Tinh Hoa

Đi tìm nguyên nhân cây xanh chết bất thường

– Trên một số trục đường ở TPHCM gần đây có hiện tượng các cây xanh như xà cừ, sao đen trồng hơn 15 năm chết hàng loạt. Nguyên nhân do đâu?


Những cái chết bất thường

Anh Trần Văn Quân trú tại số nhà 568, đường Lê Văn Thọ, phường 13, quận Gò Vấp sống trên đoạn đường có cây xà cừ chết cho biết: “Tôi sống ở đây hơn 15 năm rồi, lúc đó mới làm con đường này và những cây xanh cũng mới trồng, nay cây cũng khoảng hơn 15 năm tuổi, bắt đầu từ giữa năm ngoái cây có biểu hiện vàng lá và trút đầy gốc, chúng tôi cứ nghĩ nó thay lá rồi sẽ mọc lại. Cũng có đợt cây ra lá mới, song lá chưa kịp già thì cũng lại rụng luôn. Mấy tháng nay rồi không thấy ra lá nữa”. Trong khi đó, tất cả dãy cây xà cừ trên đoạn đường này đều xanh tươi.

Nhìn cây sao đen gần 20 năm tuổi chết khô bên lề đường, ông Tăng Văn Sáng và nhiều người dân sống ở phường 9, phường 16, quận Gò Vấp cũng cho biết, cây sao đen vẫn sống xanh tốt bỗng dưng chết khô 2 tháng nay. Đầu tiên thấy lá héo và rụng từ ngọn xuống. “Không dễ gì mà một cây lâu năm, đang phát triển như vậy mà chết nhanh như thế đâu!”, ông Sáng nói. Nếu sâu gốc thì cơn bão số 1 vừa qua, quét mạnh như vậy mà cây không có biểu hiện lung lay gốc, chứng tỏ cây không bị sâu bệnh.

Cây xà cừ trơ trụi không còn một chiếc lá.

Không thể cứu khi cây đã vàng lá

Ông Nguyễn Duy Lâm, Phó phòng Duy tu hạ tầng Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 cho biết, đơn vị đã giám sát địa bàn và phát hiện cây xà cừ (sọ khỉ) phân loại 2 mang mã số (56), cây sao đen phân loại 2 mang mã số (109) và mã số (99) đang bị xuống lá. Qua kiểm tra xác định ba cây trên không bị sâu bệnh, không có tác nhân bên ngoài tác động đến cây xanh, nên đơn vị tiếp tục theo dõi. Sau đó thấy hai cây số 56 và 109 tiếp tục ra lá một thời gian lại xuống lá, phát triển rất kém nhưng chưa rõ nguyên nhân. Riêng cây Sao đen số 99 đã chết hẳn. Đơn vị tôi đã cho đốn hạ cây và phát hiện cây có dấu hiệu bị đổ hóa chất.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, chuyên viên quản lý cây xanh, Khu Quản lý giao thông đô thị số 3, nếu cây thay lá thì lá rụng từ từ, còn cây chết tự nhiên thì toàn bộ lá rụng xuống. Cây mà chết do hóa chất như cây sao đen trên thì lá vàng rất nhanh, kiểu vàng ép nhưng lại lâu rụng và hầu như vẫn dính trên cành. Chỉ khi đốn cây, cắt rễ thì thấy có mùi hôi nồng nặc. Trước đây cũng cứu được mấy cây bị đổ hóa chất trên mặt đất, đi qua thấy mùi lập tức vừa cho xả nước kết hợp thay đất cứu cây kịp thời, nhưng giờ thì không thể biết chỉ trừ khi cây chết đào lên cắt rễ mới biết. Và khi cây đã có biểu hiện ra ngoài thì không thể cứu được và chết rất nhanh.

Ngoài ra , hiện nay, việc xét nghiệm đất và điều kiện của từng địa điểm tuyến đường để trồng cây cho phù hợp chưa thực hiện được, mà mới chỉ trồng cây tùy theo chiều dài rộng của vỉa hè từng tuyến đường để trồng cây tiểu mộc, trung mộc hay đại mộc.

Theo TS Đinh Quang Diệp, Trưởng Bộ môn Cảnh quan và Kỹ thuật hoa viên, thứ nhất với cây xanh đường phố quan trọng là hệ rễ phát triển. Bởi nó không theo quy luật tự nhiên như các cây xanh trồng những nơi khác, trên đường phố hạ tầng mặt đất thì đủ loại công trình, nó phải thích nghi để phát triển. Do đó, cây xanh chỉ thực sự phát triển tốt khi nào cơ sở hạ tầng ổn định. Thứ hai là nguồn dinh dưỡng nuôi cây. Ở nước ngoài rất chú trọng cây xanh đường phố, nên nguồn dinh dưỡng nuôi đất trồng cây rất dồi dào. Còn tại nước ta, điều kiện hạn hẹp nên cây đường phố cũng phần nào hạn chế sinh trưởng.

Hơn nữa, trên đường phố không phải cây nào cũng trồng được. Cây xanh là do Đơn vị công viên cây xanh trồng nhưng cũng phải biết lựa chọn, ví dụ, ở đâu thì trồng cây viết, ở đâu thì trồng cây xà cừ, cây bằng lăng… Yêu cầu trồng cây đường phố là lấy tán lá, những rễ thì không được ăn ngang, ăn sâu, lá mà rụng liên tục thì không tốt, đặc biệt cây phải thích ứng thời tiết, địa bàn và xanh quanh năm. Nước Đức quy định rõ ràng muốn chặt một cây xanh thì phải trồng nhiều cây xanh bù lại. Phá một cây rừng thì trồng lại 7 cây, sau bao nhiêu năm phải trồng đủ số cây đã phá đi. Làm đường chặt bao nhiêu cây trên đường đó thì phải trồng lại gấp mấy lần số cây đã chặt.

“Tiêu chuẩn chính xác trên thế giới thì 13m2 cây/đầu người. Trong khi đó, ở Việt Nam chỉ  đạt 7m2 cây xanh/đầu người, có nhiều vùng không hề có cây xanh. Một số quốc gia trên thế giới ra khỏi trung tâm thành phố khoảng 1km là có rừng, họ gọi là rừng đô thị. Chúng ta đang thiếu cây xanh trầm trọng”.
GS.TSKH Lê Huy Bá (Viện trưởng Viện Môi trường, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành)

Quỳnh Hương

(bee.net.vn)