Một người dùng tại Hà Nội đặt mua chiếc ổ cứng WD dung lượng 1 TB tại Trung Quốc. Thiết bị cắm vào máy tính hoạt động được, nhưng định dạng lại bị lỗi và mở ra là chiếc USB gắn trong.
Hộp đựng ổ cứng giả xuất xứ từ Trung Quốc. Ảnh: Voz. |
Trao đổi với VnExpress.net, anh này cho biết, nghe bạn bè nói về đợt giảm giá linh kiện máy tính trên website Taobao của Trung Quốc nên quyết định tìm mua. Chiếc ổ cứng gắn ngoài WD dung lượng 1 TB có giá 230 nhân dân tệ, khoảng hơn 800.000 đồng (Các loại ổ WD chính hãng có dung lượng tương tự được bán ở Việt Nam với giá từ 2,8 đến 3,1 triệu đồng).
Sau một tuần đặt hàng, thiết bị về Việt Nam. Hộp đựng ổ cứng trông khá chuyên nghiệp với thông tin chi tiết về sản phẩm, sách hướng dẫn và dây USB đi kèm. Anh cắm ổ cứng vào máy tính, thông tin hiển thị dung lượng 1 TB.
Khi sử dụng, copy các file nhạc, tốc độ từ máy tính đến chiếc ổ cứng này rất chậm. Thử nghiệm với các định dạng khác tốc độ cũng tương tự. Sau khi tìm hiểu, anh thấy ổ cứng đang để định FAT32 nên quyết định format để chuyển sang NTFS. Tuy nhiên, sau khi format, ổ cứng không hiện lên My Computer.
Nghi ngờ sản phẩm “rởm”, anh cầm lên thì không nghe tiếng đĩa quay. Chia sẻ với các thành viên trên diễn đàn Voz dưới nickname vnlaker8x, anh cho biết “các ổ cứng di động khác dù có êm cỡ nào, thì cũng nghe tiếng đĩa, dù rất nhỏ”. Anh nghĩ có thể mua phải ổ SSD.
Cầm chiếc ổ trên tay, ngay tem bảo hành xuất hiện một chiếc lẫy, anh quyết định bật nắp. Ngay bên trong, không hề xuất hiện ổ cứng, thay vào đó là hai đinh khoan tường gắn bu lông dán keo tạo độ nặng và một cái USB Trung Quốc.
Bên trong chiếc ổ cứng giả là USB và hai chiếc đinh tạo độ nặng. Ảnh: Voz. |
Bài viết của anh trên diễn đàn Voz đã nhận được hàng trăm chia sẻ khác nhau. Phần lớn các thành viên đều bất ngờ với dạng ổ cứng giả trên. Nickname papapa cho rằng, chuyện “phù phép” một cái USB thành dung lượng 1 TB là có thể thông qua các bước chỉnh sửa thông số để đánh lừa hệ điều hành. Người này cho biết, đã từng đưa USB 4 GB giảm xuống 2 GB rồi lên 8 GB. Tuy nhiên, việc trên chỉ để “nghịch” chứ không phải lừa như sản phẩm này.
Theo anh Ngô Tiến Thành, chủ một cửa hàng bán linh kiện máy tính tại quận 1, TP HCM, đây là lần đầu tiên ổ cứng “rởm” loại này xuất hiện tại Việt Nam. “Trước đây, đã có USB đánh lừa dung lượng hay hàng giả chỉ gắn đầu USB”. Anh Thành cho rằng, để mua ổ cứng di động, người dùng nên chọn các cửa hàng uy tín và có bảo hành chính hãng đầy đủ.
Quốc Khánh
(vnexpress.net)