Ngày 21/12, Mỹ đã áp đặt chế tài lên 14 “đối tượng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và những tác nhân tham nhũng”. Trong sắc luật, Tổng thống Trump nói rằng, vi phạm nhân quyền và tham nhũng “đã đạt đến phạm vi và mức độ nghiêm trọng đe dọa sự ổn định của hệ thống chính trị và kinh tế quốc tế”.
Ngày 21/12, Tổng thống Donald Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm đối phó với nạn vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và tham nhũng trên toàn thế giới.
“Tôi xin tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để đối phó với mối đe dọa đó”, ông Trump nói.
Sắc luật của ông Trump nhắm tới các cá nhân, tổ chức, chính phủ, cho phép đóng băng tài sản của những người nước ngoài vi phạm nhân quyền nghiêm trọng hoặc tham nhũng và cũng nhắm mục tiêu đến người nước ngoài và Kiều bào Mỹ giúp đỡ, đỡ đầu hoặc tài trợ tiền bạc, vật chất cho tội phạm nước ngoài.
Sắc lệnh này giúp Hoa Kỳ trừng trị mạng lưới tội phạm quốc tế dính líu tới vi phạm nhân quyền, chẳng hạn như buôn bán trẻ em và các vụ việc vi phạm nhân quyền trong các chế độ như ở Trung Quốc hoặc Triều Tiên.
“Vi phạm nhân quyền và tham nhũng làm suy yếu các giá trị đạo đức để duy trì xã hội ổn định, an toàn và có thể hoạt động bình thường, làm cuộc sống con người bế tắc, suy yếu các thể chế dân chủ và luật pháp, tiếp diễn các xung đột bạo lực, tạo điều kiện cho kẻ ác làm bừa, và phá hoại thị trường kinh tế”, ông Trump viết trong sắc lệnh.
Ngoài 14 cá nhân lạm dụng nhân quyền hoặc tham nhũng nghiêm trọng được đề cập trong sắc lệnh của Tổng thống Trump, Bộ Tài chính cho biết đã xác định được 39 cá nhân và tổ chức theo một lệnh mới khác.
Một trong số những người bị nhắm đến là Gao Yan, Trưởng Công an quận Chaoyang, Bắc Kinh. Trong nhiệm kỳ của Gao, vào tháng 3/2014, nhà hoạt động nhân quyền Cao Shunli đã chết trong trại giam của Công an quận Chaoyang.
Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố: “Bà Cao bị hôn mê và chết vì suy tạng, cơ thể của bà có dấu hiệu hốc hác và không được chăm sóc”.
Trung Quốc là quốc gia vi phạm nhân quyền đặc biệt nghiêm trọng. Cuộc bức hại các học viên môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công của ĐCSTQ diễn ra từ năm 1999 đến nay vẫn chưa kết thúc.
Vào tháng 6/2016, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua nghị quyết bày tỏ chính phủ Mỹ quan tâm đến “những báo cáo liên tục và đáng tin cậy về việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng có hệ thống từ các tù nhân lương tâm do nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hậu thuẫn, bao gồm một số lượng lớn các học viên Pháp Luân Công và thành viên các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số khác”.
Các quan chức tham gia vào những vụ việc vi phạm nhân quyền này giờ đây đang bị Mỹ nhắm đến.
Trong đó cũng bao gồm Mukhtar Hamid Shah, một bác sĩ phẫu thuật người Pakistan chuyên về cấy ghép thận, liên quan đến bắt cóc, thủ tiêu và buôn bán nội tạng người.
Danh sách đầy đủ các cá nhân được đề cập đến trong sắc lệnh của Tổng thống Trump bao gồm:
1. Yahya Jammeh – Gambia
Yahya Jammeh là cựu Tổng thống Gambia, nắm quyền từ 1994 – 2017. Jammeh tạo ra đội khủng bố và ám sát được gọi là Junglers. Jammeh đã sử dụng Junglers để đe doạ, khủng bố, thẩm vấn, và giết hại các cá nhân có khả năng đe dọa quyền lực của ông. Trong nhiệm kỳ của mình, ông đã ra lệnh cho Junglers giết một nhà lãnh đạo tôn giáo địa phương, các nhà báo, thành viên của phe đối lập chính trị, và cựu thành viên chính phủ và những người khác. Jammeh đã sử dụng Cơ quan Tình báo Quốc gia Gambia làm công cụ đàn áp – hành hạ các đối thủ chính trị và các nhà báo.
Khi làm lãnh đạo quốc gia, Jammeh chủ mưu những kế hoạch chiếm đoạt tài sản nhà nước Gambia hoặc rút ngân quỹ quốc gia vì lợi ích cá nhân. Theo Bộ Tư pháp của Gambia, tự Jammeh, hoặc thông qua các thân tín, đã chỉ đạo rút phi pháp 50 triệu USD từ ngân sách nhà nước. Chính phủ Gambia đã đóng băng tài sản của Jammeh tại Gambia.
2. Roberto Jose Rivas Reyes – Nicaragua
Là chủ tịch của Hội đồng Bầu cử Tối cao Nicaragua, Roberto Jose Rivas Reyes đã tích lũy một số lượng lớn của cải, bao gồm nhiều tài sản, máy bay tư nhân, xe cộ và du thuyền xa xỉ. Ông đã “đứng trên pháp luật”, các điều tra về tham nhũng của Rivas đã bị các quan chức chính phủ Nicaraguan chặn đứng. Ông cũng đã phạm tội bầu cử gian lận làm sụp đổ tổ chức bầu cử Nicaragua.
3. Dan Gertler – Israel
Dan Gertler là một doanh nhân và tỷ phú quốc tế, đã tích lũy tài sản của mình thông qua các hợp đồng khai thác dầu mỏ mờ ám và tham nhũng hàng trăm triệu USD ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Gertler đã sử dụng tình hữu nghị thân thiết của mình với Chủ tịch Congo Joseph Kabila để làm môi giới bán tài sản khai thác mỏ ở Congo và đòi hỏi một số công ty đa quốc gia phải thông qua Gerler để được làm ăn với Congo. Do đó, từ năm 2010 – 2012, Congo đã thất thoát hơn 1,36 tỷ USD doanh thu do đánh giá thấp tài sản khai thác mỏ bán cho các công ty nước ngoài do Gertler làm trung gian.
4. Slobodan Tesic – bán đảo Balkans
Slobodan Tesic là một trong những nhà buôn vũ khí và đạn dược lớn nhất Balkans. Ông này nằm trong Danh sách Cấm du hành của Liên Hợp Quốc gần 1 thập kỷ vì đã xuất khẩu vũ khí cho Liberia. Tesic hối lộ và hỗ trợ tài chính cho các quan chức để có thể buôn bán vũ khí với các nước. Để ký được hợp đồng bán vũ khí, Tesic bao các khách hàng tiềm năng đi du lịch xa xỉ, trả học phí cho con cái họ ở các trường phổ thông, đại học phương Tây, và hối lộ các khoản tiền lớn.
5. Maung Maung Soe – Myanmar
Maung Maung Soe đã cầm đầu quân đội Myanmar trong cuộc đàn áp tàn bạo năm 2017 nhắm vào người thiểu số Hồi giáo Rohingya. Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ xác định, ngày 22/11 đã có sự thanh lọc sắc tộc ở bang Rakhine. Quân đội do Maung Maung Soe cầm đầu giết người, đốt nhà, hiếp dâm, bắt người trái phép, dẫn đến hàng trăm ngàn người tị nạn Rohingya chạy trốn qua biên giới Bangladesh.
6. Benjamin Bol Mel – Nam Sudan
Benjamin Bol Mel (Bol Mel) là Chủ tịch của Công ty TNHH Xây dựng ABMC, và từng làm Chủ tịch Phòng Thương mại, Công nghiệp và Nông nghiệp Nam Sudan. Bol Mel cũng từng là cố vấn tài chính chính của Tổng thống Nam Sudan – Salva Kiir và là thư ký riêng của Kiir.
Bol Mel đã liên kết với một số quan chức để ABMC được biệt đãi. ABMC đã nhận được hợp đồng của chính phủ trị giá hàng chục triệu USD làm đường bộ ở Juba và Nam Sudan mà không cần phải đấu thầu cạnh tranh.
7. Mukhtar Hamid ShahShah – Pakistan
Mukhtar Hamid ShahShah là một bác sĩ phẫu thuật người Pakistan chuyên về cấy ghép thận. Ông đã bắt cóc, giam cầm người trái phép, cướp và buôn bán nội tạng của các lao động Pakistan. Shah đã bị chính quyền Pakistan bắt giữ liên quan đến một sự cố vào tháng 10/2016 trong đó có 24 người bị buộc tội. Những người nhà quê mù chữ bị dụ dỗ đến thành phố Rawalpindi để tìm việc và bị giam giữ. Các bác sĩ ở trung tâm thận của ông Shah đã ăn cắp thận của họ để bán với lợi nhuận cao. Ước tính rằng có hơn 400 người đã giam giữ ở Trung tâm này.
8. Gulnara Karimova – Uzbekistan
Gulnara Karimova là con gái của cựu lãnh đạo Uzbekistan – Islam Karimov, đứng đầu một tổ chức tội phạm có tổ chức liên kết với các nhà hoạt động trong chính quyền để trục lợi doanh nghiệp, độc quyền thị trường và hối lộ. Karimova trực tiếp hỗ trợ một nhóm tội phạm có tổ chức hơn 1,3 tỷ USD. Karimova cũng bị buộc tội tham ô công quỹ, trộm cắp, trốn thuế, che giấu tài liệu và rửa tiền.
9. Angel Rondon RijoAngel Rondon Rijo – Dominican
Rondon là doanh nhân và nhà vận động hành lang ở Cộng hòa Dominican. Năm 2017, Rondon bị chính quyền Dominican bắt giữ và buộc tội tham nhũng vì nhận hối lộ của Odebrecht, một công ty xây dựng của Braxin nhận thầu xây dựng đường cao tốc, đập nước và các dự án khác cho Dominican.
10. Artem ChaykaArtem Chayka – Nga
Artem ChaykaArtem Chayka, con của Tổng Chưởng lý Liên bang Nga, đã sử dụng ảnh hưởng của cha và thân tín trong chính quyền để giành được bất động sản và hợp đồng của nhà nước một cách không công bằng, gây sức ép với các đối thủ cạnh tranh. Năm 2014, Chayka đã ép các đối thủ cạnh tranh dự án xây dựng đường cao tốc từ bỏ dự án bằng các thủ đoạn hèn hạ, để công ty của Chayka có thể độc quyền thực hiện dự án này. Khi có người kiện Chayka gian lận trong việc đấu thầu một công ty đá sỏi của nhà nước, các công tố viên bị Chayka mua chuộc đã làm khó dễ người đó và xóa tất cả các cáo buộc khi người đó rút đơn kiện.
11. Gao Yan – Trung Quốc
Gao Yan là Trưởng Công an quận Chaoyang, Bắc Kinh. Tháng 3/2014, Gao đã bắt nhà hoạt động nhân quyền Cao Shunli. Bà Cao đã hôn mê và chết vì nội tạng suy nhược, cơ thể bà có dấu hiệu bị ngược đãi. Bà Cao đã bị bắt khi chuẩn bị lên máy bay để tham dự huấn luyện về nhân quyền tại Geneva, Thụy Sĩ. Bà không được gặp luật sư và không được điều trị y tế khi bị bệnh lao.
12. Sergey Kusiuk – Ucraina
Sergey Kusiuk là chỉ huy của đơn vị cảnh sát tinh nhuệ Berkut của Ucraina. Kusiuk đã lãnh đạo cuộc tấn công người biểu tình ôn hoà vào ngày 30/11/2013. Ông đã chỉ huy 290 sĩ quan Berkut, nhiều người trong số họ tham gia đánh đập các nhà hoạt động xã hội. Ông còn tham gia vào vụ giết hại các nhà hoạt động xã hội tại Quảng trường Độc Lập của Kiev vào tháng 2/2014. Kusiuk ra lệnh huỷ bỏ tài liệu liên quan đến các sự kiện này và đã trốn khỏi Ukraine và hiện đang ẩn náu tại Moscow, Nga.
13. Julio Antonio Juarez Ramirez – Guatemala
Julio Antonio Juarez Ramirez là một Nghị sĩ Guatemala, đã ra lệnh tấn công làm 2 nhà báo thiệt mạng và 1 người bị thương. Juarez đã thuê người giết phóng viên Danilo Efrain Zapan Lopez của hãng Prensa Libre vì họ đưa tin làm ảnh hưởng đến kế hoạch tái tranh cử của ông. Nhà báo Federico Benjamin Salazar của hãng Radio Nuevo Mundo cũng bị giết trong vụ này.
14. Yankuba Badjie – Gambia
Yankuba Badjie, Tổng giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Gambia từ tháng 12/2013, bị cáo buộc lạm dụng quyền lực. Trong nhiệm kỳ của Badjie, các vụ lạm dụng xảy ra phổ biến và thường xuyên ở cơ quan này, bao gồm áp dụng nhục hình và các hành vi ngược đãi khác. Tháng 4/2016, Badjie giám sát việc giam giữ và giết chết Solo Sandeng, một thành viên của phe đối lập chính trị. Trước khi trở thành lãnh đạo cấp cao của Cơ quan Tình báo Quốc gia Gambia, Badjie đã cầm đầu một nhóm bán quân sự đến trụ sở Cơ quan Tình báo Quốc gia để đánh một tù nhân trong 3 giờ đồng hồ, khiến anh ta bất tỉnh và bị thương. Ngày hôm sau, Badjie và nhóm này đã quay lại đánh tù nhân đó một lần nữa, khiến anh ta sống dở chết dở.
Bạch Vân (t/h)