Tinh Hoa

Cậu bé ăn xin đổi đời nhờ… một vết bớt

Cậu bé ăn xin Gran đã nổi tiếng khắp thị trấn sau khi tháng trước người ta đã phát hiện ra ở dưới nách trái của em có một chiếc bớt hình… bản đồ Afghanistan. Trước đây, gia đình Gran nghèo khó đến nỗi em không có điều kiện được đi học như bao bạn bè cùng trang lứa. Thế nhưng khi vết bớt của em được phát hiện, các nhà hảo tâm yêu nước đã ùn ùn kéo đến giúp đỡ và cuộc sống của em kể từ đó chuyển hẳn sang một trang mới.


Cậu bé ăn xin Gran bỗng “đổi đời” nhờ một chiếc bớt.

Trong số những tài trợ, điển hình có các doanh nhân của Phòng thương mại Helmand đã hỗ trợ 900 Bảng Anh (tương đương 30,1 triệu VNĐ) để em kết thúc cuộc sống của kẻ ăn xin và đồng thời cũng hỗ trợ tiền học hàng tháng cho tới khi em vào đại học. Ông Ali Ahmad Naseri, chủ tịch của Phòng thương mại Helmand cho biết: “Hàng tháng, mỗi thành viên của gia đình sẽ được cấp 62 Bảng Anh (tương đương 2 triệu VNĐ) cho tới khi cậu bé vào đại học.” Ngoài ra, gia đình cậu bé còn được tặng đất để xây nhà.

Theo ông Daud Ahmadi, phát ngôn viên của Chính quyền tỉnh Helmand, những người buôn bán xe hơi cũ tại một bãi đỗ xe đã phát hiện ra “vết bớt thần kỳ” đó khi họ yêu cầu cậu bé đi tắm vì cậu quá hôi. Bản thân cậu bé Gran cũng biết mình có vết bớt đó từ rất lâu nhưng không hề nhận ra điều kỳ lạ gì từ đó.

Ông Daud kể lại: “Những người buôn bán xe cũ đã phát hiện ra chiếc bớt nhìn giống bản đồ Afghanistan và họ đã quyết định quyên góp tiền cho cậu bé được đi học. Chủ tịch tỉnh cũng đã gọi em tới để chúc mừng.”

Chiếc bớt có hình giống với bản đồ của Afganistan.

Chia sẻ với các phóng viên địa phương, cậu bé Gran cho biết, trước khi “vết bớt đổi đời” của em được phát hiện, em thường phải đi ăn xin và đốt những hạt dại để kiếm tiền. Bố em, một người thợ chữa giày đã đánh đập em nếu mỗi ngày em không mang về nhà ít nhất 2,5 USD (tương đương 52.000 VNĐ).

Dễ thấy nhất ở vết bớt của cậu bé là hình bản đồ vùng núi Wakhan Corridor, đặc điểm đặc trưng nhất của Afghanistan. Vùng núi hình ngón tay tại phía Đông Bắc Afghanistan này là một di tích của giai đoạn “Great Game” ở thế kỷ 19.

(kenh14.vn)