Tinh Hoa

Thế giới 24h: Nổ liên tiếp ở Trung Quốc

– 3 vụ nổ lớn xảy ra liên tiếp tại Trung Quốc, Pakistan lại rúng động sau một vụ đánh bom tự sát làm hàng chục người thiệt mạng, lộ mật chuyện chính quyền Mỹ từng cố gắng gây chia rẽ châu Âu… là những tin quốc tế nóng trong 24 giờ qua.

Nổ lớn liên tiếp ở Trung Quốc

Các vụ nổ tại Trung Quốc đều có sức công phá lớn. (Ảnh: AP)

Sáng 26/5, liên tiếp 3 vụ nổ lớn đã xảy ra tại tòa nhà trụ sở chính quyền và viện kiểm sát quận Lâm Xuyên, thành phố Phủ Châu, tỉnh Giang Tây, làm 2 người thiệt mạng, 6 người bị thương. Thông tin cho hay, hai vụ nổ với sức công phá lớn đã hất tung các xe ôtô và làm vỡ vụn cửa kính các toàn nhà kế bên. Vụ nổ thứ ba đánh vào một cơ quan thực phẩm và dược phẩm ở địa phương. Tân Hoa xã dẫn lời một quan chức chính phủ nói, thủ phạm có thể là một nông dân.

Bom nổ, máu lại đổ đường

Ít nhất có 24 người bị thiệt mạng trong một vụ đánh bom xe tự sát nhằm vào đồn cảnh sát tại khu vực tây bắc Pakistan. Quả bom phát nổ tại địa điểm gần một số tòa nhà chính quyền ở Hangu, một khu vực ráp giới với các vùng bộ lạc của Pakistan, gây ra thiệt hại đáng kể. Theo Fazal Naeem, phát ngôn viên của cảnh sát ở Hangu, số người chết có thể tăng lên nữa, vì còn có khá nhiều người bị thương nặng.

Hàng loạt chủ đề nóng “vây” G8

Các nhà lãnh đạo G8 gặp nhau tại Pháp hôm 26/5. (Ảnh: Getty)

Hôm 26/5, hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8) đã khai mạc tại Deauvill, miền Bắc nước Pháp. Chương trình nghị sự của hội nghị lần này dày đặc các vấn đề nóng, từ an toàn hạt nhân tại Nhật Bản, cuộc khủng hoảng chính trị tại Trung Đông và Bắc Phi, cho tới tác động của Internet đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và đặc biệt là tình hình kinh tế thế giới.

Sức mạnh mới của châu Á

Cùng ngày, hội nghị “Tương lai châu Á” lần thứ 17 do Nikkei và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) phối hợp đã được tổ chức ở Tokyo. Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về những thách thức mà nền kinh tế châu Á đang phải đối mặt kể từ sau thảm họa động đất và sóng thần ngày 11/3 ở Nhật Bản và các biện pháp để tái thiết, duy trì tăng trưởng kinh tế khu vực. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận về vai trò của an ninh khu vực.

Tội phạm chiến tranh sa lưới

Báo chí Serbia đồng loạt đưa trên trang nhất vụ bắt giữ. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Serbia Boris Tadic vừa xác nhận đã bắt được Ratko Mladic, tư lệnh quân đội Serbia trước đây. Tướng Mladic đứng đầu quân đội của nhà lãnh đạo Serbia ở Bosnia, ông Radovan Karadzic, trong suốt thời gian xảy ra cuộc chiến tranh Bosnia. Ông này là nhân vật tình nghi tội phạm chiến tranh nổi tiếng nhất còn tại ngoại, kể từ khi ông Karadzicbị bắt vào năm 2008.

Triều Tiên muốn xoa dịu

Phát biểu tại Trung Quốc, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il tỏ ý hy vọng xoa dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, kiên trì mục tiêu giải giáp vũ khí hạt nhân trên bán đảo này và tin rằng đàm phán sáu bên nên được sớm nối lại. Ông Kim cho biết, nước này đang tập trung mọi nguồn lực vào phát triển kinh tế và rất cần một môi trường láng giềng ổn định. Hôm 26/5, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) chính thức xác nhận ông Kim bí mật thăm Trung Quốc một tuần.

Mỹ bị đòi rút quân khỏi Iraq

Biểu tình đòi Mỹ rút quân ở Iraq. (Ảnh: AP)

Hàng nghìn tín đồ Hồi giáo dòng Shiite ở Iraq hôm 26/5 đã xuống đường biểu tình tại thủ đô Baghdad yêu cầu Mỹ rút binh sỹ khỏi nước này. Tại cuộc biểu tình diễn ra ở khu vực Sadr City phía Bắc Baghdad, những người biểu tình đã đốt cờ Mỹ và Israel, đồng thời hô khẩu hiệu yêu cầu Mỹ rút quân. Hiện Mỹ còn khoảng 45.000 binh lính tại Iraq với nhiệm vụ chủ yếu là huấn luyện và trang bị vũ trang cho các lực lượng Iraq.

Libya muốn ngừng bắn

Hôm 26/5, Tây Ban Nha cho biết đã nhận được đề nghị ngừng bắn ngay lập tức của Thủ tướng Libya Al-Baghdadi al-Mahmoudi. Theo báo chí Anh, ông al-Mahmoudi đã viết thư cho một số chính phủ nước ngoài đề nghị một lệnh ngừng bắn ngay lập tức dưới sự giám sát của Liên hợp quốc và Liên minh Châu Phi (AU). Ông al-Mahmoudi cũng đề xuất đàm phán vô điều kiện với phe đối lập, ân xá cho cả hai bên trong cuộc xung đột hiện nay và soạn thảo một bản hiến pháp mới.

Dấu hiệu bạo loạn ở Yemen

Bạo loạn tại Yemen có chiều hướng leo thang. (Ảnh: Reuters)

Washington đã yêu cầu toàn bộ nhân viên ngoại giao không có nhiệm vụ cấp thiết và thành viên gia đình trong sứ quán nước này rời Yemen. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, mức độ đe dọa an ninh tại Yemen hiện nay là rất cao, do những hành động khủng bố và bạo loạn dân sự. Bạo loạn đang tiếp diễn trên toàn Yemen cũng như các cuộc biểu tình quy mô tại các thành phố lớn trong nước. Sân bay ở thủ đô Sanaa đã đóng cửa do các cuộc đụng độ.

Nỗ lực chia rẽ châu Âu bị lộ

Theo các tài liệu do trung tâm nghiên cứu của Đại học George Washington và Viện Woodrow Wilson vừa công bố, Washington đã bí mật giúp Paris phát triển các vũ khí hạt nhân tiên tiến vào thập niên 1970, như một phần trong nỗ lực của chính quyền cựu Tổng thống Nixon nhằm gieo rắc sự chia rẽ ở châu Âu. Henry Kissinger, cố vấn cấp cao khi đó, từng thuyết phục Pháp tin là họ có thể cạnh tranh với Anh, với hy vọng làm suy yếu nỗ lực thống nhất châu Âu.