Trong cuộc đối đầu với Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough, Ngọai trưởng Philippines, Albert del Rosario đã phát biểu với tờ Inquirer rằng “Tất cả các nước khác chứ không chỉ có Philippines sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu chúng ta không có một lập trường… mọi người nên nhìn kỹ TQ đang cố gắng làm gì tại bãi cạn Scarborough nhằm theo đuổi cái mà họ gọi là quyền chủ quyền của họ trên toàn bộ Biển Đông [Philippines gọi là Biển Tây Philippines] dựa trên yêu sách đường chín vạch, với một dẫn chứng lịch sử rõ ràng là vô căn cứ”.
Phản ứng, hay ít ra là phản ứng công khai,từ các quốc gia ASEAN xung quanh Biển Đông về lời kêu gọi của Manila về Biển Đông là yếu ớt. Gần như không có phản ứng nào được tường thuật trên báo chí, và không có phản ứng nào được công bố trên các trang web tiếng Anh của các bộ ngoại giao các nước ASEAN.
Ngoại lệ duy nhất là một tuyên bố bằng tiếng Việt do người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam vào ngày 25/4/2012, đăng tải trên trang web bằng tiếng Việt của Bộ Ngoại giao Việt Nam, nêu rằng Việt Nam “hết sức quan tâm và lo ngại về tình hình tranh chấp bãi cạn Scarborough” và Việt Nam “cho rằng các các bên liên quan cần kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông và khu vực.”
Có lẽ có thể hiểu tuyên bố đó như một ủng hộ ngấm ngầm cho đề nghị của Philippines về giải pháp pháp lý dựa trên UNCLOS, nhưng giả sử đúng là như thế đi nữa thì sự ủng hộ đó cũng là khá khiêm tốn. Nếu tính toàn bộ ASEAN thì mức ủng hộ công khai cho Philippines trong cuộc đối đầu ở bãi cạn Scaborough là đáng thất vọng, dù rằng các nước ASEAN kia không có tranh chấp với Philippines trong khu vực đó.
Đáng tiếc là là sự thiếu tương trợ đó có vẻ như đã là một cung cách bất thành văn của các nước ASEAN trong tranh chấp Biển Đông. Ngược dòng thời gian trong khoảng một năm vừa qua, chúng ta có thể thấy khi TQ giam cầm các ngư dân VN đánh cá tại vùng Hoàng Sa, không có nước ASEAN nào lên tiếng để ủng hộ một cách giải quyết công bằng. Khi TQ gây sức ép lên các hoạt động dầu khí của Philippines trong khu vực bãi Cỏ Rong, không hề có nước ASEAN nào lên tiếng ủng hộ Philippines. Khi TQ gây áp lực lên tập đoàn dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh nhằm khiến họ rút khỏi Lô 127 và 128, nằm giáp bờ biển đất liền Việt Nam, không có nước ASEAN nào lên tiếng ủng hộ Việt Nam. Khi tàu hải giám và các tàu đánh cá của TQ phá hoại thiết bị địa chấn của các tàu khảo sát Việt Nam, không có nước ASEAN nào lên tiếng ủng hộ Việt Nam. Khi tàu TQ dọa đâm vào tàu khảo sát cho Philippines tại bãi Cỏ Rong tháng 3/2011, không có nước ASEAN nào lên tiếng ủng hộ Philippines.
Rõ ràng, bất kể các sai lầm mà các nước ASEAN trong tranh chấp đã mắc phải trong quá khứ và trong hiện tại, kể từ đây, các bên cần thay đổi cách tiếp cận không lên tiếng này.
Trong thay đổi này, Philippines và Việt Nam nắm chìa khóa quan trọng. Vì vị trí địa lý của hai quốc gia này so với đường chữ U tai tiếng của TQ, không gian biển của hai nước này bị đe dọa vào bậc nhất so với các nước ASEAN khác. Ngoài ra, bản chất của các mối đe dọa mà hai nước này gánh chịu cũng tương tự nhau. Nếu Việt Nam và Philippines mà còn không thể cùng lên tiếng một cách rõ ràng thì khó có thể mong đợi các nước khác trong ASEAN có tranh chấp Biển Đông cùng lên tiếng như thế, và nếu mong đợi cả cộng đồng ASEAN làm thì còn khó hơn. Hiện nay, nếu ASEAN có thể tìm ra một tiếng nói chung về vấn đề Biển Đông thì e rằng tiếng nói ấy sẽ chỉ có thể là loãng, yếu và không rõ ràng.
Đã đến lúc các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách Việt và Phi cần bàn thảo về một tuyên bố chung nhằm hỗ trợ nhau. Ví dụ, hai quốc gia này có thể ra thông cáo chung chống lại việc sử dụng đá hay đảo nhỏ để đòi quá nhiều không gian biển, chống lại lập luận đòi “quyền lịch sử” trên hầu hết diện tích Biển Đông, và ủng hộ việc xác định rõ ràng phạm vi của khu vực tranh chấp. Nếu phương án đàm phán bị bế tắc thì Philippines và Việt Nam có thể kêu gọi các bên khác trong tranh chấp cùng đồng ý đưa các câu hỏi phù hợp ra cho Tòa án Quốc tế về Luật Biển phân xử.
Đi xa hơn, Philippines và Việt Nam có thể đàm phán với nhau để xác định phạm vi của các vùng nước phụ thuộc Trường Sa và sau đó lên tiếng ủng hộ nhau một khi TQ cố gắng gia tăng áp lực lên hai nước này bên ngoài các phạm vi ấy.
Thí dụ, Philippines có thể đề nghị với Việt Nam rằng các vùng nước trong khu vực bãi Cỏ Rong phía ngoài vành đai 12 hải lý tính từ các đảo, đá, nếu có, trong khu vực đó là không thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Trường Sa, và Việt Nam có thể có một đề nghị tương tự cho bãi Tư Chính.
Trên thực tế, bãi Cỏ Rong và bãi Tư Chính là những bãi ngầm và theo luật quốc tế thì không nước nào có thể tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ hai bãi này, mà chỉ có thể tuyên bố chủ quyền đối với những đảo, đá nổi từ chúng lên trên mặt nước, nếu có. Phần dưới mặt nước của bãi Cỏ Rong và bãi Tư Chính sẽ thuộc về hay lãnh hải 12 hải lý, hay vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, hay thềm lục địa của những đảo,đá này, nếu có, hay của các vùng lãnh thổ chung quanh. Trong các loại vùng biển này, một nước chỉ có chủ quyền đối với lãnh hải 12 hải lý, nhưng thông tin đại chúng thường ghi lầm rằng một nước có chủ quyền đối với cả vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa.
Như vậy, nếu Việt Nam có tuyên bố chủ quyền đối với đảo, đá nào cao hơn mặt nước trong khu vực bãi Cỏ Rong, thì Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với những đảo, đá đó và lãnh hải 12 hải lý của chúng. Luận điểm ở đây là Việt Nam và Philippines nên đàm phán với nhau để xác định vùng đặc quyền kinh tế của chúng và của những đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa vươn ra đến đâu ở bãi Cỏ Rong và bãi Tư Chính nói riêng và trên Biển Đông nói chung. Việt Nam và Philippines có thể tận dụng quy định của Tòa án Quốc tế về Luật Biển và cùng thi hành thủ tục để hai nước có thể xin Ý kiến Tư vấn của Tòa, nhằm giúp hai nước xác định phạm vi của vùng đặc quyền kinh tế thuộc Trường Sa, cũng như nhằm bác bỏ những lập luận của Trung Quốc.
Sau khi thoả thuận về phạm vi của vùng đặc quyền khinh tế thuộc Trường Sa, Việt Nam và Philippines sẽ cùng nhau lên án những động thái của Trung Quốc nhằm biến những vùng bên ngoài phạm vi đó thành vùng tranh chấp. Nếu như Philippines và Việt Nam có thể cùng lên tiếng một cách dứt khoát rằng một sự kiện đối đầu cụ thể nào đó trên Biển Đông là do TQ mưu toan mở rộng vùng tranh chấp một cách không phù hợp với luật quốc tế quy định thì việc đó sẽ tạo ra một thế trận mới cho cuộc đấu tranh ngoại giao và việc tranh thủ dư luận quốc tế, so với chỉ có một nước tranh cãi với một nước.
Như một thí dụ cụ thể, khi phía Trung Quốc cắt cáp địa chấn tàu Bình Minh 2 và Viking 2, Việt Nam đã khẳng định rằng hành vi xâm phạm đó đã xảy ra trong những vùng không phải là vùng tranh chấp. Nếu lúc đó có nước khác tuyên bố ủng hộ quan điểm của Việt Nam, thì điều đó sẽ có nhiều giá trị cho việc tranh thủ dư luận của chúng ta.
Như một thí dụ khác, khi Trung Quốc gây sức ép nhằm khiến tập đoàn dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh rút khỏi Lô 127 và 128, nếu có nước khác tuyên bố rằng Lô 127 và 128 không nằm trong vòng tranh chấp, thì điều đó cũng sẽ có nhiều giá trị cho cuộc đấu tranh của chúng ta.
Nếu các nước ASEAN trong tranh chấp tiếp tục cách tiếp cận “lặng im khi TQ lất lướt kẻ khác” thì không khó đoán cách đó có thể dẫn đến đâu. Martin Niemoeller, một mục sư người Đức đã miêu tả hạn chế của cách tiếp cận đó một cách hùng biện:
“Đầu tiên chúng nó (bọn Phát Xít) tìm đến xử những người Cộng Sản, nhưng tôi không phải Cộng sản nên tôi không lên tiếng. Kế đó chúng tìm đến xử những người theo tư tưởng Xã hội và Nghiệp đoàn lao động, nhưng tôi cũng không thuộc họ, nên tôi không lên tiếng. Sau đó chúng tìm đến xử người Do Thái, nhưng tôi không phải Do Thái nên tôi không lên tiếng. Và khi bọn Phát xít tìm đến bắt tôi, thì lúc ấy không còn ai để lên tiếng bênh vực cho tôi.”
Những nhà hoạch định chính sách của Philippines và Việt Nam sẽ hiệu quả hơn cho đất nước của họ nếu họ có thể để ý hơn đến phương diện này và tận dụng việc Philippines và Việt Nam có thể hỗ trợ ngoại giao cho nhau để bảo vệ quyền chủ quyền trên các vùng nước Biển Đông mà không ảnh hưởng đến quan điểm của mỗi nước về chủ quyền trên các đảo, đá Trường Sa.
Theo Lê Vinh Trương
Vietnamnet/Manila Times