Và thói quen bẻ khớp ngón tay này có lợi hay có hại?
Rất nhiều người có thói quen bẻ khớp ngón tay sau khi làm một công việc nào đó lâu hay khi cảm thấy bàn tay bị mỏi, tê cứng. Việc làm này khiến nhiều người trong chúng ta thấy thoải mái, dễ chịu hơn. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, việc bẻ khớp ngón tay, chân sẽ dẫn đến thoái hóa khớp và đối mặt với nguy cơ của bệnh viêm khớp. Vậy đâu là sự thật đằng sau thói quen hàng ngày mà chúng ta chẳng mấy khi để ý này?
Chúng mình có thói quen bẻ khớp từ ngón tay, ngón chân cho tới cổ, hông, lưng, đầu gối… “Rắc rắc”, “khục khục” hay “tạch tạch” là âm thanh mà chúng ta thường xuyên nghe thấy sau mỗi lần thực hiện việc bẻ khớp ngón. Về cơ bản, nguyên nhân của âm thanh này đến nay vẫn chỉ dừng lại ở các giả thuyết khoa học chứ chưa có một kết luận chính xác nào cả. Nhưng trong số những giả thuyết được đưa ra, giả thuyết liên quan đến lỗ trống giữa hai khớp xương có vẻ là hợp lý và được ủng hộ nhiều hơn cả.
Có thể hiểu đơn giản như sau: điểm nối giữa hai khớp xương bao gồm dây chằng, các mô nang liên kết và bao phủ chúng chính là một lượng dịch khớp dày. Khi bạn tiến hành bẻ khớp, các mô liên kết trong ngón tay, chân tăng khối lượng, làm giảm áp lực trong khớp, dịch khớp dần biến thành những bong bóng trong lỗ trống và tới khi áp lực thấp nhất, các bong bóng này sẽ nổ và phát ra âm thanh như trên.
Thông thường, phải sau 25 – 30 phút kể từ khi bẻ các khớp kêu như vậy, bạn mới có thể bẻ lại được lần nữa. Lý do là bởi, các hạt khí bong bóng này cần 1 khoảng thời gian nhất định mới hình thành trở lại như cũ. nguyên do khi mà dịch khớp cần thời gian để bôi trơn trở lại trạng thái cũ. Bên cạnh đó, một số người khác lại chia sẻ, tiếng “rắc”, “khục” phát ra là do dây chằng bị kéo dãn quá nhanh hay do sự chà xát mạnh giữa hai khớp xương gây ra.
Vậy thì bẻ khớp có lợi hay hại? Nhiều người cho rằng, hành động này là nguyên nhân gây ra viêm khớp và thoái hóa… nhưng sự thật thì không phải thế. Một nghiên cứu tiến hành trên những khớp xương ngón tay của 215 người có thói quen này (từ 50 – 89 tuổi) đã cho ra kết quả: không hề có dấu hiệu nào của căn bệnh viêm hay rạn khớp cả.
Như vậy, bạn có thể yên tâm rằng bẻ khớp không gây ra quá nhiều hậu quả nghiêm trọng. Song, các nhà khoa học cũng cảnh báo, những tổn thương là điều không tránh khỏi. Bẻ khớp tay thường xuyên làm tổn thương các mô nang liên kết xung quanh, làm khớp ngón tay bạn to lên trông thấy. Đồng thời, hệ lụy kéo theo là nó sẽ làm giảm sức cầm nắm của bản thân người bẻ khớp.
Tuy nhiên, việc bẻ khớp ngón tay cũng có một số lợi ích nhất định. Cụ thể, hành động này sẽ làm tăng tính linh động của các khớp ngón tay. Nói cách khác, nó tác động trực tiếp vào một bó gân gần khớp tên là Golgi – chứa những dây thần kinh liên quan đến cảm giác chuyển động. Khi bẻ khớp, gân này được kích thích làm thư giãn cơ bắp xung quanh, khiến chúng ta có cảm giác “lỏng” và dễ chịu, tiếp thêm sinh lực làm việc. Vì thế, chúng mình hoàn toàn có thể bẻ các khớp ngón tay khi tê, mỏi.
Lời khuyên của các nhà chuyên môn đưa ra là mỗi khi mỏi, chỉ cần cử động khớp qua lại nhẹ nhàng đến góc độ tối đa của khớp mà vẫn chưa gây đau, chưa tạo ra tiếng lạo xạo là được. Động tác đơn giản này sẽ góp phần tăng lưu lượng máu đến mô, tạo sự dễ chịu mà vẫn tránh được hiện tượng dính khớp, tránh được vi chấn thương. Nếu teens cứ cố tình thực hiện mạnh để nghe tiếng “rắc rắc” thì chẳng mấy chốc mà những ngón tay đẹp xinh sẽ bị thay thế bởi những ngón hình khúc tre với từng đốt thô kệch và xấu xí đâu!