– Với sinh viên phải trọ học ở thành phố với đủ thứ chi tiêu thì việc tính toán sao cho cuối tháng không “rỗng túi” quả là một bài toán khó. Giá cả ngày một leo thang đã ảnh hưởng không chỉ với sinh viên nghèo mà các tiểu “đại gia” cũng phải cắt giảm chi tiêu đáng kể.
THÔNG TIN LIÊN QUAN:
|
Việc tính toán khi ra chợ trở thành nỗi ám ảnh với sinh viên nghèo. |
Vật lộn chống bão giá
Ngay sau khi giá xăng dầu tăng, đồng loạt các mặt hàng khác cũng ồ ạt tăng theo đến chóng mặt. Vừa có thông tin tăng lương thì SV lại một phen khốn khổ vì quá nhiều mặt hàng ăn theo tăng giá. Từ nhà ở, điện nước rồi lương thực thực phẩm đồng loạt tăng giá khiến cuộc sống của nhiều sinh viên càng khó khăn hơn.
Số tiền mà gia đình chu cấp hàng tháng thì vẫn vậy nhưng chi phí thì ngày một tăng cao. Nhiều bạn không muốn xin thêm tiền gia đình nên phải tìm đủ mọi cách để có thể “sống” được tại thành phố. Mâm cơm sinh viên vốn đã đạm bạc thì nay lại càng nghèo nàn hơn vì giá cả quá đắt đỏ.
Minh Hùng (ĐH Sài Gòn) chia sẻ: “Gia đình gửi cho 2 triệu mỗi tháng, mình đi làm thêm được 1,5 triệu nữa, vậy mà tháng nào cũng thiếu, phải xin thêm. Nhiều khi có công chuyện đi xa thì tốn kém lắm, đó là chưa kể con trai thỉnh thoảng cà phê rồi nhậu cho vui với bạn bè nữa”.
Tuy là con gái, chi tiêu có hạn và biết tiết kiệm hơn các sinh viên nam nhưng tình trạng của nhiều sinh viên nữ cũng không khá hơn là bao. Thanh Tâm (ĐH Hồng Bàng) cho biết: “Trước đây mỗi tháng ba mẹ cho 3 triệu, mình còn dư ra một khoản để mua sắm nhưng bây giờ thì chỉ đủ tiền phòng và tiền ăn thôi”.
Đối với các bạn sinh viên “hàng quán thẳng tiến” thì càng khốn khổ hơn. Các suất cơm đồng loạt tăng giá từ 15.000 đồng/1 suất lên hơn 20.000 đồng/1 suất. Cùng với tiền xăng xe, sách vở và chi tiêu lặt vặt khác thì mỗi tháng cũng mất từ 2,5 đến 3 triệu đồng, một số tiền không phải gia đình nào dưới quê cũng lo nổi cho con mình.
Thắt hầu bao, buộc dạ dày
Khi được hỏi các bạn SV hàng ngày vẫn hay ra vào siêu thị thì mua những gì, 7/10 bạn đều cười xòa và nói hai từ gọn lỏn: “Mua mì”. Cứ cuối tuần hoặc khi có thời gian rảnh là các bạn gộp chung cả phòng lại để đi siêu thị mua thực phẩm về dự trữ.
Nhìn những bao hàng to trên giỏ xe đạp của các bạn, không ai nghĩ rằng nó rất nhẹ vì trong đó chủ yếu chỉ có mì gói và rau củ.
Trang (ĐH Công nghiệp thực phẩm) có cách riêng “buộc bụng” của mình. Trang bỏ luôn bữa ăn sáng hàng ngày, dù biết là không tốt nhưng còn hơn cuối tháng không có tiền ăn. Trước đây mỗi tháng, Trang tốn gần 400 nghìn tiền xăng. Từ khi xăng tăng giá, Trang đi xe máy khi có việc gấp và ở xa, không thì đi xe buýt hoặc mượn xe đạp bạn cùng phòng để đi.
Đa số sinh viên có laptop, để tiết kiệm tiền điện, các bạn cũng không dám sạc nhiều ở nhà. Các bạn thường đem máy đến những chỗ có Wifi miễn phí để vừa có thể lên mạng vừa luôn tiện sạc pin.
Không chỉ thế, để cắt giảm chi tiêu một cách triệt để, nhiều đôi nam nữ sinh viên chấp nhận sống chung nhà với nhau. Với tình hình giá cả ngày càng leo thang, phòng ở hai người cũng không ổn nên nhiều cặp “vợ chồng” kết nạp thêm thành viên thứ ba. Người thứ ba thường là anh hoặc chị của một trong hai người kia, dọn về ở cùng để san sẻ bớt tiền thuê phòng, tiền ăn. Tuy hầu hết các cặp đều cảm thấy bất tiện về điều này nhưng cũng đành chịu khó để đối chọi với “bão giá”!
Đại gia sinh viên chật vật với bão giá
|
Bữa ăn hàng ngày của sinh viên giờ ưu tiên cho rau củ và mì gói. |
Không có nhiều kinh nghiệm và chiêu thức tiết kiệm như con nhà nghèo, các công chúa, cậu ấm vốn quen ăn sung mặc sướng, tiêu xài thoải mái nay phải sống chật vật hơn vì gia đình phá sản do suy thoái kinh tế.
Phương (CĐ Kinh tế TP.HCM) vốn có cuộc sống dư dả nhờ ba mẹ làm chủ một đại lý cà phê ở Đắk Lắk. Cùng cảnh ngộ với nhiều đại gia cà phê khác ở Tây Nguyên, gia đình Phương phải tuyên bố phá sản và lâm vào nợ nần chồng chất. Từ 5 đến 6 triệu đồng mà ba mẹ cho hàng tháng, nay ba mẹ Phương chỉ có thể cố gắng cho 2 triệu trong khi với số tiền đó Phương còn không đủ trả tiền phòng và lo xăng dầu cho chiếc tay ga đắt tiền.
Văn Hoàng (SV năm thứ 2) là con của một ông thầu xây dựng giàu có nhưng hiện nay Hoàng cũng bị ba mẹ quản lý chi tiêu và bớt tiền tiêu vặt do đơn đặt hàng xây dựng khan hiếm, khiến thu nhập gia đình giảm mạnh từ mấy tháng nay. “Bây giờ có muốn làm chầu nhậu hay cà phê với bạn bè cũng phải suy nghĩ kỹ và cũng không dám vào chỗ đắt tiền nữa, vỉa hè thẳng tiến thôi”, Hoàng nhăn nhó.
Sự đổ bộ của cơn “bão giá” đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của nhiều SV. Đau đầu với việc học trên lớp, về nhà lại phải tính toán sao cho cân bằng các khoản chi tiêu. Nhiều bạn nói đùa rằng :“Qua cái thời SV, vốn liếng mà mình có được là khả năng tính toán chi ly không kém một bà nội trợ thứ thiệt”!
- Hiểu Minh- Diệu Hiền
(vietnamnet.vn)