Tinh Hoa

Doanh nhân Việt kiều nghĩ về ‘thị trấn nhỏ nhất Mỹ’

Doanh nhân Việt mua thị trấn Buford nhỏ nhất nước Mỹ. Ảnh: Wikipedia

Cửa hàng kinh doanh của tôi là loại mà bên Mỹ người ra thường gọi nôm na là “Family Business” (kinh doanh gia đình), để chỉ đến những cơ sở kinh doanh nhỏ, chỉ vài người làm việc.

Mà thật ra cũng đúng thôi, vì với loại hình kinh doanh này, đa số chủ nhân phải là người làm việc chính, sau đó có vài người trong gia đình phụ việc thêm hoặc là mướn vài người bên ngoài giúp đỡ. Những loại hình tôi đã từng kinh doanh cũng na ná giống anh Nguyên mua lại của người chủ cũ như là: Liquor store (cửa hàng rượu), Convenience store (tạp hóa).

Đọc bài viết của anh Charles Tran (xin gọi như vậy vì có lẽ tôi cũng không nhỏ tuổi hơn bao nhiêu), tôi có một số ý kiến sau đây. Dĩ nhiên cũng không ngoài mục đích tham khảo, học hỏi lẫn nhau. Đồng thời nếu được, cũng phần nào góp ý cùng anh Nguyên, những mong anh sẽ thành công trong những việc sắp tới cho cửa hàng của mình, mà theo tôi là không ít gian truân trước mặt đang chờ đón anh.

Tôi không đồng ý với anh Charles Tran một số điểm mà anh nêu trong bài viết, cụ thể là những điểm sau đây:

1. Anh Charles nói rằng nếu anh Nguyên có sai lầm trong việc mua, bán đấu giá này, thì cùng lắm là anh ấy chỉ mất đi con số 150.000 US là thật sự không chính xác.

a. Đặt trường hơp anh Nguyên sau khi đã cố gắng 2-3 năm và cảm thấy không thể điều hành cơ sở này nữa và muốn bán lại, và cho rằng anh ấy có thể bán được với giá 750.000 USD đi chăng nữa thì chúng ta không thể tính rằng anh ấy chỉ lỗ 150.000 US mà thôi.

Ngược lại chúng ta cũng phải tính công sức anh ta đã bỏ ra trong suốt khoảng thời gian đó mà không làm được việc gì khác để sinh lợi. Điều này nếu tính ra con số sẽ hoàn toàn không nhỏ. Còn nếu tính sát sao hơn nữa, thì càng lỗ to, bởi vì khi người chủ đứng kinh doanh ở một cửa hàng nào đó cho mình (những cửa hàng kinh doanh nhỏ), đa số là phải làm việc 7 ngày/tuần, 16h/ngày. Công sức của con người ở Mỹ giá trị rất lớn.

b. Nếu trong suốt quãng thời gian anh Nguyên điều hành shop đó mà không đem lại lợi nhuận tương đương với người chủ cũ (150.000USD/năm), thì chắc chắn giá trị tài sản của bất động sản mà anh mua sẽ không còn giá trị như ban đầu. Mà nó cũng sẽ xuống theo, chứ không đơn thuần là chỉ lỗ 150.000 USD mà thôi. Điều này tôi thấy rất có khả năng xảy đến cho anh Nguyên, sẽ phân tích ở phần dưới.

2. Thông thường một cơ sở kinh doanh nhỏ sau khi thay đổi chủ, thì người chủ sau rất khó để giữ được mức thu nhập bằng với chủ trước. Bởi vì họ sẽ mất một số khách hàng quen thuộc đã quen với chủ cũ. Vì thế khi ta muốn mua cơ sở nào, thì phải tính lùi lại một chút về thu nhập, chứ không thể dựa theo con số của người chủ trước được.

3. Theo cách tính của anh Charles rằng: Nếu lấy lợi nhuận trong ba năm bằng nhau 150.000 USD để nói rằng giá cả của thị trấn Buford mà anh Nguyên mua là không đắt thì thật ra chưa thuyết phục lắm. Nó chỉ được áp dụng với cơ sở thương mại nào có tầm vóc quy mô hơn nhiều, khoảng chục triệu USD chẳng hạn, thì ta mới có thể nhân lên 10 như anh nói để ra giá trị thật sự của cơ sở đó. Thay vào đó, những cơ sở kinh doanh nào càng nhỏ, thì thời gian để tính theo cách này sẽ càng rút ngắn hơn nhiều.

Chúng ta không thể cứ nhắm mắt và nhẩm tính kiểu này được. Tôi lấy một ví dụ rất đơn giản sau đây: Một Convenience shop (cửa hàng tiện lợi), loại hình kinh doanh tương tự với cái mà anh Nguyên vừa mua ở Mỹ, nếu anh muốn mua lại của người chủ trước mà thu cần phải lấy lại vốn trong khoảng tối đa 5 năm là anh (có cái ít hơn), trên thị trường có rất nhiều. Nếu cơ sở nào đòi giá cao hơn, thì khó lòng có thể bán được.

Nói tóm lại, nếu anh Nguyên cũng bỏ ra con số 900.000 USD để mua một cửa hàng bán đồ gia dụng hoặc tiệm rượu (Liquor store), thì tối đa chúng ta chỉ chấp nhận sau 5 năm anh sẽ phải lấy lại vốn, bằng không thì là mình đã mua giá đắt hơn thị trường.

Cũng cần phải nói thêm điều này. Đó là tôi đang đưa ra con số ở trên là dựa vào nơi khu thị tứ, tức là xác suất thất bại thấp hơn nhiều so với nơi anh Nguyên mua, đồng thời khi điều hành những cửa hàng này có điểm lợi là không cần kinh nghiệm nhiều như shop của anh Nguyên vừa mua (sẽ phân tích sau).

4. Nếu cửa hàng của ta ở nơi thị tứ đông đúc dân cư thì việc mướn nhân viên để phụ việc cho ta sẽ dễ dàng hơn là nơi ít người sinh sống. Đây cũng là một việc làm nan giải nếu như ta mong mỏi sẽ phát triển hơn người chủ cũ. Chính vì thế cơ may để phát triển sẽ khó khăn hơn.

5. Bây giờ để phân tích lý do vì sao tôi nói anh Nguyên sẽ khó khăn trong việc điều hành cơ sở mới này: Nếu ta đọc kỹ về một vài bài báo đã đưa tin thì sẽ nhận ra rằng, người chủ củ sở dĩ có được lợi nhuận 150.000 USD/năm là dựa vào một số sản phẩm không ít từ chính tay ông ta làm ra (trưng bày trong cửa hàng của ông).

Thế thì đối với chủ nhân mới chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn trong vấn đề này. Bởi vì chưa hiểu được thị hiếu của những sản phẩm nào để phục vụ những khách quen thuộc cho khách hàng từ trước giờ. Thêm nữa, anh Nguyên lại là người “lạ nước lạ cái” ở xứ Mỹ, thì công việc tìm hiểu thị hiếu của người bản xứ không hề đơn giản, dễ dàng chút nào.

Tôi không nói là không được, nhưng dù gì đi nữa thì phải cần một thời gian nhất định nào đó, chứ không thể một sớm một chiều được. Điều này sẽ rất quan trọng, vì có khi đến chừng ta đã nghiệm ra được nó, thì có còn sức khỏe, vốn liếng để trụ đến ngày này hay không? Đó là điều cần nghiên cứu.

Một lần nữa, xin khẳng định rằng tôi viết bài này không nhằm mục đích đả kích gì cả. Mà đơn thuần là chỉ muốn góp lên tiếng nói, suy nghĩ của mình, để có thể phần nào anh Nguyên có thêm ý kiến tham khảo trước khi bắt tay vào công việc mới.

Tôi cũng xin chúc anh được nhiều may mắn và thành đạt. Trân trọng.

Loyd Tran

(vnexpress.net)