Tinh Hoa

Bị cá ngát tấn công: Nam thanh niên tử vong

– Bị con cá ngát đâm vào bàn chân, anh K thấy đau nhức, chân sưng to dần, tím tái lan khắp cơ thể và tử vong do nhiễm độc toàn thân.Ngày 23/5, các bác sỹ cho biết, mặc dù được nhập viện kịp thời nhưng do nhiễm độc quá nặng, anh N.V.K, (30 tuổi, trú tại TP. Đồng Hới, Quảng Bình) đã tử vong sau một thời gian cấp cứu.
Trước đó anh K được nhập viện cấp cứu trong tình trạng chân bị đau nhức, sưng to, tím tái.

Ngạnh cá ngát rất độc nên khi ngư dân bắt được cá, thường lấy kìm bẻ ngay ngạnh. 

Theo người nhà kể lại, trong khi đang đi đánh cá, anh K đã bị ngạnh một con cá ngát đâm vào bàn chân, tuy nhiên anh không nhập viện cấp cứu ngay mà đến khi thấy chân đau nhức nhiều, sưng to, tím tái mới nhập viện cấp cứu. 
Theo các bác sỹ, khi đó nọc độc của cá đã thấm sâu vào trong cơ thể khiến sức khỏe bệnh nhân diễn biến rất nhanh theo chiều hướng xấu dẫn đến tử vong.
Đừng chủ quan khi bị cá “tấn công”
Theo các bác sỹ khoa Hồi sức tích cực – Chống độc thì một số loài trong họ cá Ngát có nọc rất độc và tập trung nhiều ở những đầu ngạnh. 
Tuy nhiên, một số loại cá thông thường mà chúng ta hay ăn cũng có thể chứa độc tố, ví dụ như cá trích, cá ngừ, cá chình, cá mòi đường…
Tùy theo cấu tạo, nhiều loại cá như cá mập, cá ngát, cá ngạnh, cá bò, cá đuối có chất độc ở gai bảo vệ, ở vây lưng, vây bụng, ngực hay mang… 
Khi chúng ta bị gai cá này đâm vào cơ thể thì vị trí đâm thường bị sưng tấy, mưng mủ, đau nhức, toàn thân sốt. Sẽ rất nguy hiểm khi độc tố do cơ thể cá bài tiết qua chỗ bị đâm rồi thấm sâu vào trong cơ thể.
Khi chất độc thấm vào cơ thể sẽ tác động lên hệ thần kinh, hệ tim mạch, làm liệt cơ và có thể dẫn đến tử vong.
Nguy hiểm không chỉ vì cá “tấn công”
Các bác sỹ cho biết đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc cá dẫn đến tử vong là do ăn phải trứng cá, bởi vì nhiều loài cá có chất độc ở bộ phận sinh dục như cá nóc báo, các nóc nhím, cá bẹ, cá trích, cá chình, cá mòi đường. 
Đặc biệt chất độc trong trứng cá nóc, cá nhám ít bị ảnh hưởng dưới nhiệt độ và các hóa chất và thực tế đã có rất nhiều trường hợp tử vong không chỉ do ăn cá nóc và do ăn cả trứng cá nóc, các chất độc của trứng cá lại có khả năng lưu thông trong máu cá nên huyết thanh của máu cá cũng rất độc khi chúng ta sử dụng.
Ngoài ra, cá còn rất độc có thể do các vi sinh vật ký sinh trên cá. Trên thân các loài cá như cá tầm, cá hồi… thường có loại vi khuẩn clostridium botulinum, khi ngộ độc do botulinum có thể dẫn đến tử vong. 
Các vi sinh vật có hại, sinh độc tố gây độc cho cơ thể thường phát triển mạnh khi cá chết nên các bậc nội trợ cần đặc biệt chú ý khi chế biến thức ăn, đặc biệt là khi ăn cá biển.
Ngoài ra, một số loài cá sống ở sông ngòi, kênh rạch có chứa trong thịt và gan, mật các chất độc do cá ăn phải trong quá trình sinh sống. Ví dụ như cá ăn phải hạt mã tiền rơi từ trên cây dọc hai bờ sông, hoặc rong rêu độc, nếu chúng ta ăn trúng con cá này sẽ bị ngộ độc theo…

Theo kinh nghiệm dân gian, khi bị cá ngát đâm (trong trường hợp được các bác sỹ xác định với mức độ nhẹ) thì có thể dùng ít nước nhớt nơi cổ họng con gà mái đang ấp trứng thoa lên vết thương 3 – 5 lần/ngày hoặc ăn chè nếp thì có thể giảm đau ở vị trí bị tấn công…

Theo lời khuyên của các bác sỹ, để tránh bị ngộ độc chúng ta cần phải nhận dạng cá rồi mới làm sạch và chế biến. Đối với các loài cá lạ, khó phân biệt thì cần bỏ hết các cơ quan nội tạng. 
Khi chẳng may có dấu hiệu bị ngộ độc thì cần nhanh chóng nhập viện cấp cứu kịp thời kết hợp với các biện pháp gây nôn để loại chất độc ra khỏi cơ thể. 
Còn khi bị cá tấn công, cần nhanh chóng nặn hết máu, xối nước sạch vào vị trí bị tấn công và nhập viện cấp cứu để các bác sỹ có hướng xử trí kịp thời nhằm tránh các trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.
Tâm Huyền









(vtc.vn)