Có giả thiết cho rằng bé Thùy nghịch ngợm thích gây sự chú ý nên tự đốt các đồ đạc trong nhà.
>>> Các nhà ngoại cảm “chẩn đoán” cô bé gây cháy
>>> Bố “cô bé gây cháy”: Không đốt nhà để nổi tiếng
>>> Những phát ngôn trái ngược về “cô bé gây cháy”
Gần một tuần quan sát hiện tượng hỏa hoạn ở nhà bé gái “gây cháy”, các nhà khoa học Đại học Hồng Bàng cho biết, không nhận thấy điều gì khác thường nên ngỏ ý với gia đình mời bác sĩ tâm lý vào cuộc để giúp đỡ cô bé.
“Vừa qua chúng tôi đã cử một nhà cảm xạ học và một y sĩ theo dõi, đồng thời đến nhà đưa cháu đi học. Tuy nhiên qua quan sát của cán bộ thì các vụ cháy có vẻ như xuất phát từ một tác nhân khác chứ không phải do năng lượng trong cơ thể cháu bé”, đại diện đoàn khoa học cho biết.
Từ việc quan sát hiện trường các vụ cháy quần áo, công tắc điện, dây điện, giường, tủ… ở nhà bé Thùy, ông Dư Quang Châu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Cảm xạ địa sinh học, Đại học Hồng Bàng, phỏng đoán nguyên nhân các vụ hỏa hoạn trên có thể là do bé Thùy “tự đốt” các đồ vật bằng một loại hộp quẹt đặc biệt.
Tuy nhiên ông Châu cũng thừa nhận mọi sự mới chỉ là giả thiết chứ chưa “bắt được quả tang” nên không thể khẳng định chắc chắn.
Từ nhận định này, nhóm nhà khoa học Hồng Bàng cho biết sẽ rút lui để nhường chỗ cho các chuyên gia khác tiếp tục nghiên cứu vụ việc. “Chúng tôi cũng đề nghị gia đình đưa cháu bé đến gặp bác sĩ tâm lý để tìm hiểu xem có phải do cháu nghịch ngợm hay thích gây sự chú ý nên mới tự đốt không”, đại diện nhóm phát biểu.
|
Nhiều nhà khoa học đã đến nhà bé Thùy để tìm hiểu nguyên nhân vụ việc. Ảnh: T.T. |
Sự kiện bắt đầu khoảng một tháng qua, trong nhà và những nơi bé Thùy có mặt thường xuyên xảy ra hiện tượng cháy đồ đạc một cách “bí ẩn”. Các vật dụng cháy như công tắc điện, dây điện, giấy, quần áo… đều bị chảy ra như hơ lửa ở ngoài trước khi bốc cháy vào trong. Đỉnh điểm vào ngày 12/5, toàn bộ lầu 3 căn nhà nơi gia đình bé sinh sống đã bị thiêu rụi.
Đưa Thùy đi “trú” ở đâu thì hiện tượng cháy vẫn tiếp tục xảy ra ở đó, gia đình cho rằng nguyên nhân hỏa hoạn có liên quan đến cô bé. Nhiều nhà khoa học cũng vào cuộc nghiên cứu.
Người nhà của bé Thùy không phủ nhận kết luận của cơ quan chức năng nhưng vẫn khẳng định các vụ cháy “liên quan” đến bản thân bé. “Từ tháng trước bắt đầu xảy ra các vụ cháy nhỏ chúng tôi đều tự dập tắt nhưng cho đến khi cháy lớn quá phải nhờ đến cảnh sát. Bản thân vợ chồng tôi đã đặt ra rất nhiều nghi vấn và tự mình kiểm chứng thì thấy rõ ràng con bé ở đâu cháy ở đó, mặc dù đã cất hết hộp quẹt và những vật dụng phát lửa”, chú Vũ – bố bé Thủy nói.
Chú Vũ cũng khẳng định con gái mình không thể giấu hộp quẹt trong người để “làm trò”. Theo chú, ngoài quần áo, bàn tủ, công tắc điện bị cháy còn có những chiếc đèn trên trần nhà, quạt treo tường và dây điện mà người lớn phải bắc thang mới leo tới nên trẻ con không thể lên đó đốt.
|
Một nhóm nhà khoa học vật lý đã tiến hành đo điện trở trên da cô bé nhưng vẫn chưa thấy điều gì khác thường. Ảnh: T.T. |
Đã có ít nhất 3 đoàn khoa học đến nhà chú Vũ nghiên cứu hiện tượng cháy “bí ẩn” này, tuy nhiên đến nay vẫn chưa ai đưa ra được bằng chứng thuyết phục. Dự kiến sắp tới sẽ có một nhóm nhà khoa học Israel chuyên nghiên cứu về năng lượng sẽ đến TP HCM để tìm hiểu vụ việc.
Tại hội thảo “Khoa học thực nghiệm về tiềm năng con người hôm 19/5, ông Nguyễn Phúc Giác Hải, Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng của con người (thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) khẳng định, trong cơ thể bé Thùy có một luồng năng lượng không ổn định. Khi nguồn năng lượng này lên cao thì chính là lúc em “phát hỏa”. Đoàn đã đề xuất giải pháp “khai thông nguồn năng lượng” trong người bé và đang chờ sự đồng thuận từ phía cha mẹ em.
Quan tâm về phương diện khác, ông Nguyễn Trung Nguyên, chuyên viên tâm lý trị liệu người lớn và trẻ em, Viện Nghiên cứu tâm lý học thực hành cho rằng, vẫn còn “quá sớm” để đưa ra kết luận là bé Thùy có “khả năng đặc biệt” hay không.
Không phủ nhận ở lứa tuổi dậy thì, trẻ thường có những mơ mộng nhất thời hay muốn nổi tiếng nên có thể làm những điều dại dột, song theo ông Nguyên, đứa trẻ 11 tuổi còn quá non nớt để phải hứng chịu búa rìu dư luận. Vấn đề này dường như chưa được các nhà khoa học quan tâm trong quá trình nghiên cứu.
Cũng theo ông Nguyên, tốt nhất trong thời kỳ “tranh tối tranh sáng” hiện nay thì các nhà khoa học muốn công bố bất kỳ luận điểm nào phải được sự thẩm định của hội đồng khoa học phản biện. Song dù thế nào đi nữa cần phải đảm bảo sự an toàn về sức khỏe, tâm lý cho những người liên quan.
“Dù cho cô bé có năng lực đặc biệt hay không thì em vẫn phải được sống một cuộc sống bình thường như mọi người. Nếu phát hiện em có năng lực đặc biệt đi nữa thì điều quan trọng nhất vẫn là dạy em sử dụng năng lượng đó như thế nào có ích chứ không phải tung hô em như một ngôi sao”, ông Nguyên đúc kết.
Theo VnExpress