Tinh Hoa

Thực hư câu chuyện ra nước ngoài thực tập của SV Ngoại thương

Những ngày gần đây, mọi người đang rộ lên câu chuyện về những sinh viên đại học Ngoại Thương sang Singapore thực tập và bị “bóc lột” một cách thậm tệ. Cư dân mạng sau khi đọc được những nguồn tin này đang bán tin bán nghi, người thì đồng tình, kẻ thì lên án chính những bạn sinh viên “nhẹ dạ cả tin” này.

Trình tiếng Anh cao để đi giúp khách cởi đồ

Riêng cái mác Singapore đã đủ khiến những công việc thực tập này thu hút các sinh viên của ngôi trường được mệnh danh là Harvard của Việt Nam. Các bạn ấy phải vượt qua vòng hồ sơ, phỏng vấn mới được nhận vào làm và tiếp cận những buổi trao đổi công việc. Thế nhưng, hẳn là có nằm mơ các bạn ấy cũng không thể mường tượng hết công việc mình được giao, cộp mác nhân viên thực tập ở sân bay Changi (Singapore) lại là đẩy xe lăn và giúp khách… cởi quần đi vệ sinh.

Có bạn sinh viên còn phản ánh rằng, họ bị ép làm từ 1h đến 9h sáng. Đồng hồ sinh học bị đảo lộn do chênh lệch múi giờ thì ít mà do áp lực từ công việc thì quá nhiều, khiến một số bạn gần như kiệt sức. Ấy vậy mà họ vẫn phải luôn nở nụ cười để hoàn thành công việc của một người tiếp đón và dẫn khách.

T. T (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Tớ nghe đồn rằng vòng hồ sơ rồi phỏng vấn gắt gao lắm, cứ tưởng sang đó người ta cho các bạn ấy làm những công việc hay ho, đòi hỏi tính chuyên môn cao. Đứa bạn tớ còn hì hục kiếm giấy chứng nhận đã tham gia những chương trình tình nguyện để được ưu tiên là có tham gia công tác xã hội. Hóa ra toàn là “ảo ảnh” à?”

Còn M. P (một sinh viên trường ĐH Ngoại Thương) lại mừng thầm vì đã tiếc tiền mua hồ sơ nhưng không tham gia, chẳng là: “Tớ rất muốn có thêm trải nghiệm ở nước ngoài. Nhưng đợt đó, đang “viêm màng túi” mà bộ hồ sơ lại những 200 nghìn nên đành khất, hẹn ở lần sau. Thấy tin chúng nó báo về như vậy, cũng tự nhủ rằng “viêm màng túi” cũng đúng lúc, đúng chỗ”.

Tương tự như P, T. A dù đã mua hồ sơ, chuẩn bị đầy đủ và nộp nhưng lại quyết định không tham dự phỏng vấn vì “sợ giẫm vào vết xe đổ của người đi trước”. Chẳng là tháng 5 này, trường Ngoại Thương có tổ chức thêm một đợt phỏng vấn để gửi sinh viên ra nước ngoài thực tập. Nhưng với tình hình này, hẳn số lượng sinh viên đăng kí tham gia sẽ giảm ít nhiều!


Sinh viên Việt Nam thực tập tại sân bay Changi (Singapore). Ảnh: FTU

Có nghề nào là “ngon ăn”?

Khi các đường link về vấn đề bóc lột thực tập này được đăng tải trên mạng, các bạn sinh viên tha hồ truyền nhau để bàn ra, tán vào. Một Facebooker tên Jason Tan có bình luận: “Mấy bạn sinh viên nên xem kỹ lại vấn đề. Đi thực tập thì phải chịu, chứ đã là sinh viên mới ra trường thì làm sao có được những công việc “ngon ăn” khác hay chức cao!? Công việc ấy mình nghe qua cũng đồng tình là có vẻ như không được “hấp dẫn” và thoải mái cho lắm. Nhưng mình nghĩ lại, đó là công việc mà bạn cần phải làm khi gặp những người tàn tật và cũng là một trong những cách ngoại giao đấy!”.

Thoạt đầu, có thể nhiều người sẽ nghĩ rằng đây là một trong những ý kiến phê phán các bạn sinh viên kia, nhưng đâu phải không đáng để suy nghĩ. Mỗi công việc đều có những yêu cầu, đòi hỏi riêng của nó. Quan trọng là bạn đã chấp nhận nó, bạn cần tuân thủ một cách nghiêm ngặt. 

Khi trả lời phỏng vấn báo chí, bà Hà – phó phòng Hợp tác quốc tế, trường ĐH Ngoại Thương cũng cho biết: “Lúc phỏng vấn, khi được hỏi có sẵn sàng đẩy xe giúp đỡ hành khách đặc biệt không, tất cả đều trả lời có. Vấn đề ở đây là giao tiếp tiếng Anh, có bạn nghe rõ, có bạn nghe không rõ gây ra tình trạng các em tưởng tượng”.

Có chung quan điểm như vậy, Hoàn (ĐH KTQD) cũng phát biểu: “Việc bạn chấp nhận sang nước ngoài thực tập, với những công việc không khác gì part time ở Việt Nam, thì trước hết, bạn cần xác định rằng mục đích mình đi để làm gì. Nếu bạn muốn kinh nghiệm, thì những việc như đi làm nhân viên bán vé ở rạp chiếu phim, đón khách ở sân bay, dù ở Việt Nam hay ở Sing, đều không bổ trợ nhiều cho CV của bạn sau này đâu. Còn nếu bạn muốn trau dồi tiếng Anh, thì những công việc được giao tiếp nhiều với người khác, ngay cả khi đó là người tàn tật, đã là một may mắn với bạn rồi!”.

Hơn thế nữa, không phải tất cả những sinh viên tham gia đợt thực tập ở Sing tháng 2 vừa rồi đều có những phản hồi không tích cực. Có không ít bạn sinh viên cho biết, họ và vài người khác đang sống rất bình thường. “Đi làm chẳng khi nào là đơn giản, ở đâu cũng vất vả thế thôi. Nhưng sống ở môi trường khác, càng vất vả, càng thấy mình trưởng thành hơn. Bạn tớ kể về cuộc sống, tớ cũng đâu thấy có gì kham khổ như những bạn kia nói. Cũng có thể, do những người kia quen sống trong bao bọc, không “đọc kĩ hướng dẫn trước khi dùng” nên “sốc nghề nghiệp” là dễ hiểu thôi” – A. N – một bạn có người bạn thân đang ở Sing thực tập cho biết.

Cùng chờ đợi một câu trả lời thỏa đáng!

Được biết, sắp tới, các thầy cô giáo của trường Ngoại Thương sẽ sang Sing để giải quyết vấn đề này cho các bạn sinh viên trong trường, cố gắng duy trì quá trình đưa sinh viên ra nước ngoài thực tập. Các thầy cô luôn muốn dành cho học trò của mình những điều tốt nhất. Vậy nên, các bạn cũng đừng quá “hoảng sợ” hay lo lắng thái quá về vấn đề sang nước ngoài thực tập. Mỗi môi trường là một khác, không công việc nào giống công việc nào, hơn nữa nếu bạn có cơ hội được sang nước ngoài, mở mang kiến thức, học hỏi kinh nghiệm, thì đừng vội cho đó là sai lầm.

(kenh14.vn)