Tinh Hoa

‘Có lẽ Triều Tiên không đặt vệ tinh lên tên lửa’

Một hướng dẫn viên Triều Tiên (bên phải) nói chuyện với một nhà báo nước ngoài gần một bức ảnh về vụ phóng vệ tinh nhân tạo vào năm 2009 trong một phòng trưng bày tại Bình Nhưỡng vào ngày 10/4/2012. Ảnh: AP.

Giới chức Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tin rằng vụ phóng vệ tinh vào sáng sớm nay của Triều Tiên thất bại và tên lửa đã rơi xuống biển Hoàng Hải. Triều Tiên cũng thừa nhận vệ tinh đã không vào được quỹ đạo.

Do các vụ phóng vệ tinh nhân tạo có thể cung cấp dữ liệu cho việc phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nên Mỹ và các nước đồng minh chỉ trích vụ phóng vệ tinh hôm nay của Triều Tiên. Giới chức Mỹ và các nước đồng minh lo ngại vụ phóng là tấm bình phong che đậy một vụ thử tên lửa.

Một giả thuyết cho rằng Triều Tiên thực sự muốn phóng vệ tinh nhân tạo lên quỹ đạo, song trình độ công nghệ của họ chưa đủ lớn để có thể thực hiện ước mơ đó. MSNBC dẫn lời một số chuyên gia cho rằng, thứ được đặt lên mũi tên lửa trong vụ phóng vừa rồi không phải là một vệ tinh nhân tạo thực sự. Nó có thể là một khoang có vỏ chịu nhiệt.

“Tôi không tin Triều Tiên thực sự đặt vệ tinh nhân tạo lên bệ phóng lần này”, Kong Chang-duk, giáo sư của Đại học Chosun và từng tham gia vào chương trình phát triển tên lửa của Hàn Quốc, phát biểu.

Để từ lục địa này sang lục địa khác, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa được phóng lên rất cao. Quỹ đạo của nó vượt ra khỏi bầu khí quyển địa cầu và bay vào không gian trước khi trở lại bầu khí quyển. Nếu đầu đạn không được đặt trong khoang chịu nhiệt, nó sẽ nổ tung trong quá trình tên lửa quay trở lại bầu khí quyển bởi hiện tượng ma sát với không khí. Như vậy, Triều Tiên chỉ có thể dùng tên lửa để đưa đầu đạn tới lục địa khác nếu họ chế tạo được khoang chứa chịu nhiệt.

Đây là lần phóng vệ tinh nhân tạo thứ ba của Triều Tiên. Vào tháng 8/1998, một vệ tinh nhỏ có tên Kwangmyongsong-1 (Quang Minh Tinh-1) được phóng lên vũ trụ bằng tên lửa Taepodong-1. Giới quan sát phương Tây tuyên bố vụ phóng thất bại, song giới chức Triều Tiên khẳng định vệ tinh đã bay tới quỹ đạo địa cầu và phát sóng các bài hát ca ngợi chủ tịch Kim Nhật Thành.

Vệ tinh Kwangmyongsong-2 (Quang Minh Tinh -2), cũng được các kỹ sư Triều Tiên thiết kế để phát các bài hát ca ngợi chủ tịch Kim Nhật Thành, được phóng vào tháng 4/2009. Mỹ và các nước đồng minh thông báo tầng thứ ba của tên lửa đẩy không khởi động nên vệ tinh đã rơi xuống Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng tuyên bố vệ tinh của họ đã bay tới quỹ đạo.

Từ trước tới nay các thiết bị theo dõi của nước ngoài chưa bao giờ phát hiện hai vệ tinh mà Triều Tiên đã phóng. Vì thế nhiều chuyên gia tin rằng hai vụ phóng đã thất bại, AP đưa tin.

“Những vụ phóng vào năm 1998 và 2009 không đưa vệ tinh nhân tạo của Triều Tiên tới quỹ đạo. Hệ thống theo dõi của Mỹ sẽ phát hiện vệ tinh một cách dễ dàng nếu nó di chuyển trên quỹ đạo trong vài giờ. Nga cũng sẽ phát hiện vệ tinh của Triều Tiên. Thậm chí ngay cả những nhà thiên văn nghiệp dư cũng có thể quan sát vệ tinh trên quỹ đạo”, Jonathan McDowell, một nhà nghiên cứu của Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian tại Mỹ, nhận định.

Minh Long

(vnexpress.net)