Sau khi có 3 người chết và hàng chục người bị mờ mắt, nghi do nước suối nhiễm thuốc diệt cỏ, những ngày qua, tại nhiều bản làng ở xã Sơn Kỳ, huyện miền núi Sơn Hà (Quảng Ngãi) người dân phải múc nước ruộng để nấu ăn, sinh hoạt.
Số người chết và người bị tê chân, tay, tức ngực khó thở, mờ mắt không ngừng tăng lên ở thôn Làng Riềng, Làng Trăng, xã Sơn Kỳ, khiến hàng trăm người dân ở các bản làng nơi đây hoang mang, lo sợ.
Cả tuần qua họ không dám lên núi làm nương rẫy, chăn thả gia súc, cuộc sống bị xáo trộn lớn. Trong khi chờ đợi kết luận phân tích mẫu nước nghi nhiễm độc của Viện Pasteur Nha Trang, ngành y tế huyện Sơn Hà cùng chính quyền địa phương khuyến cáo người dân không nên dùng nước suối chảy trên núi, hạn chế dịch bệnh lây lan.
Do nguồn nước sinh hoạt duy nhất là nước suối trên núi bị cấm sử dụng do nghi nhiễm độc nên những ngày qua, người dân ở thôn Làng Riềng phải ra ruộng đào “giếng tạm” sâu hơn nửa mét thế này để uống, nấu ăn. Ảnh: Trí Tín. |
Ở các thôn nói trên, từ trước đến nay, người dân chủ yếu sử dụng nguồn nước tự chảy từ trên núi dẫn về. Giờ đây cơ quan chức năng ra “lệnh cấm” nên họ loay hoay đi tìm nguồn nước xung quanh nhà, ngoài đồng ruộng bậc thang để dùng nấu ăn, sinh hoạt tạm.
Do việc đào giếng trên nền đá núi quanh nhà gặp nhiều khó khăn, tốn công sức nên hàng loạt gia đình ở thôn Làng Riềng đổ xô ra ruộng bậc thang của làng đào giếng lộ thiên. Anh Đinh Văn Huyền, người dân trong thôn bộc bạch: “Từ ngày nghi nguồn nước tự chảy trên núi nhiễm độc, dân làng đã đào giếng ngoài ruộng thế này có đến vài chục cái”.
Thoạt nhìn những vũng nước sâu 1-2 mét giữa các khoảnh ruộng trơ gốc rạ thế này, ai cũng nghĩ là ao nhỏ đồng bào dùng để nuôi cá cải thiện bữa ăn. Hóa ra đây là “giếng tạm” được cho là nguồn nước sạch nhất còn lại chỉ dùng nấu ăn, nước uống còn việc tắm, giặt giũ phải xuống dòng sông gần làng.
Vỏ thuốc diệt cỏ KANUP 408SL, bước đầu cơ quan chức năng nghi vấn có thể do pha chế với nồng độ đậm đặc để diệt cỏ trên rẫy mì, rẫy keo gây ra nhiễm độc hàng loạt cho người dân ở xã Sơn Kỳ, huyện miền núi Sơn Hà. Ảnh: Trí Tín. |
Về vấn đề này, ông Đặng Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Sơn Hà tỏ ra ngạc nhiên: “Sau khi về kiểm tra, chúng tôi đã khuyến cáo bà con không nên dùng nguồn nước tự chảy trên núi nữa mà phải tìm nguồn nước cách xa những khu vực đồi đã phun thuốc diệt cỏ trên các rẫy mì, rẫy keo. Để đảm bảo an toàn thì người dân nên đào giếng sâu rồi lọc để uống chứ dùng nước mạch nông ở ngoài ruộng thì khó đảm bảo an toàn cho sức khỏe”.
Theo các bậc cao niên ở xã Sơn Kỳ, địa thế ở những bản làng nơi đây trải dài theo ruộng bậc thang, những năm gần đây người dân sử dụng nhiều thuốc trừ sâu để diệt cỏ cho cây lúa, bón nhiều loại phân hóa học nên việc đào giếng ở mạch nông, quá cạn để nấu ăn, uống hàng ngày thì càng nguy hiểm đến tính mạng.
Hiện tại, 4 trên 7 thôn của xã có tổng số 3 người tử vong và 40 người có triệu chứng tê chân, tay, tức ngực khó thở, mờ mắt nghi nhiễm độc thuốc trừ cỏ.
Các y, bác sĩ Trung tâm y tế huyện Sơn Hà chăm sóc người dân bị mờ mắt, tức ngực khó thở do nghi nhiễm độc thuốc diệt cỏ ở xã Sơn Kỳ. Ảnh: Trí Tín. |
Vừa đưa vợ đến cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Sơn Hà vào chiều tối qua, ông Đinh Văn Trĩu thú thật: “Quy định là cứ một bình thuốc cỏ hòa 4 bình nước, thế nhưng để diệt cỏ tranh, bụi rậm trên núi mau chết tui chỉ hòa một lọ thuốc này với khoảng 2 bình nước mà thôi. Mỗi lần bơm bà con xịt từ sáng đến chiều trên rẫy không ăn, không uống nên có thể kiệt sức cộng với hít thở khí độc cả ngày nên mới ngã bệnh”.
Bước đầu, đoàn kiểm tra của Sở Y tế Quảng Ngãi nhận định, có thể người dân sử dụng thuốc diệt cỏ không đúng quy trình kỹ thuật, pha chế với nồng độ đậm đặc nên gây ra tình trạng nhiễm độc trong không khí, ngấm xuống nguồn nước sinh hoạt.
Sáng nay, Trung tâm y tế huyện Sơn Hà đã cử hai đoàn y, bác sĩ về Làng Riềng, Làng Trăng để khám, cấp phát thuốc điều trị.
Trí Tín