Hối thúc việc phục hồi danh dự cho Pháp Luân Công và những nhà hoạt động dân chủ năm 1989.
Ông Ôn Gia Bảo đang kêu gọi cải cách, bao gồm việc phục hồi danh dự cho Pháp Luân Công và những nhà hoạt động dân chủ năm 1989.
(Lintao Zhang/Getty Images)
Phân tích Tin tức
Thủ tướng Ôn Gia Bảo thường được gọi là “diễn viên xuất sắc nhất Trung Quốc” vì những kịch bản kêu gọi cải cách chính trị vĩ đại nhưng không đem lại thay đổi nào của mình. Tuy nhiên, khi vụ bê bối Vương Lập Quân – Bạc Hy Lai diễn ra hơn hai tháng qua, những lời của ông Ôn đột nhiên lại có một ý nghĩa mới, đặt ông vào trung tâm của vũ đài.
Trên thực tế, với tư cách thủ tướng, ông Ôn không có quyền đối với hệ thống chính trị; lĩnh vực của ông Ôn là nền kinh tế và bộ máy hành chính nhà nước. Cách duy nhất của ông Ôn để thúc đẩy sự nghiệp cải cách chính trị là kêu gọi.
Sau khi cựu cảnh sát trưởng Trùng Khánh Vương Lập Quân chạy trốn đến Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô hôm 6 tháng 2 xin tị nạn, một cuộc đấu đá chính trị dài hơi ở cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bị lộ ra ngoài.
Phóng viên chuyên về an ninh quốc gia Mỹ Bill Gertz đưa tin rằng theo các quan chức Hoa Kỳ, Vương Lập Quân đã đưa cho Lãnh sự quán các tài liệu cung cấp thông tin về việc tham nhũng và những mối quan hệ với tội phạm có tổ chức của sếp mình – Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai.
Theo ông Gertz, một quan chức Mỹ cũng nói rằng ông Vương đã cung cấp thông tin về một âm mưu cả ông Bạc và ông trùm an ninh nội địa của chính quyền Trung Quốc, Chu Vĩnh Khang, nhằm phá vỡ việc kế nhiệm quyền lực của người được cho là lãnh đạo tiếp theo của ĐCSTQ, Tập Cận Bình. Nói cách khác, ông Bạc và ông Chu đã lập kế hoạch cho một cuộc đảo chính.
Sau khi ông Vương bị bắt giam bởi các quan chức cao nhất của Đảng hôm 7 tháng 2 và bị đưa đến Bắc Kinh để điều tra, các nhà quan sát đã chờ đợi bước tiếp theo – xử lý Bạc Hy Lai.
Ông Ôn Gia Bảo công bố bước đó hôm 14 tháng 3, vào lúc kết thúc cuộc họp báo của mình nhân bế mạc kỳ họp Quốc hội.
’Thành ủy và chính quyền thành phố Trùng Khánh đương nhiệm phải suy nghĩ nghiêm túc và rút ra bài học từ sự kiện Vương Lập Quân,” ông Ôn nói. Các nhà quan sát ĐCSTQ lưu ý đến tính nghiêm trọng của một lời phê phán công khai như vậy từ một quan chức của Đảng.
Ngày hôm sau, báo chí của nhà nước công bố rằng ông Bạc đã bị cách chức Bí thư Thành ủy Trùng Khánh. Lúc đó có tin đồn rằng ông này đã bị quản thúc tại gia ở Bắc Kinh. Gần đây nhất, Tân hoa xã công bố rằng ông Bạc đã bị cách chức khỏi tất cả các vị trí trong Đảng và đang bị điều tra.
Ông Bạc là một thành viên chủ chốt trong phe cánh của cựu Tổng bí thư Giang Trạch Dân. Phe này luôn phản đối Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo kể từ khi hai ông này nhậm chức năm 2003.
Phe ông Giang luôn tranh đấu với hai ông Hồ và Ôn về việc ai sẽ nắm quyền, và quyền lực đó sẽ được dùng như thế nào để nhào nặn Trung Quốc.
Tương lai của Trung Quốc
Ông Ôn nói đến cuộc đấu tranh về vấn đề tương lai của Trung Quốc như thế nào trong cuộc họp báo ngày 14 tháng 3 của mình, khi ông cảnh báo, “Một bi kịch lịch sử như Cách mạng Văn hóa có thể xảy ra một lần nữa.”
Câu nói này được nhắm thẳng vào ông Bạc, người đã thành danh ở Trùng Khánh nhờ chiến dịch hát các bài hát Mao-ít. Chiến dịch này cho thấy ông Bạc muốn dẫn dắt ĐCSTQ theo hướng Mao-ít.
Nhưng câu này không chỉ nhằm vào ông Bạc. Nó cũng nhắm vào những người trong phe của ông Giang và trong toàn bộ Đảng từ chối đi theo hướng cải cách chính trị.
Trong phát biểu của mình, ông Ôn miêu tả Trung Quốc hoặc là tiến lên theo đường lối cải cách, hoặc là trượt xuống quay trở lại nền chính trị kiểu Cách mạng Văn hóa. “Việc cải cách đã đến một giai đoạn then chốt,” ông Ôn nói. “Nếu không thành công trong việc cải cách chính trị, thì các cải cách kinh tế không thể thực hiện được. … Mỗi cán bộ Đảng viên phải cảm nhận được tính cấp bách.”
Có lẽ đối thủ lớn nhất trong nội bộ ĐCSTQ đối với việc cải cách chính trị là Chu Vĩnh Khang, người phụ trách Ban Chính trị Luật pháp (BCTLP) đầy quyền lực, có quyền đối với gần như tất cả các thành tố của việc thực thi pháp luật ở Trung Quốc. Trong cuộc chiến liên quan đến Bạc Hy Lai, ông Chu luôn là đối thủ thực sự của ông Ôn.
Hôm 26 tháng 3, tại cuộc họp thường niên của Hội đồng Nhà nước về chống tham nhũng, ông Ôn nói rằng mối nguy hiểm lớn nhất mà ĐCSTQ đang phải đối mặt là tham nhũng, và ông lại liên hệ nó với sự cần thiết phải cải cách chính trị. “Nếu vấn đề này không được giải quyết, thì bản chất của quyền lực chính trị có thể thay đổi, và Đảng có thể mất quyền lãnh đạo đất nước.”
Một nguồn tin ở Bắc Kinh biết về bối cảnh của những lời phát biểu của ông Ôn nói với The Epoch Times rằng ông Ôn đang nhắm vào ông Chu, bởi vì ông Ôn luôn luôn cho rằng BCTLP là nơi tham nhũng lớn nhất ở Trung Quốc.
Sau bài phát biểu của ông Ôn hôm 26 tháng 3, các động thái đã được thực thi nhằm hạn chế quyền lực của ông Chu tại BCTLP.
Giải oan cho Pháp Luân Công và Lục tứ (biểu tình đòi dân chủ trên quảng trường Thiên An Môn ngày 4 tháng 6 năm 1989)
Các nguồn tin ở Bắc Kinh biết rõ về các hành động của ông Ôn trong Đảng nói rằng trong vài năm qua ông Ôn đã nhiều lần hối thúc việc giải oan cho những người bất đồng chính kiến trên Quảng trường Thiên An Môn và các học viên Pháp Luân Công – có nghĩa là họ không nên bị coi là tội phạm nữa, và nên được phục hồi danh dự.
Bình luận viên chính trị của Đài truyền hình Tân Đường Nhân Zhang Tianliang coi việc ông Ôn hối thúc hai việc giải oan này là do ông cảm thấy đó là việc đúng cần làm và cũng là một cách để thúc đẩy việc cải cách chính trị của mình.
“Việc giải oan cho Pháp Luân Công là khẳng định quyền tự do lương tâm và sự độc lập của nhánh tư pháp – đây là các mục tiêu của ông Ôn trong việc cải cách chính trị,” ông Zhang nói. “Phong trào sinh vên trên quảng trường Thiên An Môn là về nền dân chủ thực sự, và cũng là mục tiêu của ông Ôn.”
“Việc giải oan cho những nạn nhân của vụ thảm sát trên quảng trường Thiên An Môn có nghĩa là chính quyền thừa nhận rằng họ không có quyền sử dụng quân đội và giết chóc để ngăn chặn yêu cầu dân chủ của nhân dân,” ông Zhang nói.
Việc từ bỏ đe dọa dùng vũ lực sẽ làm lệch thế cân bằng ở Trung Quốc theo hướng cải cách thực sự, theo ông Zhang.
“Nếu Đảng từ bỏ ’mô hình Lục tứ’, nó sẽ khiến nhiều người hơn nữa xuống đường đấu tranh vì các quyền và quyền lợi của họ. Nó sẽ giống như là phiên bản Trung Quốc của cuộc cách mạng Hoa nhài.”
Giang Trạch Dân – người được cho là đang phải sống thực vật – Chu Vĩnh Khang, và Bạc Hy Lai liên kết với nhau thành đối thủ quyền lực của ông Ôn trong ĐCSTQ. Họ cũng liên kết với nhau trong tội ác thực hiện cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Ông Zhang giải thích rằng các học viên Pháp Luân Công không đòi hỏi cải cách chính trị, mà đòi hỏi sự bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng của mình. Họ cũng muốn những nguời chịu trách nhiệm trong cuộc đàn áp – bao gồm Giang Trạch Dân, Bạc Hy Lai, và Chu Vĩnh Khang – phải bị đưa ra công lý.
“Việc giải oan cho Pháp Luân Công có thể giúp ông Ôn đắc được lòng dân. Có 100 triệu học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc, cộng với gia đình của họ,” ông Zhang nói. “Đồng thời, ông Ôn có thể buộc tội ông Chu là diệt chủng hoặc phạm tội ác chống lại loài người.”
Việc giải oan cho Pháp Luân Công vì thế sẽ đem lại cho ông Ôn một con át chủ bài trong cuộc đấu tranh với ông Chu.
Theo một nguồn tin ở Bắc Kinh, ông Ôn đặc biệt tức giận về tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng của các học viên Pháp Luân Công còn đang sống. Ông Ôn gần đây nói trong một cuộc họp cao cấp của Đảng rằng, “Thu hoạch nội tạng của những người còn đang sống không gây mê, và đem bán lấy tiền, đây là việc mà con người có thể làm hay sao?”
Về vấn đề này, ông Ôn đã trách ông Hồ Cẩm Đào, theo một nguồn tin, nói với ông Hồ rằng nếu không cải cách thì, “tất cả chúng ta cuối cùng sẽ phải đối mặt với việc bị điều tra.”
(Nghiên cứu của Jane Lin và Angela Wang, TheEpochTime)