị Ni cho rằng, khi gây tê chưa có hiệu quả, bác sĩ phẫu thuật đã vội rạch dao vào bụng, khi thai phụ kêu đau mà bác sĩ vẫn tiếp tục rạch tiếp, ông Sơn cho rằng khi thai phụ kêu đau, bác sĩ đã dừng ngay chứ không có chuyện tiếp tục rạch thêm.
Trước sự việc sản phụ Dương Thị Ni bị trào ngược dịch và thức ăn sau đó phải chuyển lên tuyến trên rồi tử vong, ông Sơn nói: “Lãnh đạo bệnh viện cũng có suy nghĩ về việc bác sĩ hút dịch không sạch trước khi gây mê nội khí quản”.
“Phê bình, rút kinh nghiệm”
Theo biên bản cuộc họp ngày 27/3 của Bệnh viện Đa khoa Đồng Hới về nội dung xử lý sai sót chuyên môn đột xuất với trường hợp của sản phụ Dương Thị Ni, Khoa ngoại đã kết luận: “Do hút dịch dạ dày không kĩ trước khi gây mê nội khí quản, gây trào ngược dịch dạ dày dẫn đến bệnh nhân viêm phổi nặng. Người vi phạm là bác sĩ Đào Xuân Hiền”.
Ban giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Hới tại buổi làm việc với P.V |
GĐ Bệnh viện Nguyễn Sói cũng đã kết luận: “Sai sót mà khoa ngoại nêu ra là đúng. Sai sót này để lại hậu quả đáng tiếc cho bệnh nhân là viêm phổi nặng, nguy cơ suy hô hấp, có thể ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân nếu không điều trị tốt”.
Mặc dù nhận định là sai sót để lại hậu quả đáng tiếc cho bệnh nhân (chết người) nhưng người gây ra chỉ nhận hình thức phê bình.
Theo biên bản cuộc họp, có đoạn ghi: “Phê bình bác sĩ Đào Xuân Hiền đã không chuẩn bị kĩ dẫn đến hậu quả đáng tiếc cho bệnh nhân. Cần rút kinh nghiệm trong chuyên môn”.
“Không thể cho rằng nguyên nhân sản phụ Dương Thị Ni tử vong là do lỗi của bệnh viện. Bởi bệnh nhân không tử vong tại bệnh viện chúng tôi mà chuyển lên bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam Cu Ba Đồng Hới điều trị tại đó từ 26/3 đến 04/4 thì bệnh nhân mới tử vong.
Mà ở bệnh viện đó cũng mới chỉ là tuyến 2, tại sao gia đình không cho bệnh nhân tiếp tục chuyển viện lên tuyến cao hơn, vào Bệnh viện Trung Uơng Huế chẳng hạn” – ông Sơn khẳng định.
Ông Sơn cho biết thêm, ngay sau khi nhận được yêu cầu từ phía gia đình, ngày 12/4 lãnh đạo bệnh viện đã có buổi làm việc, giải thích với gia đình của sản phụ Ni về sự việc đáng tiếc trên.
Sau đó, bệnh viện cũng đã cử 2 bác sĩ là người trực tiếp gây tê, phẫu thuật cho sản phụ Ni ra nhà của nạn nhân để thăm hỏi, chia buồn.
Về việc có chỉ đạo của Sở Y tế, yêu cầu bệnh viện có văn bản trả lời cho gia đình nạn nhân trước ngày 20/5, ông Sơn cho biết, ông chưa nhận được văn bản chỉ đạo đó.
Trần Văn – Duy Tuấn
(vietnamnet.vn)