Đất là một trong 5 yếu tố hàng đầu cấu tạo nên hành tinh xanh của chúng ta. Vai trò của chúng vô cùng quan trọng: là môi trường sống và sinh trưởng cho các loài cây, động vật và ngay cả con người. Gần đây, một cụm từ ưa thích đã xuất hiện trong giới trẻ Việt Nam: “Cạp đất mà ăn”, tưởng như đây chỉ là trào lưu xu hướng nhất thời nhưng nếu nghiêm túc nhìn nhận dưới nghĩa đen không ít người sẽ đặt ra câu hỏi: Liệu đất có ăn được hay không?
Quá trình ăn uống của con người thực ra là đưa các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng cần thiết vào trong cơ thể, chính vì thế để biết đất có ăn được hay không, bước đầu tiên ta cần khám phá thành phần của đất, xem nó chứa những chất gì.
Đất chia ra làm ba loại chính là đất sét, đất thịt và đất cát với các yếu tố cơ bản là cát, limon và sét. Tùy theo khu vực địa lí cũng như cấu tạo đất khác nhau mà trong đó có chứa thêm các khoáng chất vi lượng, nước, không khí… Dưới góc nhìn khoa học, bản thân cơ thể con người không chỉ cần có chất đạm, chất béo, tinh bột, vitamin có trong thức ăn mà còn luôn cần một lượng rất nhỏ các nguyên tố vi lượng như sắt, kẽm, magiê, canxi… Dù xuất hiện ít nhưng chúng lại vô cùng cần thiết cho sự chuyển hóa và phát triển toàn diện con người. Chúng có trong các thực phẩm như rau, cá và đương nhiên là cả trong… đất nữa.
Các nhà khoa học cũng đã chứng minh đất là một trong các vị thuốc cổ xưa nhất trên thế giới cho tới hiện nay.
Sẽ đơn giản hơn nếu hiểu nôm na thế này: Các loại rau, cây củ, một số loài vật nhiều khoáng chất ăn thường ngày, chúng sống nhờ có đất. Đất cung cấp chất dinh dưỡng cho chúng. Vì vậy, các nguyên tố muối khoáng này thực chất từ đất mà ra. Thế nên, đất hoàn toàn có thể ăn được. Đi sâu hơn một chút, các nhà khoa học cũng đã chứng minh đất là một trong các vị thuốc cổ xưa nhất trên thế giới cho tới hiện nay. Trong y học, một số loại đất tinh chế như bican, alusi… còn được dùng để trị bệnh.
Chính khả năng trao đổi ion trong môi trường cơ thể khiến đất có thể hấp thụ các chất độc mà cơ thể tiết ra khi bị bệnh. Khả năng ăn loại thức ăn dị thường này còn được bắt gặp ở các loài vật thuộc họ linh trưởng giống con người: giống khỉ Gorila ở Ruwanda thích ăn đất sét cao lanh, còn hắc tinh tinh lại “khoái khẩu” xơi đất ụ mối. Ở núi Elgun trên biên giới Kenya – Uganda có mỏ calcite – zeolit là khoáng vật được voi châu Phi vô cùng ưa chuộng.
Trên thực tế nghiên cứu, người ta cũng đã tìm ra rất nhiều phong tục “cạp đất mà ăn” ở nhiều nơi trên Trái đất: trải dài từ châu Á, đến châu Phi, thậm chí lan sang cả quốc gia phát triển ở châu Âu như Đức. Đất lấy đâu ra thứ ma lực kì quái hấp dẫn tới vậy?
Người ta cũng đã tìm ra phong tục “cạp đất mà ăn” ở nhiều nơi trên Trái đất.
Ở Việt Nam, tại thị trấn Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, rất nhiều người dân ở đây mê ăn đất. Họ đào đất, mang về nhà, chế biến và ăn; thậm chí mang theo trong người để thỉnh thoảng mang ra nhấm nháp. Có những người kiếm sống, kinh doanh buôn bán “món ăn đất” đắt như tôm tươi. Có thể kể tới như cụ Nguyễn Thị Lạc, năm nay đã 88 tuổi, người hàng ngày và thường xuyên ăn sống đất hay anh Tạ Đình Bảng, một nông dân chế biến đất để bán cho bà con ăn ở xóm gần đó. Đất ăn ở đây người ta chọn loại đất sét có màu xám, trắng, vàng hoặc xanh, đem cắt thành miếng vừa miệng, đem cạo bỏ tạp chất, hun khói trên phên tre nứa với một số nguyên liệu đồng quê khác tạo thành món “ngói” ăn rất mát, được ví “ngon như kẹo”. Nhiều người còn tâm sự, nếu không ăn đất hàng ngày thì thấy trong người cứ làm sao ấy.
Một cụ già đang ăn “ngói”.
Cụ ông đang chế biến đất thành món “ngói”.
Và “ngói” thành phẩm.
Lý giải cho tục ăn đất kì quặc trên, các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Địa chất và Khoáng sản đưa ra một số giả thuyết sau: có thể đó là phong tục từ thời cổ xưa, thuở các vua Hùng dựng nước “việc hôn nhân lấy gói đất làm đầu”, hay phải chăng là vì trong đất đặc biệt này chứa nhiều vi chất cần thiết, hoặc giả đơn thuần ăn đất chỉ để tạo cảm giác no trong thời kì đói kém, giải tỏa căng thẳng thần kinh, tâm lý… Hầu hết những người nghiện đất ở đây thuộc tầm trung niên cho tới già khoảng 60 – 70 tuổi.
Ghi nhận một trường hợp khác là hiện tượng các bà bầu khi thai nghén thèm ăn đất. Thời kì thai nghén với phụ nữ là giai đoạn vô cùng khó khăn về tinh thần và thể trạng. Họ thích ăn đồ chua và khoái những thứ trái khoáy, trong đó có đất. Một số bà bầu tâm sự, nếu hàng ngày không ăn đất thì tay chân sẽ rệu rã, tinh thần mỏi mệt… Bạn có tin nổi không? Tại Anh, hơn 3.000 bà mẹ sau này đã thú nhận mình từng ăn gạch, đất vì quá “thèm” khi thai nghén. Thậm chí, ở đây, người ta còn phải nhập khẩu một loại đất từ Bengal, Ấn Độ, chế biến thành thỏi “Sikor” bán cho phụ nữ và trẻ em.
Rất nhiều bà mẹ sau này đã thú nhận mình từng ăn gạch, đất vì quá “thèm” khi thai nghén.
Còn theo số liệu điều tra tại Kenya, trong 285 học sinh thì có tới 73% các em nghiện ăn đất, tỷ lệ đó ở phụ nữ mang thai là 56%. Thậm chí một quốc gia phát triển như nước Đức, trong các cửa hàng thuốc cũng có thể bắt gặp những nơi có bán đất chữa bệnh. Người ta gọi đó là “Healing Soil”. Ứng dụng trên có nguồn gốc từ một số loại đất tinh chế như alusi, bican chữa được bệnh dạ dày, hay đất sét xanh của Pháp có đặc tính kháng khuẩn cho bệnh nhiễm trùng da nặng…
Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, các nhà khoa học cũng lên tiếng cảnh báo về tình trạng “ăn đất”. Đó là một vấn đề khá nhạy cảm và phức tạp bởi trong đất, bên cạnh các kim loại tốt như sắt, canxi, kẽm… thì không hề thiếu các chất độc hại như chì, cadimi, asen, thủy ngân… Đó là chưa kể việc ăn đất thường xuyên còn nhanh chóng làm mòn răng. Càng nguy hiểm hơn khi tình trạng ô nhiễm nguồn đất bởi phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, chất thải công nghiệp không còn là chuyện hiếm. Ăn đất vào nếu không cẩn thận, ta còn trực tiếp đưa các vi khuẩn xấu từ ngoài môi trường vào cơ thể một cách dễ dàng. Thêm nữa, vị của đất thực ra rất nhạt nhẽo, không ngon như chúng ta nghĩ mà tất cả chỉ là bị cảm giác đánh lừa.
Do đó, thay vì việc ăn đất, chúng ta hoàn toàn có thể bổ sung các chất dinh dưỡng bằng cách ăn thực phẩm phù hợp, chỉ ăn những loại đất có tác dụng thật sự chữa bệnh và được kiểm nghiệm bởi khoa học chân chính.
Ăn đất vào nếu không cẩn thận, ta còn trực tiếp đưa các vi khuẩn xấu từ ngoài môi trường vào cơ thể một cách dễ dàng.
Tạm kết lại, nếu ai muốn “cạp đất mà ăn” thì cần có đủ trí thông minh và sự dũng cảm để có thể nhận biết, chọn lựa được loại đất không độc, phù hợp với khẩu vị của bản thân. Còn nếu không, xin “đừng đùa với ninja rùa” kẻo lại chuốc họa vào thân.
* Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Geophagy/CAB Abstracts, Vietbao, Wikipedia…
(kenh14.vn
)