Không cần thuê mướn mặt bằng, không cần nhân lực 5-7 người, vốn bỏ ra lại ít nhưng những người kinh doanh hàng ăn vỉa hè vẫn thu về bạc triệu mỗi ngày. Do việc quản lý loại hình kinh doanh này còn lỏng lẻo nên những gánh hàng này vẫn mọc lên như nấm.
Thu nhập 2 triệu đồng/ngày
Một quán bún đậu vỉa hè (Ảnh minh họa)
Chỉ bán 6 tiếng đồng hồ (từ 16-22h hàng ngày) với gánh bún đậu cùng vài chiếc ghế nhựa được bày trên vỉa hè hết sức đơn giản mà ít ai ngờ được rằng dân bán bún đậu mắm tôm lại có được thu nhập “khủng” mà nhiều người phải mơ ước.
Chị Nguyễn Thị Huế, quê ở Đan Phượng (HN) bán bún đậu mắm tôm ở trước cổng trường ĐH Thương Mại nói: “Đây là nghề đem lại thu nhập chính cho gia đình. Một ngày cũng lời được khoảng 1,5- 2 triệu đồng còn nếu hôm nào đông khách thì chắc chắn thu nhập còn cao hơn”. Giá một suất bún đậu mắm tôm bán ở đây thường là 10.000 đồng đến 12.000 đồng tùy vào khách yêu cầu. Một ngày chị Huế thường bán được từ 400- 500 suất.
Theo lời chị Huế, vì là hàng ăn vặt, vốn và chi phí mình bỏ ra không cao. Chị Huế tiết lộ “giá làm ra một suất bún đậu chỉ khoảng 5.000 đồng nhưng khi bán cho khách thì mỗi suất trị giá 10.000 đồng”. Như vậy, người bán đã lãi gấp đôi.
Bác Trần Văn Bình 51 tuổi nhà ở Thái Bình bán hàng ở trước cổng trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết mỗi ngày thường bán hết hơn 100 cái xúc xích cộng với khoảng gần 2.000 cái nem chua rán. Nếu tính một cái nem chua hay một cái xúc xích bán cho khách chẳng được lời là bao nhưng cộng hết lại bình quân mỗi ngày cũng được khoảng 400.000-500.000 đồng. Như vậy, thu nhập một tháng của bác Bình cũng được trên chục triệu đồng.
Nhờ vào những gánh hàng rong bán dọc các hè phố mà không ít người đã đổi đời một cách nhanh chóng. Chị Nguyễn Phương Thảo ở Đông Anh (Hà Nội) bán bún đậu ở Đường Láng chia sẻ: “Nhờ gánh bún đậu mà năm vừa rồi chị đã xây được căn nhà hai tầng khá khang trang và còn nuôi được cả hai đứa con đang học đại học”. Sắp tới, chị đang tính chuyện mua cho đứa con trai đang học ở đây chiếc xe máy đi học cho tiện.
Buông lỏng quản lý
Việc kiếm được bội tiền một cách dễ dàng nhờ kinh doanh buôn bán ngay trên hè phố đã khiến không ít người “xẻ thịt” vỉa hè để thực hiện mục đích riêng của mình.
Dọc các tuyến đường Láng, Hồ Tùng Mậu, Xuân Thủy hay xung quanh các chợ Nhà Xanh, Nghĩa Tân… hàng ăn vỉa hè mọc lên như nấm. Ngay trước cổng trường ĐH Thương mại cũng có khoảng trên dưới 30 hàng ăn với đủ các món như nem chua, bún đậu mắm tôm, ốc nóng… được bày bán trật kín cả vỉa hè dành cho người đi bộ, thậm chí vào những giờ cao điểm một số gánh hàng ăn rong này còn tràn xuống cả lòng lề đường để tiện bán hàng cho khách đi đường. Chị Huế cho biết vì là vỉa hè công cộng ko mất tiền thuê mặt bằng nên mọi người cũng tranh thủ bày bán kiếm chút lợi nhuận.
Cùng chung suy nghĩ như chị Huế nên nhiều người dân đã đua nhau “xẻ thịt” vỉa hè để kinh doanh. Có những gia đình cả ba, bốn chị em cùng dắt díu nhau lên thành phố để bán hàng hàng ăn vỉa hè kiếm lợi . Đi dọc đường Láng chiều Cầu Giấy – Ngã Tư Sở, các gánh bún đậu nắm tôm, bánh khoai, nem chua, xúc xích rán… đua nhau mọc lên với mật độ dày đặc kéo dài đến gần nửa cây số. Nhiều người cho biết bán hàng ăn vỉa hè rất vô tư vì rất hiếm khi có cơ quan nào đến kiểm tra.
Ngon, rẻ là ăn chứ chẳng khách hàng nào tự đặt câu hỏi cho mình rằng nguồn gốc xuất xứ của mắm tôm và dầu rán được đựng trong những chiếc can nhựa hay những chiếc thùng không nhãn mác để làm lên những món ăn đường phố hấp dẫn này ở đâu.
“Hầu hết mọi người thấy bún đậu ở đây thường ngon lại rẻ hơn so với bún đậu ở các cửa hàng khác nên chọn ăn”, Hồng Nhung, sinh viên ĐH Văn hóa chia sẻ.
Chị Thảo cho biết “chị vẫn bán hàng ở đây quanh năm ngày tháng, “mà có thấy cơ quan chức năng nào đến hỏi hay kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm đâu”. Thỉnh thoảng cũng có Đội trật tự đi dẹp những quán bán rong nhưng khi họ đi rồi mình lại bày bán ra bình thường, chị Thảo nói.
Trong khi đó, Luật vệ sinh an toàn thực phẩm đã quy định rõ đối với việc kinh doanh thức ăn đường phố cần bảo đảm các điều kiện: nguyên liệu để chế biến thức ăn đường phố phải bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm phải bảo đảm an toàn vệ sinh; có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, côn trùng và động vật gây hại; có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh; tuân thủ quy định về sức khoẻ… Xem ra, phần lớn các hàng bán rong vỉa hè không đáp ứng được các điều kiện trên.
Theo Bảo Hân
VEF
(dantri.com.vn)