Tinh Hoa

Cận cảnh khoảnh khắc lìa đời của loài chim

Chim là một trong những loài sinh vật gần gũi với cuộc sống của con người, chúng đem lại tiếng hót vui ca cho đời thêm tươi đẹp. Loài vật ấy tuy nhỏ bé nhưng vui tươi, ánh mắt đảo qua đảo lại tìm kiếm thức ăn, đôi chân nhảy nhót liên tục trên cành… khiến ai nhìn cũng cảm thấy thích thú. Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi khi chúng chết đi sẽ như thế nào không? Chùm ảnh sau đây sẽ giúp bạn khám phá khoảnh khắc cuối cuộc đời của sinh vật này.

Hình ảnh trên là một chú chim non bị trụi lông đang nằm bất động trên mặt đất, sắp sửa “lìa đời”. Cuộc đấu tranh sinh tồn của chú chim này đã kết thúc khi chú còn chưa tận hưởng được hết vẻ đẹp của thế giới bên ngoài.

Giống như các loài gia cầm khác, cơ chế phân hủy cơ thể của chim thường diễn ra nhanh chóng mà chú chim này là một minh chứng rõ nét. Cơ thể của chim chứa rất ít chất béo, chủ yếu dùng để nổi trên mặt nước và bay trong không trung. Thêm vào đó, xương của chúng còn rỗng và nhẹ. Chính những đặc điểm khá đặc biệt trên đã lý giải vì sao quá trình phân hủy xác của chúng lại xảy ra nhanh đến vậy.

 

Sự “tiêu tan thân xác” nhanh chính là điểm khác biệt giữa chim và các loài động vật có xương sống còn lại. Tuy nhiên, có một ngoại lệ nằm ở bộ lông chim. Theo các nhà khảo cổ, họ phát hiện được những lông chim hóa thạch có niên đại từ thời kì khủng long. Điều đó chứng tỏ chúng rất bền và có khả năng chống lại sự phân hủy trong một thời gian dài.

Chú chim này vừa mới “chia tay” cuộc đời trong đám lá khô của rừng rậm. Theo những gì quan sát, ta có thể nhận ra rằng, vết thương ở chân bên trái quá nặng đã khiến nó chết. Phải chăng nó đã bị một kẻ thù tự nhiên tấn công hay chết dưới súng các thợ săn?

Phần lớn các loài chim sử dụng đôi chân có móng để giữ thăng bằng. Một số loài như đại bàng, diều hâu sử dụng bộ móng để săn mồi, một số loài khác lại dùng để tự vệ trước kẻ thù. Khi chim chết, chân và móng vuốt của chúng sẽ cứng đơ lại.

Từ đôi chân và bộ lông “đen ngòm”, ta có thể đoán đây là một con quạ vừa chết. Từ xưa tới nay, trong nhiều nền văn hóa khác nhau, cứ nhắc tới loài quạ là nhiều người nghĩ tới một cái chết đau đớn. Ở phương Tây thời Trung cổ, người ta còn tin rằng, các mụ phù thủy có thể lột da xác chết bằng cách sử dụng biểu tượng có hình chân quạ.

Trên thảm cỏ xanh rờn, đây là những gì còn lại của một chú chim đã vĩnh viễn biến mất khỏi cuộc đời. Dưới góc chụp nghệ thuật của nhiếp ảnh gia Rachael Inman, cái chết của chú chim này không quá thê thảm, thậm chí còn ánh lên nét đẹp gì đó. Phải chăng đó là sự ra đi thanh thản của một sinh vật hiền lành?

 

Trong nghệ thuật đương đại ngày nay, xu hướng của các nghệ sĩ là không chỉ cố gắng khai thác những vẻ đẹp kì lạ mà còn tập trung miêu tả cuộc sống đời thực, tôn vinh triết lý nghệ thuật vị nhân sinh. Trong số đó, cái chết của con người, các loài chim… cũng không nên né tránh, mà cần được tập trung khám phá, tìm ra được vẻ đẹp tiềm ẩn, ấn tượng toát lên từ nó. Việc làm này thực sự mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Xác của hai con chim lội nước giữa một đám lá khô. Sự tương đồng giữa màu lá úa với màu lông chim khiến nếu chỉ nhìn thoáng qua bạn không thể nào phân biệt nổi. Sự ra đi của chúng được nhìn nhận dưới góc độ nghệ thuật nhằm tôn vinh vẻ đẹp riêng của cái chết. Rồi đây, thân thể của những con chim này sẽ phân hủy vào đất, khởi nguồn cho nhiều sự sinh sôi nảy nở mới của thế giới sống.


Sau khi chết, thân xác của những con chim xấu số sẽ trở thành miếng mồi ngon cho những loài côn trùng nhỏ bé khác. Không chỉ có ruồi, giòi, bên cạnh đó còn có những loài bọ cánh cứng tìm tới xác chim vừa chết để làm tổ và sinh sản. Điều này càng khẳng định rằng, cuộc sống là một vòng tuần hoàn không ngừng nghỉ, sự ra đi của sinh vật này sẽ là yếu tố kích thích sự phát triển của các sinh vật khác.

(kenh14.vn)