“Chúng ta đang ở thời điểm lạm phát. Sau khoảng thời gian 3 tháng, thị trường sẽ càng trở nên đòi hỏi trong khi các nhà chức trách càng không thể đáp ứng được”, ông cảnh báo trong bài phát biểu mới đây tại Hội nghị Kinh tế ở vùng Trento, Italy.
Nhà đầu tư nổi tiếng khôn ngoan này cũng cảnh báo Liên Minh châu Âu giống như một bong bóng, không phải là bong bóng tài chính mà là chính trị. Nếu bong bóng này vỡ, đó là cuộc khủng hoảng lớn đối với đồng tiền chung của khu vực.
Tỷ phú George Soros cảnh báo châu Âu có thể đi vào vết xe đổ của Mỹ La tinh cách đây vài chục năm. Ảnh: charlierose.com |
Soros không ngần ngại chỉ ra nguyên nhân của cuộc khủng hoảng nợ. “Khi nhìn lại, người ta có thể thấy rõ rằng lý do chính là các thành viên đã trao toàn bộ quyền thiết lập đồng tiền cho Ngân hàng Trung ương châu Âu”, tỷ phú Soros phát biểu, “vào thời điểm đó, các thành viên không nhận ra sai lầm này sẽ đưa họ đến đâu và ngay cả các quan chức châu Âu cũng thế”.
Theo Soros, Ngân hàng Trung ương Đức Bundesbank cùng Thủ tướng nước này Angela Merkel góp phần làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng. “Thủ tướng Đức đã quá thận trọng khi quyết định để nước Đức tham gia hỗ trợ các thành viên còn lại”, ông nhận xét. Tuy nhiên, George Soros tin rằng nước Đức cuối cùng cũng sẽ phải làm mọi cách để hỗ trợ khu vực đồng tiền chung. Là nền kinh tế chủ chốt trong khu vực, Đức cũng sẽ là nạn nhân lớn nhất nếu đổ vỡ xảy ra.
Nhà tỷ phú thông thái của Mỹ nhận định dư luận đã chĩa quá nhiều chỉ trích vào những thành viên đang gánh nặng nợ như Hy Lạp hay Tây Ban Nha, mà quên rằng các chủ nợ như Đức cũng cần chia sẻ trách nhiệm. Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu chính là những người thiết kế ra toàn bộ hệ thống, như Soros nói là “không hoàn thiện”, đưa ra những chính sách “chưa hoàn thiện” và luôn ra tay khi quá muộn.
Cũng trong một lập luận khác, ông cho rằng giới chức châu Âu tập trung quá nhiều vào những chính sách nghiêm khắc mà lơ là mục tiêu tăng trưởng. Quan điểm này trùng hợp với nhiều nhà kinh tế nổi tiếng khác như Paul Krugman.
Theo George Soros, để cứu đồng tiền chung, châu Âu cần đến một kế hoạch bảo hiểm tiền gửi lớn trên toàn khu vực đồng thời bơm vốn trực tiếp từ Quỹ bình ổn xuống các ngân hàng địa phương.
“Hồi những năm 80 của thế kỷ trước, các nước Mỹ La tinh từng trải qua 10 năm đầy khó khăn mà người ta gọi là thập kỷ mất mát. “Viễn cảnh tương tự đang chờ đợi châu Âu. Đó là sự thật mà Đức cùng các chủ nợ khác cần nhận ra trong thời điểm này”, ông cảnh báo.
Anh Đức
(vnexpress.net)