Theo tờ Tin Tức Bắc Kinh, những người Triều Tiên có vũ trang đã bắt cóc ba tàu đánh cá gồm 29 ngư dân Trung Quốc trong biển Hoàng Hải ngày 8/5 vừa qua. Đầu tiên họ đòi một khoản tiền chuộc là 190.000 USD sau đó giảm xuống còn 142.000 USD.
Cầu bắc qua sông Yalu, nối Đan Đông, Trung Quốc, với Triều Tiên.
Kênh truyền hình trung ương của Trung Quốc nói rằng những chiếc tàu cá đó bị bắt cóc trong vùng biển của Trung Quốc.
Cho đến nay chưa có một bình luận chính thức nào từ phía Triều Tiên về sự cố này. Và không có dấu hiệu nào chứng tỏ rằng những người Triều Tiên có vũ trang hành động theo lệnh của chính phủ ở Bình Nhưỡng. Tuy nhiên sự cố này đã đe dọa làm căng thẳng mối quan hệ của Triều Tiên và nước đồng minh và láng giềng lớn duy nhất của mình, mối quan hệ bị đồn đoán là có nhiều căng thẳng ngấm ngầm bất chấpnhững tuyên bố công khai về tình hữu nghị.
Trung Quốc là một bên tranh chấp chủ quyền ở biển Hoàng Hải, nhưng hầu hết các sự cố cho đến nay đều xảy ra với Hàn Quốc, chứ không phải với Triều Tiên. Người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi, nói rằng Bắc Kinh đã tiếp xúc với các quan chức ở Bình Nhưỡng thông qua “các kênh liên quan.” Và rằng “chúng tôi hy vọng vấn đề sẽ được giải quyết một cách thỏa đáng và càng sớm càng tốt.”
Theo tờ Thời báo Toàn cầu thì những ngư phủ Trung Quốc đang bị giam giữ trong một căn buồng nhỏ và không được cung cấp thức ăn. Tờ báo này nói rằng mấy ngày trước đó những kẻ bát cóc Triều Tiên đã đồng ý thả ngư phủ nhưng thỏa thuận đó bị xóa bỏ vì những kẻ tống tiền “đã không giám xuất hiện tại địa điểm hẹn trước.”
Bài báo cho rằng những người Triều Tiên này đòi trao tiền vào ngày thứ Năm nhưng đã không có dấu hiệu đạt được giải pháp vào hôm đó.
Theo Zhang Dechang, một trong ba chủ tàu nói với Thời báo Toàn cầu rằng những kẻ bắt cóc “có súng nên những ngư phủ đã không giám chống đối”. “Chúng tôi hy vọng các cơ quan liên quan có thể giúp chúng tôi giải thoát cho những ngư phủ này.”
Theo giới phân tích, trong những năm gần đây Bình Nhưỡng thường tiến hành thử hạt nhân và có các hành động khiêu kích quân sự đã làm cho Bắc Kinh lúng túng. Tuy nhiên, về phần mình Bắc Kinh vẫn muốn thắt chặt mối quan hệ với Triều Tiên vì cho rằng sự ổn định ở Triều Tiên có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh của Trung Quốc. Chừng nào Triều Tiên còn đặt dưới sự lãnh đạo của Kim Jong-unn thì Bắc Kinh không còn phải lo ngại về một bán đảo Triều Tiên thống nhất và dân chủ dự kiến sẽ được điều khiển từ Seoul và thân thiện hơn với Mỹ.
Trung Quốc hiện là bạn hàng lớn nhất và là nước cung cấp viện trợ chủ yếu của Triều Tiên. Bắc Kinh thường lưỡng lự lên án Triều Tiên vi phạm các nghị quyết của quốc tế.
Phạm Ngọc Uyển
Tổng hợp
(dantri.com.vn)