Năm nay, đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn yêu cầu thí sinh viết đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ về chủ đề: “Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội’. Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, người đã không buông tha thói dối trá trong chính các kỳ thi tốt nghiệp cách đây 6 năm cho hay, ngành giáo dục ra đề này cho thí sinh nhưng chính lãnh đạo cũng sẽ không làm được.
Thí sinh trước giờ thi môn Ngữ văn. (Ảnh: Văn Chung) |
Không còn công tác trong ngành giáo dục, thầy giáo Khoa vẫn theo dõi rất sát tin tức về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012. Các thông tin về vi phạm quy chế thi được ông thống kê, cập nhật đầy đủ trên trang mạng cá nhân.
Ông nói, mình có đủ video cảnh giám thị coi thi ném bài cho thí sinh, bỏ vị trí tụ tập, mặc cho thí sinh quay cóp, giải bài tập thể của ngày hôm qua (ngày thi 2/6-PV). “Mình muốn đưa cho giám đốc Sở GD-ĐT xem…”
Như thế, sau 6 năm không bỏ cuộc đấu tranh chống gian lận trong thi cử, thầy Khoa vẫn phải thở dài mỏi mệt chứng kiến những cảnh gian lận trong thi cử.
“Nhân đề thi môn Ngữ văn năm nay yêu cầu thí sinh viết luận về “thói dối trá”, mình muốn xem bài trả lời về đề thi năm nay giám đốc làm thế nào. Ngành GD-ĐT bắt thí sinh làm thì ngành cũng phải làm được chứ. Nhưng mình đoán trước là không làm được…”-ông nói.
Chưa biết thầy giáo Đỗ Việt Khoa sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh chống thói dối trá như thế nào, nhưng ông nói, năm nay sẽ khác đi một chút. Ông có thêm những người khác trợ giúp, không phải tự quay phim, chụp ảnh như cách đây 6 năm.
Trong khi trên khắp các trang báo và mạng xã hội, đề thi văn về thói dối trá đang được bàn luận, tranh cãi với nhiều ý kiến khen chê thì thầy Khoa, người có thâm niên và kiên quyết đấu tranh suốt 6 năm qua dường như không hi vọng nhiều ở những cố gắng của chính mình. Ông chia sẻ: “Mình tự khuyên mình: chỉ nên hi vọng là sẽ có ngày…”
“Đề thi năm nay viết về nói dối, nhưng chưa chắc đã có những trang văn thật. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều học sinh dám nói thật, nhất là trong môi trường còn sạch như học sinh vùng cao, vùng sâu”.
Thầy Đỗ Việt Khoa nhìn lại 6 năm đấu tranh của mình vẫn tưng tửng một câu nói: không có thói quen ngẫm nghĩ chuyện hơn thiệt. Ông than “mệt, mệt lắm rồi” nhưng lại vẫn làm vì “chẳng lẽ để cái xấu nó hoành hành à?”.
- Nhã Uyên
Dư luận xung quanh đề thi
Tuổi Trẻ: Họ cũng sẽ học và thi một cách dối trá! Học sinh của ta đã quen thi gì học nấy, nên nếu đề thi chỉ yêu cầu thuộc văn mẫu, học vẹt thì học trò cũng chỉ học như thế mà thôi. Thế thì có bắt họ phê phán thói dối trá thì họ cũng sẽ học và thi một cách dối trá mà thôi! Cụ thể hơn, đề thi tốt nghiệp môn văn năm nay vẫn theo quy cách ra đề mọi năm: đề có ba phần, phần 1 kiểm tra kiến thức giáo khoa, phần 2 nghị luận xã hội, phần 3 nghị luận văn học. Trong khuôn khổ chật hẹp và cũ kỹ ấy, nhóm ra đề đã cố gắng có sáng tạo, ra đề sát chương trình khiến học sinh dễ làm bài, vừa kiểm tra được phần nào trình độ học sinh vừa cố gắng thoát ra khỏi khuôn sáo, hướng thí sinh đến những vấn đề xã hội và đạo đức. Đánh giá việc ra đề về vấn đề “thói dối trá” trong câu 2 thật sự có ý nghĩa đối với học sinh, đồng thời cũng báo động một vấn nạn của đất nước ta hiện nay và đánh động lương tri xã hội, tuy nhiên TS Giang cũng cho rằng những câu về văn học vẫn theo lối mòn từ mấy chục năm nay mà những người dạy văn đọc lên vừa thấy chán chường vừa thấy xấu hổ với người quen và học trò vì ra một đề bài thuộc loại “văn mẫu”. Câu 1 có mục đích kiểm tra kiến thức giáo khoa, câu 2 kiểm tra khả năng diễn đạt và cảm thụ văn chương, thế nhưng thực chất cả hai câu đều là những câu học thuộc bài. (Ghi theo PGS.TS Đoàn Lê Giang – khoa Văn học và Ngôn ngữ Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) Tiền Phong: Tiếng reo là nỗi đau! Đề thi tốt nghiệp THPT môn Văn vừa diễn ra hôm qua có phần trình bày suy nghĩ về “thói dối trá” trong xã hội hiện nay. Học sinh đều reo lên rất dễ. Vì thực tế nhan nhản ngay trong nhà, trong lớp chẳng cần tìm đâu xa. Một góc độ nào đó, tiếng reo của các cô cậu thí sinh ấy là nỗi đau của toàn xã hội. Năm ngoái, đề thi văn đại học bàn về sự biết xấu hổ. Năm trước đó thì nói về thói đạo đức giả… Con người đang chao đảo giữa một rừng cái xấu, cái ác, cái giả dối. Thì sao mỗi người không chọn cho mình hướng về những thứ ít xấu hơn, ít trần tục ghê tởm hơn? Lựa chọn trên sách báo, phim ảnh, và ngay trong quan hệ đời sống. Một chút thực lòng mỗi lúc, sẽ là một làn không khí trong lành khiến dễ thở hơn. Bởi không thể nào nấu được một nồi súp ngon nếu đó là kẻ dối trá, như nhà soạn nhạc thiên tài Beethoven từng chiêm nghiệm. Pháp luật TP.HCM: 30% điểm – sự dối trá thành phổ biến? Các sĩ tử sẽ phải làm rõ mối liên hệ giữa thói dối trá và sự suy thoái đạo đức, còn xã hội sẽ phải tự giải đáp câu hỏi của chính mình: Việc thói dối trá trở thành một đầu bài chiếm 30% số điểm của một kỳ thi quốc gia có phải là biểu hiện của sự dối trá đã trở thành phổ biến trong xã hội hay không? |
(vietnamnet.vn)