Sau khi Jiao Jin, 29 tuổi nhận được tấm bằng cử nhân quản lý của một trường đại học ở Đức, cô quyết định gia nhập ngành công nghiệp tang lễ sau lễ tang của ông cô cách đây 7 năm.
“Khi ông tôi qua đời, tôi chuẩn bị toàn bộ tang lễ cho ông” – cô nói. Hiện Jiao đang làm việc tại Nhà tang lễ ở ngoại ô phía Đông Bắc Kinh.
|
2 nhân viên đời 8x làm việc ở một nhà tang lễ |
Công việc này có thể không thu hút được tất cả mọi người, nhưng những người đang hành nghề thì lại rất tự hào về khả năng cung cấp một dịch vụ hiệu quả và có ích. Vì thế ngành công nghiệp này đang thu hút ngày càng nhiều sinh viên mới ra trường hơn, mặc dù rất ít người học chuyên ngành có liên quan đến công việc này.
Theo Huang Qiaoquan – một giám đốc quan hệ công chúng của Văn phòng Quản lý Tang lễ Bắc Kinh, kể từ năm 2006, yêu cầu tối thiểu cho việc tuyển dụng trong ngành này là có bằng đại học.
Hằng năm, sinh viên từ các trường đại học hàng đầu như ĐH Thanh Hoa và ĐH Peking đều gia nhập ngành công nghiệp này.
“Năm ngoái, khoảng 500 sinh viên nộp đơn cho 5 vị trí ở văn phòng quản lý ngành công nghiệp tang lễ, vì thế sự cạnh tranh là rất khốc liệt” – ông Huang nói.
Tháng trước, tờ nhật báo Kinh doanh Thượng Hải cho biết 30% chuyên gia của ngành công nghiệp tang lễ có bằng đại học – so với 15% vào năm 2007. Và chỉ có 15% những người đã tốt nghiệp đại học từng rời khỏi ngành công nghiệp này.
Hầu hết các ứng viên đều có những lý do rất thực tế để bắt đầu sự nghiệp trong ngành công nghiệp dịch vụ tang lễ. Song Jiajia có thể trở thành một giáo viên lịch sử sau khi nhận bằng Thạc sĩ ở ĐH Sư phạm Bắc Kinh, nhưng cô đã chọn Nghĩa trang Cách mạng Babaoshan.
“Lương bổng tốt, công việc không quá bận rộn, nơi làm việc lại gần nhà tôi” – Song nói .
“Kể từ khi thị trường việc làm đang không ở trong giai đoạn tốt nhất, thì những nơi có điều kiện làm việc ổn định và lương cao là mối quan tâm hàng đầu của hầu hết những cử nhân như tôi”.
Theo ông Huang, mức lương trung bình ở các nghĩa trang Bắc Kinh “cao hơn mức lương của công chức”. Tuy vậy, ông cũng cho biết ngành công nghiệp này nhận được nhiều sự quan tâm hơn có thể là do sự cạnh tranh khốc liệt trong những ngành truyền thống.
“Trước kia, người ta đối xử phân biệt với ngành công nghiệp tang lễ” – ông Dong Libo, phó giám đốc Nghĩa trang Cách mạng Babaoshan cho hay. Sau khi nghỉ hưu trong quân đội vào năm 2004, ông Dong đã làm công việc ở nghĩa trang này.
“Kể từ đó, tôi bị bạn bè xa lánh. Một số người thân những người đã khuất có thái độ không tôn trọng công việc của tôi. Điều đó khiến tôi rất buồn… Sinh viên mới tốt nghiệp có thể vẫn còn quá trẻ để nhận ra điều đó, nhưng họ sẽ nhận ra mình bị cô lập như thế nào nếu những điều kiêng kị xung quanh ngành công nghiệp này vẫn tồn tại”.
Tuy vậy, theo ông Li Qingzhi – giám đốc Nhà tang lễ ngoại ô phía Đông Bắc Kinh nói rằng ngành công nghiệp này đang trải qua những thay đổi lớn trong vài năm gần đây.
“Trước kia, không ai được đào tạo chuyên nghiệp, nhưng hiện nay một số trường đại học ở Bắc Kinh, Trùng Khánh, Vũ Hán đã có chuyên ngành khoa học nhà xác” – ông Li chia sẻ.
- Nguyễn Thảo (Theo Chinadaily)
(vietnamnet.vn)