Ngày 9/5, Bắc Kinh sẽ chính thức vận hành giàn khoan khổng lồ “Dầu khí hải dương 981” để khai thác dầu khí trên biển Đông.
Trong cuộc họp báo hôm 7/5, Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) cho biết, giàn khoan “Dầu khí Hải dương 981″ sẽ được đưa vào hoạt động ở khu vực lãnh hải cách Hongkong 320km về phía đông nam và ở độ sâu 1.500m, gần vùng biển phía bắc Philippines.
Cũng tại cuộc họp báo, CNOOC công bố hình ảnh cho thấy giàn khoan “Dầu khí hải dương 981” đã sẵn sàng hoạt động ở giếng dầu Lệ Loan 6-1-1. Trang web của Cục Năng lượng quốc gia Trung Quốc cho biết giàn khoan này có thể khoan xuống độ sâu 2.371m và nằm trong chiến lược thăm dò dầu khí nước sâu của Trung Quốc trong tương lai.
Trước đó, báo chí cho biết, Trung Quốc đã triển khai giàn khoan “Dầu khí Hải dương 981″ ở Biển Đông từ cuối tháng 5/2011 để hoạt động thử nghiệm.
Giàn khoan 981 là giàn khoan kiểu nửa chìm, nửa nổi và có khả năng hoạt động ở độ sâu tối đa 3.000m, độ sâu giếng khoan tối đa 12.000m, thuộc thế hệ giàn khoan thứ sáu trên thế giới và là siêu giàn khoan đầu tiên do Trung Quốc tự sản xuất.
Với chiều dài hơn 650m, cao 136m, trọng tải 30.000 tấn, giàn khoan 981 được Trung Quốc gọi là “tàu sân bay dầu khí”. Tổng kinh phí để xây dựng “tàu sân bay dầu khí” này lên tới 935 triệu USD và chi phí hoạt động có thể lên tới 1 triệu USD/ngày.
Bắc Kinh cho rằng hầu hết hoạt động khai thác dầu khí của họ hiện chưa đạt đến độ sâu 300m dưới đáy biển, trong khi khoảng 70% nguồn tài nguyên dầu khí ở biển Đông thường nằm ở độ sâu trên 300m. Bắc Kinh dự đoán trữ lượng dầu khí ở biển Đông có thể từ 23-30 tỷ tấn dầu và 16.000 tỷ m3 khí thiên nhiên, chiếm 1/3 tổng lượng dầu khí của Trung Quốc.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Biển Đông với một loạt nước gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Biển Đông là khu vực giàu dầu mỏ, khí đốt và là nơi có nhiều tuyến đường hàng hải quan trọng. Bắc Kinh luôn khẳng định muốn giải quyết những cuộc tranh chấp này trong khuôn khổ song phương. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của phương Tây, có vẻ như Bắc Kinh đang “lấy thịt đè người” trong tranh chấp biển Đông
BáoStraits Timescủa Singapore ngày 7/5 có bài nhận định của nhà bình luận quốc phòng Michael Richardson với tựa đề South China Sea Dispute: China’s plan is to crowd out claimants (Tranh chấp biển Đông: Kế hoạch của Trung Quốc là dùng số đông để đánh bật các nước tuyên bố chủ quyền).
Ông Richardson dẫn chứng bằng vụ đụng độ diễn ra giữa Trung Quốc và Philippines gần bãi cạn Scarborough trên biển Đông. Tại đây, Trung Quốc đã điều đến 4 tàu hải giám hiện đại cùng 10 tàu cá trong khi Philippines chỉ có 2 tàu tuần duyên và 1 tàu của Cục Ngư nghiệp. Theo đó, tác giả cho rằng “Trung Quốc tỏ ra đang dùng “chiến lược số đông” ở bãi cạn Scarborough và có thể lấn ra các khu vực khác trong biển Đông nếu việc kháng cự (của các quốc gia trong khu vực) không hiệu quả. Chiến lược này là tăng sự hiện diện tại một khu vực tranh chấp để cuối cùng trở thành chủ sở hữu”.
Ông Richardson còn nhắc lại việc tờ Hoàn cầu Thời báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc mới đây dẫn lời Thiếu tướng La Viện nói rằng, nước này cần củng cố tuyên bố chủ quyền của mình bằng cách “cắm cờ Trung Quốc, hoặc xây dựng căn cứ quân sự hoặc căn cứ ngư nghiệp” ở biển Đông.
Ngoài ra, Bắc Kinh đã chuyển một phần của cải do tăng trưởng kinh tế thành sức mạnh quân sự và dựa vào đó để tạo ra một môi trường an ninh có lợi xung quanh nước này.
Tuy nhiên, kế hoạch “thâu tóm” biển Đông của Trung Quốc đang gặp trở ngại lớn khi nhiều nước trong khu vực muốn quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông và nhiều nước lớn muốn can thiệp vào các cuộc tranh chấp này.
TờThe New York Timesdẫn lời Giáo sư Stephen Walt tại Đại học Harvard nhận định: “Trong thế kỷ 19, khi Mỹ trỗi dậy đã tuyên bố “học thuyết Monroe” để đẩy dần các cường quốc châu Âu ra khỏi Bắc bán cầu. Hiện nay, cùng chủ trương đó, Bắc Kinh không muốn Washington tạo dựng liên minh và hiện diện quân sự mạnh mẽ quanh biên giới của mình. Họ đang cố đẩy Mỹ ra khỏi châu Á – Thái Bình Dương”. Tuy nhiên, Mỹ đang thắt chặt quan hệ đồng minh với Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines. Nước này cũng xây dựng đối tác an ninh với Singapore và nhiều nước Đông Nam Á khác./.
(Theo Vov)