Khi Comvik (Thụy Điển) đầu tư vào MobiFone tại Việt Nam thì “mỏ vàng” di động màu mỡ. Tuy nhiên, những người tiếp bước như SK Telecom và Vimpelcom đã gục ngã với hướng đi này.
Ngày 1/7/2003, mạng di động đầu tiên phá thế độc quyền S-Fone ra đời theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa đối tác SK Telecom (Hàn Quốc) và SPT trong thời hạn 15 năm. SK Telecom là mạng di động lớn thứ 2 ở Hàn Quốc. Đây là thời điểm thị trường di động Việt Nam cơ bản vẫn là độc quyền tự nhiên vì chỉ cỏ 2 mạng là VinaPhone và MobiFone của VNPT.
SK Telecom đã không thành công khi đầu tư vào thị trường di động Việt Nam. |
Việc đầu tư của SK Telecom đã chiếm được 2 yếu tố là “thiên thời” và “địa lợi”. Thời điểm SK Telecom đầu tư vào S-Fone, tuy không “vàng son” bằng thời kỳ hợp tác nguyên thủy của thị trường di động Việt Nam giữa Comvik và MobiFone nhưng đây vẫn là thời điểm hái ra tiền của các mạng di động.
Lúc đó, số thuê bao bình quân trên đầu người của Việt Nam rất thấp, số thuê bao của VinaPhone và MobiFone cộng lại mới được gần 2 triệu và tiềm năng của thị trường di động còn rất lớn. Khi đó, đã có kế hoạch táo bạo của đối tác SK Telecom là tặng không máy điện thoại cho khách hàng để đưa S-Fone trở thành mạng di động có số thuê bao ngang ngửa 2 mạng của VNPT.
Tuy vậy, SK Telecom lại không thể “chung lưng đấu cật” lâu dài với SPT vì thiếu yếu tố “nhân hòa”. Một thời gian khá dài mô hình tổ chức luôn có những bất đồng quan điểm dẫn đến chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” đẩy S-Fone ngày càng tụt hậu so với các mạng khác.
Đầu tháng 12/2009, SPT và đối tác SK Telecom bàn thảo việc ký thỏa thuận nguyên tắc chuyển đổi liên doanh cho dự án hợp đồng hợp tác kinh doanh sang hình thức cổ phần. Thế nhưng, chỉ đến cuối tháng 12/2009, SK Telecom đã tuyên bố dừng đầu tư vào Việt Nam với lý do lợi nhuận thấp và tốc độ phát triển thuê bao chậm. Trong thư gửi cho báo Bưu điện Việt Nam thời điểm đó, ông Cho Seong Won, Trưởng đại diện SK Telecom Vietnam tại chi nhánh Hà Nội cho biết, hãng di động Hàn Quốc SK Telecom đã quyết định không đầu tư vào S-Fone. Thế nhưng, những câu chuyện về bội tín đã được nhiều người trong cuộc nhắc đến như là nguyên nhân của sự đổ vỡ giữa SPT và SK Telecom chứ không hẳn do yếu lợi nhuận và tốc độ phát triển thuê bao.
Đến… Beeline “bỏ chạy” khỏi Việt Nam
Giống với SK Telecom, Vimpelcom cũng là mạng di động lớn thứ 2 tại Nga. Song đối tác này lại đầu tư vào Việt Nam vào thời điểm khó khăn khi mà thị trường đã có tới 6 mạng di động.
Ngày 8/7/2008, VimpelCom và GTel đã ký kết thành lập Công ty CP di động GTel Mobile với thương hiệu Beeline. Trong GTel Mobile, VimpelCom nắm giữ 40% cổ phần – tương đương khoản đầu tư tài sản 267 triệu USD. Thời điểm này, thị trường di động Việt Nam đã chững lại sau một thời gian dài bùng nổ. Nhiều chương trình khuyến mãi tung ra được nhiều người nhận định là những gói cước thiết kế kiểu “chém giết lẫn nhau”.
Cước di động Việt Nam đang từ nhóm cao trên thế giới đã hạ xuống nhóm thấp nhất thế giới. Mặc dù Beeline tung ra khá nhiều gói cước siêu rẻ như BigZero nhưng nó chỉ như những cơn sóng ào lên rồi rơi vào lặng lẽ.
Đến tháng 4/2011, VimpelCom tái khởi động tấn công thị trường Việt Nam khi tuyên bố đầu tư thêm 500 triệu USD vào Beeline và nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông này trong GTel Mobile từ 40% lên 49%. Không lâu sau, hình ảnh Beeline xuất hiện trở lại kèm gói cước “nóng” mang tên Tỷ phú và điện thoại siêu rẻ chỉ 149.000 đồng. Thế nhưng, gói cước này đã bộ Bộ TT&TT “thổi còi” vì phá giá thị trường.
Đến 23/4, GTel Mobile bất ngờ tuyên bố mua lại hết cổ phần của đối tác Vimpelcom trong mạng Beeline, đưa Gtel Mobile trở thành công ty 100% vốn của các cổ đông trong nước. Giới chuyên môn cho rằng, việc Vimpelcom ” bỏ chạy” khỏi Việt Nam bằng việc bán rẻ cổ phần trong mạng Beeline chỉ với 45 triệu USD chủ yếu do thị trường di động đã chia xong và không còn “cửa” cho mạng di động mới.
Lãnh đạo một mạng di động cho rằng thị trường di động Việt Nam đã cạnh tranh bằng cả những hình thức “phi kinh tế”. Trong buổi họp mới đây với Bộ TT&TT, nhiều mạng di động cho rằng nếu cơ quan quản lý không siết chặt quản lý thì thị trường viễn thông Việt Nam có nguy cơ đổ vỡ.
Theo ICTnews