Quả cầu lửa bí ẩn vừa rơi vào ban ngày |
Tuần trước, một quả cầu lửa khổng lồ xuất hiện trên bầu trời bang Texas (Mỹ) vào ban ngày, trước sự chứng kiến của hàng nghìn người. Quả cầu sáng chói trông như một phần của Mặt trời rơi xuống.
Quả cầu lửa sáng chói vừa rơi xuống Texas được cho là một thiên thạch đường kính ít nhất gần 1m đã bốc cháy trên tầng khí quyển.
(Nguồn tham khảo: Danviet)
Hố đen khổng lồ nuốt chửng các vì sao |
Một nghiên cứu mới đây cho thấy, các hố đen khổng lồ trong thiên hà đã nuốt các vì sao để đạt được kích thước cực đại. Nhiều lý thuyết cho rằng, một hố đen đạt kích thước lớn gấp hàng triệu đến hàng tỷ lần khối lượng Mặt trời nhờ việc hút lượng khí gas khổng lồ hay kết hợp với các hố đen khác. Tuy nhiên, theo nghiên cứu được tiến hành gần đây, có thể các hố đen đã phát triển kích thước bằng cách tách đôi hệ thống nhị phân – hệ thống gồm hai ngôi sao, và nuốt một trong số chúng.
Ngôi sao trở thành nguồn nuôi dưỡng hố đen khổng lồ.
Đây được xem như phương pháp chủ đạo khiến các hố đen trở nên siêu lớn. Khi nghiên cứu hố đen, các nhà khoa học dựa vào khám phá năm 2005 về “hypervelocity stars” – các ngôi sao chuyển động với vận tốc cực lớn, đủ để thoát khỏi lực hút của trung tâm thiên hà và đi vào chiều sâu vũ trụ. Các ngôi sao này có nguồn gốc từ hệ thống nhị phân. Hệ thống nhị phân lại nằm rất gần hố đen ở trung tâm thiên hà. Lý thuyết mới cho rằng, một ngôi sao trong hệ thống trên đã bị lực hút thủy triều đẩy ra xa và cuối cùng trở thành miếng mồi hấp dẫn của hố đen.
Các nhà nghiên cứu đã mô hình hóa từng bước trong quá trình này và đưa ra kết luận, các ngôi sao chính là nguồn nuôi dưỡng “quái vật thiên hà”. Có đến một nửa vì sao trong vũ trụ thuộc hệ thống nhị phân. Chúng tồn tại rất nhiều trong dải ngân hà và các thiên hà khác. Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc nuốt những vì sao trong hệ thống nhị phân đã giúp hố đen trong dải ngân hà tăng kích thước lên gấp hai, ba lần.
(Nguồn tham khảo: Livescience)
Hà Nội tìm cách giảm ô nhiễm không khí |
Các chuyên gia về môi trường cho biết các chỉ số ô nhiễm không khí ở Hà Nội ở mức cao, tỷ lệ bụi cao hơn 1-2 lần. Đặc biệt, tại một số nút giao thông, công trình đang xây dựng, tỷ lệ bụi cao gấp 5-6 lần cho phép. Nguyên nhân chính gây tình trạng ô nhiễm bụi hiện nay là do các phương tiện giao thông và công trình xây dựng. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người.
Ô nhiễm không khí ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người.
Trước đó, tại các hội thảo về môi trường, trả lời giới truyền thông, ông Phạm Văn Khánh – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, để giải quyết vấn đề môi trường, thành phố đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp như tăng cường kiểm soát ô nhiễm, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật; phải khắc phục bồi thường khi gây thiệt hại đối với môi trường. Hà Nội cũng áp dụng các chính sách, cơ chế hỗ trợ về vốn, khuyến khích về thuế, trợ giá đối với hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải, tăng cường trồng cây. Tuy nhiên, theo ông Khánh, việc giảm thiểu ô nhiễm không khí do bụi và khí thải giao thông gây ra dù có nhiều biến chuyển nhưng vẫn chưa rõ nét. Nguyên nhân chính của sự chậm trễ nêu trên do một số sở, ngành, quận, huyện chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ môi trường; một số chương trình, dự án thực hiện chậm.
Ông Hoàng Dương Tùng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường cho rằng, trước mắt, Hà Nội cần xây dựng hệ thống quan trắc môi trường dày đặc hơn, ít nhất là 10 trạm quan trắc. Nhiều chuyên gia khác đưa ra các giải pháp để nâng cao chất lượng không khí ở Hà Nội như cần tuyên truyền người dân giảm thiếu đun nấu bằng than, tăng sử dụng năng lượng Mặt trời. Một chuyên gia Pháp cảnh báo, nếu chất lượng không khí ở Hà Nội và các thành phố lớn ở Việt Nam tiếp tục đi xuống, các trường hợp nhiễm bệnh sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020.
(Nguồn tham khảo: Khoahoc)
Việt Nam chế tạo thành công pin nhiệt tên lửa tầm thấp |
Các nhà khoa học thuộc Bộ môn Hóa, Khoa Hóa lý kỹ thuật (Học viện Kỹ thuật quân sự) vừa hoàn thành đề tài nghiên cứu cấp Bộ Quốc phòng: “Hoàn thiện công nghệ chế tạo pin nhiệt cho tên lửa phòng không tầm thấp”.
Quy trình công nghệ chế tạo pin nhiệt gồm: Chế tạo cực dương (tẩm phủ các hoạt chất cực dương lên lưới nhằm bảo đảm đủ thành phần, đúng tỷ lệ, phân bố đồng đều các cấu tử); chế tạo cực âm (nấu can-xi, hàn điểm cực âm can-xi và ma-giê với vành khuyên dẫn điện); chế tạo vỏ pin đơn; chế tạo lá hỏa thuật; chế tạo vỏ và nắp i-nốc; lắp ghép pin đơn và tổng lắp pin nhiệt… Cùng với các sản phẩm pin nhiệt chế thử đạt các chỉ tiêu kỹ thuật đặt ra, qua thử nghiệm bảo đảm chất lượng tốt, đề tài đã hoàn thiện quy trình công nghệ chế tạo pin nhiệt; xây dựng dây chuyền lắp ráp đạt công suất 300 sản phẩm/năm và hoàn thành việc xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm.
Pin nhiệt (còn gọi là pin hoạt hóa nhiệt) sử dụng chất điện ly rắn ở trạng thái lưu trữ, nóng chảy ở trạng thái làm việc. Cũng như các loại nguồn điện hóa học khác, pin nhiệt rất đa dạng về cấu tạo và thành phần hóa học. Pin nhiệt đã được nghiên cứu và đưa vào sản xuất công nghiệp ở nhiều nước từ những năm 1950 nhưng hiện vẫn còn mới đối với nước ta. Ưu điểm của pin nhiệt là có thời gian bảo quản dài, thời gian hoạt hóa nhanh, mật độ năng lượng cũng như cường độ dòng cao nhờ độ dẫn điện tốt của chất điện ly nóng chảy. Pin còn có độ tin cậy cao, thuận tiện trong sử dụng và không cần bảo dưỡng. Hiện nay pin nhiệt luôn là lựa chọn số một trong kỹ thuật quân sự và hàng không vũ trụ. Chúng được sử dụng trong ngòi nổ đạn pháo, ngòi nổ chậm của bom, hệ thống mục tiêu giả, ghế nhảy dù…
Trong kỹ thuật tên lửa, pin nhiệt được dùng cho tên lửa phòng không tầm thấp với nhiệm vụ cung cấp năng lượng cho đầu tự dẫn hồng ngoại để bắt mục tiêu. Công nghệ sản xuất pin nhiệt luôn được các quốc gia giữ bí mật, do đó thành công của đề tài là cơ sở để các cán bộ khoa học nước ta tiếp cận và làm chủ công nghệ chế tạo pin nhiệt phục vụ việc chế tạo pin cho tên lửa phòng không tầm thấp nói riêng và tên lửa nói chung.
(Nguồn tham khảo: Bee)
Bí ẩn về sự sống bên trong người chết |
Tiến sĩ Honglin Zhou và các đồng nghiệp tại Đại học Pennsylvania, Mỹ cho rằng, các trường hợp hồi sinh khi đã qua đời sẽ giúp họ có thêm hy vọng trong nỗ lực tìm ra cách cứu sống những người “chết” khi tim ngừng đập trong khoảng thời gian tương tự, thậm chí lâu hơn thế. Nếu cách đó được tìm ra, nó có thể trở thành bước đột phá trong việc điều trị chứng đau tim và định nghĩa lại ranh giới giữa sự sống và cái chết.
Các nhà nghiên cứu cho biết, những diễn biến quan trọng nằm ở cấp độ tế bào. Mỗi tế bào có một màng bao bọc khá chặt ở bên ngoài để lọc các phân tử không cần thiết cho các chức năng hay sự tồn tại của nó. Khi một tế bào sắp chết, màng bao bọc bắt đầu suy yếu. Tùy thuộc vào từng trạng thái của tế bào chết, một trong ba điều sẽ xảy ra: nó sẽ gửi tín hiệu “hãy tiêu diệt tôi” tới một tế bào làm nhiệm vụ bảo dưỡng để tế bào này “ăn” và tái chế vật chất bên trong nó; nó sẽ tự hủy; nó vỡ tan và phun vật chất ra môi trường xung quanh, gây viêm nhiễm và làm tổn thương mô hơn nữa. Nếu tính toàn vẹn của màng bao ngoài bị phá vỡ, số phận của tế bào sẽ chấm dứt. Zhou cho rằng, “Trong trường hợp mức độ thẩm thấu của tế bào tăng tới mức phần vật chất bên trong rò rỉ ra ngoài thì cái chết của nó là xu hướng không thể đảo ngược”.
Khi oxy, dưỡng chất mà tế bào nhận từ máu bị cắt đột ngột, tế bào vẫn có thể duy trì sự tồn tại trong màng của nó trong thời gian khá dài. Sự sống vẫn tồn tại vài ngày sau khi con người rơi vào trạng thái vô thức, máu ngừng lưu thông và nhiều cơ quan khác ngừng hoạt động. Nếu bác sĩ có thể cứu chữa người gặp nạn trước khi vật chất bên trong tế bào phun ra ngoài thì trở về từ cõi chết là khả năng có thể xảy ra.
Thật không may, tế bào não lại là loại tế bào dễ chết nhất nếu thiếu dưỡng chất và khí oxy. Trong vòng 5-10 phút sau khi tim ngừng đập, màng bao ngoài của tế bào thần kinh sẽ vỡ và gây ra tổn thương không thể phục hồi trong não. Nỗ lực hồi sinh trở nên khó khăn hơn, bởi những tế bào không được cung cấp oxy và dưỡng chất trong một thời gian dài sẽ tự hủy rất nhanh. Một trong những cách giảm thiểu nguy cơ tổn thương não là giảm nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân, nhóm của Zhou khẳng định. Nhờ phương pháp này, đôi khi bệnh nhân chết lâm sàng vài chục phút vẫn có thể được cứu sống.
(Nguồn tham khảo: Livescience)
(kenh14.vn)