Tinh Hoa

Phi công đi vắt sữa, sân bay mất điện như cơm bữa

– Cơ trưởng của chuyến bay định mệnh năm 2005 đã quay lại làm phi công sau 14 năm làm việc cho trang trại sữa và từng bị “bắn vào đầu trong một vụ cướp”.
 
Vừa bay vừa nghĩ đến tiền

Ngành hàng không Nigeria đang gặp phải thách thức từ đội ngũ phi công của mình.

Ngày 22/10/2005, máy bay của hãng hàng không Bellview Airlines gặp nạn đã khiến 177 người chết. Cơ trưởng của chiếc máy bay này, cựu phi công 49 tuổi, đã trở lại Bellview sau 14 năm làm việc tại một trang trại sản xuất sữa. Ông này cũng từng bị “bắn vào đầu trong một vụ cướp”. Mặc dù vậy, sự việc này không hề được lưu lại trong hồ sơ y tế hoặc bệnh viện.

Ngày 29/10/2006, chiếc máy bay của hãng Aviation Development (Nigeria) gặp nạn 76 giây sau khi cất cánh khiến 96 người thiệt mạng. Theo báo cáo, ngay trước khi tai nạn xảy ra, chuông báo động tại buồng lái đã reo lên, nhưng những phản ứng không chính xác của phi công thời điểm đó đã khiến động cơ máy bay ngừng hoạt động.

Một nghiên cứu năm 2009 của Ngân hàng Thế giới WB kết luận rằng giới chức trong ngành hàng không đã tiêu 90% ngân sách vào việc trả lương, do đó không có đủ tiền để đào tạo nhân sự.

Mặc dù thế, tình trạng nợ lương của phi công và kĩ sư tại nhiều hãng hàng không không hề được cải thiện trong nhiều năm qua.

Phi công tại Nigeria từng phải đình công vì bị chậm lương.

Trước khi dừng hoạt động 3 năm trước đây, hãng hàng không Bellview Airlines đã nợ 8 tháng tiền lương của các phi công.

Hôm 2/6/2012, các kĩ sư và phi công của hãng hàng không Air Nigeria đã đình công nhằm phản đối tình trạng chậm lương và việc không tôn trọng thỏa thuận kí trước đó với công đoàn.

Một phi công giấu tên cho biết tình trạng này có thể ảnh hưởng tới an toàn bay bởi “một người đang lái máy bay và cùng lúc đó lại nghĩ về vấn đề tiền bạc thì không thể bảo đảm một chuyến bay không sai sót”.
 
Chủ tịch Hiệp hội Phi công và kĩ sư máy bay Quốc gia Nigeria NAAPE Isaac Balami cho biết tình trạng thiếu nhân lực, thiếu công cụ, chậm lương cũng như thù lao rẻ mạt đã khiến cho các kĩ sư máy bay mất tinh thần lao động.

Ông Harold Demuren, Tổng giám đốc cơ quan hàng không dân sự Nigeria cũng từng thừa nhận rằng mặc dù mọi thứ đã được cải thiện đáng kể, song ngành hàng không nước này vẫn gặp thách thức khi đội ngũ nhân viên đang bị già hóa và thiết bị lạc hậu.

Mất điện ở sân bay: chuyện thường ngày ở huyện

Chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm, sân bay quốc tế Murtala Muhammed, Lagos bị cắt điện tới 4 lần. Mỗi lần kéo dài tới vài tiếng đồng hồ.

Nguồn điện bị ngắt làm tê liệt mọi hoạt động của sân bay từ việc đăng kí của hành khách, kiểm tra an ninh cho tới vận chuyển hành lí cho hành khách vừa đáp xuống.

Nhân viên thuộc Cơ quan Nhập cư Nigeria và một số nhân viên sân bay đã cố gắng tận dụng các nguồn sáng sẵn có như đèn pin, điện thoại để hỗ trợ cho hành khách trong thời gian họ phải lưu lại, chờ tới lúc có điện.

Chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm, sân bay quốc tế Murtala Muhammed, Lagos bị cắt điện tới 4 lần.

Các chuyên gia an ninh cho rằng việc ngắt điện vào giờ cao điểm, lúc có nhiều chuyến bay đến và đi là rất nguy hiểm bởi khi đó an toàn sân bay lẫn chuyến bay đều bị đe doạ.

Nigeria đã cố gắng khôi phục lại hình ảnh về ngành hàng không trong những năm gần đây. Nước này tuyên bố rằng đã lắp đặt đầy đủ radar trên khắp đất nước. Tuy nhiên, các sân bay cũng không nằm ngoài phạm vi bị khủng hoảng nguồn điện. Mỗi khi mất điện, các màn hình hiển thị radar đều không hoạt động.

Bên cạnh đó, bê bối về xăng dầu máy bay nổi lên trong thời gian gần đây ở Nigeria cũng là một nỗi lo đối với an toàn hàng không nước này.

Tờ Business Day dẫn lời một số chuyên gia hàng không cho biết xăng máy bay không được lưu trữ và sử dụng đúng cách.

Cuối năm 2011, Sahara Energy, công ty mẹ của SO Aviation, nơi chuyên cung cấp xăng dầu cho máy bay đã bị cáo buộc tiêu thụ xăng dầu nội địa nhưng báo là hàng ngoại nhập.

Theo các nhà phân tích, xăng dầu máy bay phải được giám định bởi chuyên gia và đòi hỏi phân phối một cách cẩn trọng vì lí do an toàn nhưng Sahara Energy không hề nhập khẩu nhiên liệu máy bay trong thời gian đó.

Khi cáo buộc được đưa ra, Sahara Energy đã lên tiếng phủ nhận và tuyên bố rằng sản phẩm của hãng này đảm bảo cả tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

Các bên có liên quan đều được triệu tập làm rõ vấn đề bởi việc sử dụng xăng máy bay nội địa thay cho nhiên liệu đạt chuẩn Jet-A1 sẽ gây nguy hiểm cho sinh mạng của hành khách trên máy bay.

Một số vụ tai nạn hàng không thảm khốc xảy ra tại Nigeria:

Ngày 26/12/1992: chiếc C – 130 của Lực lượng Hải Quân Nigeria gặp nạn vài phút sau khi cất cánh khỏi sân bay Lagos khiến 200 người thiệt mạng.

Ngày 7/11/1996, vụ va chạm của chiếc Boeing 727 của ADC trên đường bay từ Port Harcourt tới Lagos khiến 142 hàng khách và 9 người trong phi hành đoàn thiệt mạng.

Ngày 4/5/2002, chiếc BAC 1-11 của EAS Airlines rơi tại Kano. Ít nhất 148 người chết, trong đó có 75 hành khách và ít nhất 73 người trên mặt đất.

Ngày 10/12/2005, chiếc DC9 của Sosoliso Airlines gặp nạn khi đáp xuống Port Harcourt khiến 106 người chết, một nửa số nạn nhân là trẻ em.

Lê My – Phương Thanh (theo Business Day, AP, USAToday, Pilotafrica)

 

(bee.net.vn)