Cách đây 47 năm, nhà du hành vũ trụ Alexei Leonov vang danh khắp thế giới là người đầu tiên đi bộ ngoài không gian. Ít ai biết rằng ông đã suýt phải tự vẫn trước tình huống khẩn cấp không thể trở lại phi thuyền.
Phi hành gia Alexei Leonov, người đầu tiên bước chân vào vũ trụ. |
Điều gì phải đến sẽ đến. Alexei Leonov nhìn trưởng nhóm Pavel Beliaiev và nhận được một cái gật đầu. Đã đến giờ Leonov phải thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian đầu tiên trong lịch sử nhân loại.
Mong muốn duy nhất lúc ấy của Leonov là được đặt những bước chân đầu tiên ra khoảng không vũ trụ. Bước khỏi phi thuyền Voskhod 2 để lơ lửng trong không gian cách trái đất 190km đối với ông còn dễ hơn là đi ra ngoài ngôi nhà để đương đầu với trận bão tuyết.
Beliaiev giúp Leonov mang dụng cụ đeo lưng gồm bình oxy và hệ thống làm lạnh cho mặt nạ. Khi buồng điều áp đã sẵn sàng, Leonov mạnh dạn bước vào rồi mở cửa chính của phi thuyền. Ông thò đầu ra trước, rồi đến thân mình và đôi chân. Nhà phi hành gia thận trọng tháo “sợi dây rốn” nối liền ông với phi thuyền để nó không quấn quanh người, hay tệ hơn là quanh cổ và có thể khiến ông ngạt thở. Đó cũng chính là thời điểm ông cắt đứt với mọi sự giúp đỡ từ bên ngoài. Sẽ chẳng ai có thể đến giúp ông. Thay vào đó, chỉ có hàng triệu người dân Liên Xô và cư dân trái đất đang theo dõi nhất cử nhất động của ông được truyền hình trực tiếp trên những màn hình đen trắng.
Khi trở về Trái đất, Leonov kể lại chuyến du ngoạn đầu tiên trong không gian đó: “Tôi bước vào môi trường lạ lẫm và chẳng ai trên Trái đất có thể nói tôi sẽ gặp những gì. Tôi đâu có bảng hướng dẫn. Đây là lần đầu tiên. Nhưng tôi biết rằng phải làm điều đó. Tôi chậm rãi leo ra ngoài một cách cẩn thận và dần dần tách xa khỏi phi thuyền. Sự tĩnh lặng chính là thứ khiến tôi ngỡ ngàng nhất. Một sự tĩnh lặng thật đặc biệt mà tôi chưa từng gặp trên trái đất, vô cùng nặng nề và sâu thẳm đến mức tôi nghe được cả âm thanh của cơ thể mình. Bầu trời có nhiều ngôi sao hơn tôi tưởng. Trời tối đen, nhưng đồng thời lại sáng ánh sáng mặt trời. Trái đất có vẻ nhỏ bé, xanh, sáng, thật dễ thương, thật đơn độc. Đó là nơi ở của chúng ta và tôi phải bảo vệ nó như bảo vệ một thánh tích”. Lời mô tả của ông thật đẹp như văn của Dostoievski.
Sau khoảnh khắc ngất ngây, Leonov quay về với thực tại. Bộ đồ phi hành đang phồng lên do chênh lệch áp suất, khiến ông không thể cử động tay chân. Nhưng ông quyết tâm giữ im lặng để không khiến cư dân trái đất bất an. Tuy nhiên, Leonov lại không thể bật camera gắn trên vai hay tháo chiếc máy quay ở nắp phi thuyền. Hình ảnh được truyền về trung tâm điều khiển đã khiến các kỹ thuật viên nhanh chóng nhận ra ông đã gặp khó khăn. Việc truyền hình trực tiếp tới người dân ngay lập tức được tạm dừng.
Nhưng khó khăn chỉ thực sự bắt đầu khi Leonov quay trở lại phi thuyền. Bị vướng trong bộ đồ phi hành, ông không thể chui vào cửa phi thuyền với 2 chân vào trước như đã dự liệu. Không chút lo sợ, ông xoay người để đưa đầu vào trước. Chuyến đi bộ ra ngoài không gian đầu tiên của con người chỉ kéo dài đúng 12 phút 9 giây.
Một lần nữa, Leonov lại gặp rắc rối khi không thể đóng cửa ngoài trong tư thế nằm ngược. Ông phải xoay ngược lại. Leonov cố gắng hết sức mình nhưng điều đó là không thể. Khi bật một cái van, ông làm cho áp suất bên trong bộ đồ hạ xuống, và ông đã có thể cử động được chút ít. Bằng một nỗ lực phi thường, Leonov đóng được cửa ngoài. Nhưng cố gắng ấy đã vắt kiệt sức lực của ông. Mình ngập trong mồ hôi, Leonov dường như sắp ngất đi. Nhưng ít ra ông cũng có thể lê đến bên Beliaiev. Thế là ông không cần phải nuốt viên thuốc độc mà người ta đã chuẩn bị sẵn để tránh cho ông cảnh hấp hối khổ sở khi kẹt bên ngoài phi thuyền.
Nhưng những rắc rối vẫn chưa kết thúc. Trong khi phải bay vòng quanh trái đất thêm 16 vòng nữa, phi thuyền đột nhiên gặp một trục trặc kỹ thuật, buộc phi hành đoàn phải ngắt hệ thống lái tự động. Beliaiev đích thân điều khiển để hạ cánh phi thuyền. Lúc ấy là buổi sáng sớm ngày 19/3/1965. Một sự chuyển hướng buộc họ phải rời khỏi ghế ngồi, khiến việc khởi động các tên lửa đẩy chậm mất 46 giây. Khi đi vào bầu khí quyển, khoang phục vụ không chịu tách rời khỏi khoang hạ cánh bên trong có phi hành đoàn.
Những sự cố liên tiếp đó buộc phi thuyền phải hạ cánh khẩn cấp xuống một vị trí cách địa điểm hoạch định 386km, nơi bộ phận đón tiếp đang chờ. Phi thuyền đáp xuống một khu vực hẻo lánh giữa rừng rậm ở Siberia. Mặt đất đóng tuyết dày 1m, ngăn cản việc thể di chuyển bằng chân nên các thành viên buộc phải ngồi chờ. Beliaiev và Leonov dự tính sẽ trải qua đêm đầu tiên khi trở về trái đất trong phi thuyền. Quả là một kế hoạch nhọc nhằn, càng khó khăn hơn khi phi thuyền nằm giữa bốn bề lộng gió. Thật vậy, cửa phi thuyền đã tự động bung ra khi hạ cánh. Để tránh bị rét cóng, phi hành đoàn phải cởi bỏ bộ đồ phi hành sũng mồ hôi để vắt cho ráo.
May mắn cuối cùng cũng mỉm cười với họ, khi một chiếc trực thăng đã phát hiện ra phi thuyền lúc 13h, tức sau khi hạ cánh 4 tiếng. Nhưng chuỗi những sự nguy hiểm vẫn chưa dừng tại đó, khi máy bay không thể hạ cánh vì cây cối xung quanh. Các nhân viên cứu hộ buộc phải ném cho phi hành đoàn quần áo ấm và thức ăn. Trực thăng quyết định hạ cánh xuống khu vực cách đó 5km. Đúng như dự tính của Beliaiev và Leonov, phi hành đoàn đã phải qua đêm trong phi thuyền, giữa những hiểm họa mà lũ gấu và chó sói có thể mang đến bất cứ lúc nào.
May thay đêm cũng qua đi mà không xảy ra bất cứ sự cố gì. Tuy nhiên, nhóm cứu hộ cũng phải mất tới 4 tiếng trượt tuyết để tới chỗ các phi hành gia. Mọi người quyết định sáng hôm sau mới đưa thành viên phi hành đoàn về nước, kết thúc chuyến du hành đầu tiên ngoài không gian của nhân loại.
(Cand.com)
(vnexpress.net)