Philippines hôm qua cho biết đã đề nghị Mỹ hỗ trợ các lực lượng vũ trang nước này các tàu tuần tra, máy bay và hệ thống rađa trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông ngày càng căng thẳng.
Trung Quốc bác đề xuất giải quyết tranh chấp Biển Đông tại tòa án quốc tế
Ngoại trưởng Albert del Rosario nói các khí tài trên sẽ giúp nước này có được sự phòng thủ tin cậy tối thiểu”, một cụm từ mà ông sử dụng trong các cuộc hội đàm chưa có tiền lệ với các quan chức cấp cao Mỹ tại Washington hồi đầu tuần này.
“Chúng ta cần biết điều gì đang diễn ra xung quanh chúng ta. Đó là ý thức chủ quyền hàng hải. Và chúng ta cũng cần ngăn chặn bất kỳ sự xâm nhập nào vào vùng biển nơi chúng ta có chủ quyền”, ông Rosario, ám chỉ tới cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông.
“Chúng tôi đã đề xuất một danh sách khí tài mà Mỹ có thể trợ giúp như các tàu tuần tra, máy bay tuần tra, các hệ thống rađa và các trạm giám sát bờ biển”, Ngoại trưởng Philippines nói.
Ông Rosario cho biết thêm, Philippines cũng đang tìm kiếm sự trợ giúp từ các đối tác quốc tế khác.
Ngoại trưởng Rosario cho hay Philippines đã và đang tăng cường quan hệ đối tác với Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và các nước khác trong các lĩnh vực như an ninh hàng hải, trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thảm hoạ.
Trong khi chờ đợi các khí tài mới, ông Rosario nói Philippines và Mỹ cần tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận quân sự “theo cách thích hợp hơn, tại nhiều địa điểm hơn và với tần suất thường xuyên hơn”.
Philippines và Mỹ, vốn vừa hoàn thành các cuộc tập trận quy mô lớn, gắn kết với nhau bằng một hiệp ước phòng thủ chung, trong đó Mỹ cam kết sẽ giúp đỡ đồng minh yếu hơn trong trường hợp nước đối mặt với một cuộc tấn công quân sự.
“Mỹ cần một đồng minh mạnh hơn trong khu vực để có thể đảm nhận vai trò lớn hơn nhằm đảm bảo sự ổn định của khu vực đó. Vì thế, việc đầu tư phát triển khả năng quân sự và quốc phòng của Philippines cũng nằm trong lợi ích chiến lược của Mỹ”, ông Rosario nhấn mạnh.
Philippines và Trung Quốc đã vướng vào cuộc tranh chấp vì một bãi đá ngầm ở Biển Đông hồi tháng trước khi cả hai nước điều tàu tới đó trong gần 3 tuần để khẳng định chủ quyền.
Philippines nói bãi đá ngầm Scarborough (mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) thuộc chủ quyền nước này vì nó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, được luật pháp quốc tế công nhận.
Manila đã yêu cầu đưa tranh chấp về bãi đá ngầm Scarborough/Hoàng Nham ra tòa án Liên hợp quốc để giải quyết nhưng Bắc Kinh từ chối
An Bình
Theo AFP
(dantri.com.vn)