Người biểu tình đã tìm cách xông được vào văn phòng của Tổng thống lâm thời Mali vào ngày hôm qua, tấn công nhà lãnh đạo cao tuổi này, khiến ông phải nhập viện trong tình trạng bất tỉnh.
Người biểu tình mang quan tài được ghi tên Tổng thống lâm thời Dioncounda Traore
Tổng thống lâm thời Dioncounda Traore đã được điều trị tại bệnh viện Point G vì bị thương ở đầu, Sekou Yattara, một sinh viên y khoa tại bệnh viện cho hay. Tổng thống lâm thời đã không tỉnh táo khi được nhập viện, nhưng sau đó ông đã tỉnh lại. Yattara biết thông tin về tình trạng của Tổng thống lâm thời từ các bác sỹ điều trị cho ông.
“Ông ấy đã bị thương rất nặng nhưng thông tin tôi được biết là vết thương không nguy hiểm đến tính mạng”, Iba N’Diaye, phó chủ tịch đảng của ông Traore cho hay. “Đây là một vụ tấn công nhằm vào mạng sống của ông ấy”.
Hàng ngàn người biểu tình đã đổ về phủ tổng thống ở Bamako vào sáng ngày thứ hai, giận dữ với thỏa thuận được các cường quốc trong khu vực làm trung gian, theo đó trao cho ông Traore thêm thời gian tại vị.
Người biểu tình đã dùng gậy gộc, cành cây đánh vào các bức chân dung của ông Traore, trong khi những người khác xé những tấm hình của Tổng thống lâm thời. Một số khác mang hình nộm bọc trong vải nằm trên hai chiếc cáng dài, hàm ý xác chết của ông Traore.
Tổng thống lâm thời Mali trong bức ảnh chụp vào đầu tháng 4 vừa qua.
Chỉ vài tháng trước khi dự kiến tiến hành bầu cử, Mali đã rơi vào hỗn loạn khi các binh sỹ tiến hành cuộc đảo chính vào ngày 21/3 vừa qua, khiến nhà lãnh đạo được bầu dân chủ phải sống lưu vong và làm đảo ngược 2 thập niên nằm dưới sự lãnh đạo của chính phủ dân chủ ở một trong những nước ổn định hiếm hoi tại vạt đất đầy bạo lực ở châu Phi này.
Các nước láng giềng của Mali đã phản ứng nhanh chóng và cơ quan đại diện các quốc gia trong khu vực, Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã áp đặt lệnh trừng phạt cứng rắn cho tới khi chính phủ lâm thời đồng ý khôi phục lại hiến pháp vào đầu tháng 4 vừa qua.
Theo hiến pháp, người đứng đầu quốc hội, ông Dioncounda Traore trở thành tổng thống lâm thời trong vòng 40 ngày, trước khi các cuộc bầu cử mới được tiến hành. 40 ngày đã kết thúc vào ngày thứ năm vừa qua và ECOWAS muốn nhiệm kỳ của ông Traore kéo dài thêm một năm nữa, để Mali có thời gian để chuẩn bị bầu cử được tốt. Lãnh đạo Hội đồng tư vấn, lãnh đạo cuộc đảo chính, hồi cuối tuần qua đã đồng ý cho phép kéo dài nhiệm kỳ của ông Traore để đổi lấy một khoản lương suốt cuộc đời – được áp dụng với các cựu lãnh đạo nhà nước.
Có sự đồng lõa của các binh sỹ
Hàng ngàn người tụ tập trước phủ Tổng thống vào ngày 21/5.
Thậm chí khi giới chức trách thông báo thỏa thuận mới vào ngày hôm qua, hàng ngàn người biểu tình cùng với binh sỹ tiến hành cuộc đảo chính hồi tháng 3 đã đổ xuống đường và tuần hành tới ngọn đồi dốc được gọi là Koulouba, nơi tọa lạc của dinh tổng thống. Có vẻ như họ vào được phủ tổng thống với sự giúp đỡ của các binh sỹ thuộc hội đồng tư vấn.
Phóng viên AP cho biết người biểu tình đã xông vào phủ tổng thống sau khi các binh sỹ gác cổng vẫy họ vào.
Sau đó họ phá cổng tiến vào…
N’Diaye, phó chủ tịch đảng của ông Traore, đảng ADEMA, cho biết các binh sỹ đồng lõa trong vụ tấn công nhằm vào Tổng thống lâm thời.
“Chúng tôi cho rằng phải có sự đồng lõa của các cơ quan an ninh. Phủ Tổng thống không giống như bất kỳ nơi nào khác. Nó được các binh sỹ bảo vệ”, ông cho hay.
Một phóng viên của báo địa phương có mặt tại vụ tấn công cho biết cô nhìn thấy máu ở sảnh dẫn tới văn phòng tổng thống.
Người biểu tình đã tìm đường tới văn phòng Tổng thống lâm thời nhờ sự giúp đỡ của các binh sỹ.
“Chính các binh sỹ đã chỉ cho người biểu tình vị trí văn phòng của ông Traore. Vì thế người biểu tình đã tìm được văn phòng của ông”, Rokia Diabate, phóng viên của nhật báo Le Pretoire cho hay. “Tôi đã thấy máu trên sảnh…Tôi thấy một chiếc giày của tổng thống người biểu tình cầm và một trong những người biểu tình khuya khuya chiếc cà vạt đầy máu mà anh ta nói là của ông Dioncounda Traore.”
Cô cho hay thủ tướng chính phủ lâm thời đã bước ra cầu xin người biểu tình nhường đường cho xe cứu thương để ông Traore có thể được đưa đi cấp cứu. Vào cuối ngày thứ hai, nhân viên lễ tân yêu cầu được giấu tên ở bệnh viện Point G xác nhận Tổng thống lâm thời đã được đưa về nhà.
Malibị chia cắt làm đôi
Các binh sỹ thực hiện cuộc đảo chính hồi tháng 3 do bất bình với cách đối phó của cựu Tổng thống đối với cuộc bạo loạn của nhóm dân tộc chủ nghĩa Tuareg ở miền bắc đất nước. Tuy nhiên, nhóm bạo loạn đã mạnh lên sau cuộc đảo chính và Mali hiện bị chia cắt làm hai, với phần phía bắc, rộng bằng nước Pháp, nằm trong tay của người Tuaregs và các chiến binh Hồi giáo.
Trong khi hội đồng lâm thời, gồm những lãnh đạo đảo chính, cho biết chỉ nắm giữ quyền lực để đối phó với phản ứng yếu kém của quân đội đối với cuộc nổi loạn tại miền bắc, tuy nhiên các động thái của họ không phản ánh lời nói. Thậm chí ngay sau khi ký thỏa thuận hồi tháng 4, đồng ý từ chức, lãnh đạo hội đồng lâm thời tiếp tục hành xử như người lãnh đạo của Mali. Ông này tổ chức các cuộc họp với các nhà trung gian tại văn phòng của mình bên trong doanh trại quân đội.
Có lúc Mali dường như có hai chính quyền, một chính quyền dân sự được cộng đồng quốc tế công nhận nhưng ít quyền lực và một chính quyền quân sự, với quyền lực lớn song không được công nhận.
Ông Traore vẫn là nhân vật gây chia rẽ, do ông là người đứng đầu quốc hội dưới chính quyền tổng thống trước. Ông cũng bị “đám mây” tham nhũng của chính quyền cũ gây ảnh hưởng.
Bên lề hội nghị thượng đỉnh tại NATO ở Chicago, Mỹ, Tổng thống Pháp Hollande đã bày tỏ lo ngại về bạo lực tại Mali.
“Tôi biết trong thời gian diễn ra hội nghị này có bạo lực mới xảy ra ở Mali và tổng thống lâm thời Traore đã bị thương”, ông nói. “Tôi tái khẳng định rằng tiến trình ECOWAS khởi xướng cần phải được thực thi. Và các nhà lãnh đạo hợp pháp của đất nước cần phải được tôn trọng.”
Vũ Quý
Theo AP
(dantri.com.vn)