Lầu Năm Góc có kế hoạch thay hầu hết hạm đội máy bay chiến đấu của không quân, hải quân và lực lượng lính thuỷ đánh bộ bằng các chiến đấu cơ tối tân F-35 vào năm 2020.
Một chiếc F-35.
Dòng máy bay chiến đấu 1 động cơ F-35 được xem là chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 vì sử dụng phần mềm tiên tiến và công nghệ tàng hình có thể xâm nhập rađa trong lãnh thổ của đối phương.
Các chiến lược gia Mỹ thường đề cập tới sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc khi đánh giá sự cần thiết của một chiến đấu cơ công nghệ cao, trong khi Bắc Kinh cũng đang theo đuổi một máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của riêng mình.
Chương trình F-35 của Mỹ đặt kế hoạch sản xuất 2.443 chiếc cho quân đội Mỹ và vài trăm chiếc khác cho 8 đối tác quốc tế đã tham gia đầu tư vào dự án, cũng như ít nhất 2 khách hàng là Nhật Bản và Israel.
8 quốc gia đã hỗ trợ tài chính cho F-35 là Australia, Anh, Canada, Đan Mạch, Italia, Hà Lan, Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ.
Một phiên bản của F-35 đang được thiết kế cho không quân Mỹ, F-35, vốn sẽ thay thế các máy bay ném bom chiến đấu F-16 và F-18 và máy bay tấn công mặt đất A-10 Thunderbolt.
Một phiên bản thứ 2, F-35C, dự kiến sẽ được dùng cho các tàu sân bay và sẽ thay thế các máy bay F/A-18 của hải quân Mỹ. Một phiên bản thứ 3, F-35B, là một máy bay phản lực lên thẳng dự kiến sẽ thay thế các máy bay Harrier nhiều tuổi của quân đội Mỹ.
Do 3 phiên bản giống nhau 80% các bộ phận nên chi phí cho việc sản xuất F-35 dự kiến sẽ giảm bớt so với các chương trình vũ khí trước đó.
Nhưng kể từ hợp đồng được giao cho tập đoàn hàng không vũ trụ Lockheed Martin hồi năm 2001, chi phí của chương trình đã tăng gấp đôi và F-35 – ban đầu dự kiến sẽ gia nhập phi đội vào năm nay – sẽ không thể hoạt động trước cuối thập niên này.
Với khả năng đạt tốc độ 1.900km/h, F-35 có tầm bay khoảng 1.100km – khoảng 800km đối với phiên bản F-35B – nhưng có thể tiếp nhiên liệu trên không.
Máy bay có thể chở 2 tên lửa không đối không và 2 quả bom dẫn đường chính xác trong khoang chứa bom và 4 quả bom hoặc tên lửa ở dưới các cánh.
Hầu hết các nước từng tuyên bố quan tâm tới chương trình F-35 đều nằm trong khuôn khổ một liên minh quốc tế, trong đó những nước tham gia chia sẻ một phần chi phí phát triển và được giao một vai trò trong việc sản xuất.
Lockheed Martin là nhà thầu dẫn đầu cho dự án, nhưng tập đoàn vũ khí BAE Systems của Anh sẽ sản xuất bộ phận sau của thân máy bay tại nhà máy của hãng ở Samlesbury, Anh.
Nhiều đối tác lo ngại về chi phí
Các quốc gia ủng hộ dự án F-35 của Lầu Năm Góc tỏ ra lo ngại về chi phí tăng cao và những trì hoãn liên liếp của chương trình. Một số nước đã hoãn hoặc cắt giảm đơn đặt hàng trong khi chờ đợi xem liệu chiếc máy bay này có giữ đúng lời hứa hay không.
Giá của một chiếc F-35 đã tăng gấp đôi kể từ năm 2001 lên mức khoảng 162 triệu USD, gấp 3 lần giá của một chiếc máy bay chiến đấu F-18.
Theo Lầu Năm Góc, tổng chi phí của chương trình hiện ước tính lên tới 395,7 tỷ USD, tăng 4% so với năm ngoái.
Chi phí của chương trình đã tăng mạnh trong bối cảnh nhiều chính phủ khắp thế giới đang đối mặt với các ép ngân sách nặng nề và các biện pháp khắc khổ.
Hồi tháng 2, Italia đã cắt giảm số lượng F-35 dự kiến mua từ 131 chiếc xuống còn 90.
Tại Hà Lan, quốc hội đã thông qua một kiến nghị hồi tháng 3 yêu cầu không đặt hàng thêm F-35 ngoài 2 chiếc đã mua.
Một kế hoạch ban đầu nhằm mua 138 chiếc F-35 tại Anh đã bị huỷ mà chưa có thông báo về số lượng đặt hàng cụ thể trong tương lai.
Một loạt nước khác như Canada, Đan Mạch, Na Uy, Nhật Bản cũng đã tỏ thái độ băn khoăn về giá cả và sự trì hoãn của F-35.
An Bình
Theo AFP
(dantri.com.vn)