Scarborough – bãi cạn hình tam giác ở Biển Đông quá nhỏ bé và dễ dàng biến mất khi thủy triều lên. Những tuần qua, nó là trung tâm của một cuộc khủng hoảng hải quân. Trung Quốc và Philippines đều cảnh báo sẽ không lui bước, không nhượng bộ chủ quyền.
Một số người nói rằng, Biển Đông là phiên bản hàng hải của Trung Á trong “Cuộc chơi Lớn” thế kỷ 19 khi các đế chế sử dụng những đội quân ủy nhiệm mà không bao giờ đi vào xung đột trực tiếp. Ở Trung Á thời cũ là cuộc so tài giữa Anh và Nga. Còn ở Biển Đông ngày nay, đó là vũ đài của những siêu cường – Trung Quốc và Mỹ – cạnh tranh tại một vùng biển sản xuất khoảng 1/10 sản lượng cá thế giới, chiếm 1/3 giao thương đường biển thế giới. Nếu các ước tính là chính xác thì vùng biển này có thể có hơn 100 tỉ thùng dầu, hàng nghìn tỉ mét khối khí tự nhiên.
Ảnh: Telegraph |
Vấn đề trước mắt là chuyện tàu thuyền bên nào được phép đánh bắt cá, các sinh vật hàng hải khác. Nhưng đằng sau những lý lẽ ấy là hàng loạt lợi ích phức tạp khác. Một bên là Trung Quốc trỗi dậy đang cố gắng giành được yêu sách chủ quyền với toàn bộ 3,5 triệu km vuông Biển Đông và một bên là những đối thủ nhỏ hơn trông chờ sự hỗ trợ hay bảo vệ từ nước Mỹ.
Bản đồ Biển Đông là “mớ bòng bong” với những tuyên bố chủ quyền chồng lấn, giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á.
Sau đó là Mỹ, nước gần đây đã hoàn thành các cuộc tập trận hải quân với Philippines gần bãi cạn Scarborough. Mỹ giờ đây đang đẩy mạnh sự hiện diện quân sự trong khu vực như một phần chiến lược “xoay trục” hướng về châu Á.
Trong mắt Trung Quốc, sự trở lại châu Á của Mỹ đã tạo ra những căng thẳng. “Tại sao Philippines lại cứng rắn với Trung Quốc trong trường hợp này? Vì họ tin rằng người Mỹ sẽ ủng hộ họ, và Trung Quốc sẽ làm bất kể điều gì để tránh đối đầu”, vị tướng về hưu Hứa Quảng Ngọc của Trung Quốc nói trong một cuộc phỏng vấn.
Vụ việc tại bãi cạn Scarborough bắt đầu từ tháng 4, khi một tàu chiến Philippines chặn 5 tàu Trung Quốc với cáo buộc họ đánh bắt trái phép trong khu vực.
Philippines nói rằng, Trung Quốc đang cố “bắt nạt” họ và những quốc gia khác giáp ranh ở Biển Đông. Manila đã gửi công hàm ngoại giao tới Bắc Kinh, phàn nàn rằng họ phát hiện ra gần 100 tàu Trung Quốc ở trong và xung quanh bãi cạn, bất chấp lệnh cấm đánh bắt trong khu vực mùa hè này.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói chỉ có 20 tàu cá và các tàu tuần tra ngư nghiệp đã triển khai. Nhưng căng thẳng đã ở mức mà tờ Thời báo Hoàn cầu Trung Quốc vào hai tuần trước tuyên bố: “Hòa bình sẽ là một phép màu”.
Manila đáp lại hùng hồn không kém. “Rất có thể chúng ta phải thử nghiệm”, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cảnh báo gần đây. “Và nếu chúng ta phải làm vậy, thì có lẽ tất cả sẽ cần có sự hy sinh”.
Và “cuộc chơi lớn” mới này, có ai là người tham gia chủ chốt:
Trung Quốc: Chỉ vài năm gần đây Bắc Kinh mới có khả năng hải quân để hỗ trợ cho yêu sách chủ quyền của họ với hầu hết Biển Đông. Trong một dấu hiệu thể hiện sự thay đổi các ưu tiên đặt ra, Hạm đội Nam Hải của hải quân quân đội Trung Quốc – vốn có quy mô nhỏ nhất trong ba hạm đội Trung Quốc – giờ đây đang trên con đường trở thành hạm đội lớn nhất khi Trung Quốc mở rộng căn cứ tàu ngầm tại đảo Hải Nam. Khi tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được triển khai (gần đây đang thử nghiệm trên biển), rất nhiều người cho rằng nó cũng sẽ gia nhập hạm đội này.
Bắc Kinh đã không ngại ngần khẳng định về các tuyên bố chủ quyền của họ. “Đối với những người xâm phạm chủ quyền của chúng ta để lấy đi dầu, chúng ta cần cảnh báo họ một cách lịch sự, sau đó sẽ hành động nếu họ không đáp ứng”, một ý kiến đăng trên Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc nói như vậy. “Chúng ta không nên lãng phí cơ hội để thực hiện những cuộc chiến tuy nhỏ nhưng lại có thể ngăn chặn những hành động khiêu khích có thể đi xa hơn”.
Philippines: Chính phủ của Tổng thống Benigno Aquino tin rằng, bãi cạn Scarborough (mà họ gọi là bãi cạn Panatag) là một vấn đề họ không thể lùi bước. Manila dường như có lợi thế địa lý khi bãi cạn cách phía đông nam Hồng Kông hơn 800km nhưng chỉ cách tây đảo Luzon của Philippines 220km và người dân Philippines ủng hộ việc đối diện với Trung Quốc. Nhưng nói thì luôn dễ hơn làm. Hải quân Philippines nhỏ bé với một con tàu tuần duyên cũ kỹ của lực lượng phòng vệ bờ biển Mỹ trở thành tàu đô đốc (so với hàng chục tàu khu trục, tàu chiến, tàu ngầm mà Hải quân Trung Quốc sở hữu).
Nước này cũng phụ thuộc lớn vào thương mại và du lịch với Trung Quốc. Manila đã gặp khó khi Bắc Kinh bắt đầu ngăn chặn nhập khẩu chuối và cảnh báo khách du lịch hạn chế tới đây.
Nhưng như tướng họ Hứa của Trung Quốc nói, Philippines dường như cảm thấy có sự hỗ trợ của Washington. Trong tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin dường như gây bất ngờ khi đề cập rằng, bãi cạn Scarborough được “che chở” bởi một hiệp ước phòng thủ chung mà Mỹ và Philippines ký kết năm 1951, nghĩa là các lực lượng Mỹ có thể can thiệp nếu tiếng súng nổ ra.
Cho dù không một quan chức Mỹ nào công khai khẳng định việc này, nhưng Mỹ đang đẩy nhanh việc cung cấp một tàu tuần duyên khác cho hải quân Philippines. Tàu ngầm hạt nhân Mỹ USS North Carolina đã cập cảng Philippines giữa lúc xảy ra cuộc khủng hoảng hiện tại.
Mỹ: Trung Quốc nói họ thấy sự tự tin ở Manila sau khi Ngoại trưởng Hilary Clinton hai năm trước đây khẳng định rằng, tự do hàng hải ở Biển Đông là một “lợi ích quốc gia Mỹ”. Nhưng Mỹ không muốn leo thang căng thẳng. “Tôi không nghĩ Mỹ có bất kỳ lợi ích nào trong căng thẳng hay xung đột ở Biển Đông”, Stephanie Kleine-Ahlbrandt, phụ trách nhóm Nghiên cứu khủng hoảng quốc tế, văn phòng ở Bắc Kinh nói.
Hiệp hội các nước Đông Nam Á: ASEAN, tổ chức có nhiều nước đưa ra tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia, hay Brunei. Một số thành viên mong muốn giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán giữa Trung Quốc và ASEAN hoặc đem ra phân xử ở tòa án quốc tế. Tuy nhiên, Bắc Kinh bác bỏ cái mà họ gọi là “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông.
Thái An (theo globeandmail)
(vietnamnet.vn)