Cảm giác trôi nổi kì lạ
Sáng ngày 1/4/1976, trên kênh BBC Radio 2, nhà thiên văn học Patrick Moore đã loan báo về sự kiện thiên văn chỉ diễn ra duy nhất một lần trong đời. Đó là vào lúc 9 giờ 47 phút sáng, Sao Diêm Vương sẽ di chuyển qua sau Sao Mộc. Vào thời điểm đó, lực hút của trọng lực Trái Đất sẽ giảm đi. Nếu mọi người nhảy lên không khí vào đúng thời khắc này thì sẽ được trải nghiệm cảm giác trôi nổi rất lạ lùng.
Điều thú vị là chỉ 1 phút sau thời điểm không có thật này, thính giả đã ùn ùn gọi điện tới các đường dây của BBC 2 để kể lại những câu chuyện về trải nghiệm bồng bềnh của mình.
Hạt cơ bản to bằng quả bóng bowling
Trong ấn bản ngày 1/4/1996, tạp chí Discovery đưa tin nhà vật lí Albert Manque và các đồng nghiệp tại Trung tâm Centre de l’Étude des Choses Assez Minuscules ở Paris đã tìm ra một loại hạt cơ bản mới có kích cỡ bằng quả bóng bowling tên là bigon. Hạt này được phát hiện tình cờ khi chiếc máy tính kết nối với một trong số những thí nghiệm đèn chân không bị nổ.
Phóng viên Tim Folger đã giải thích một cách đầy thuyết phục rằng: “Các nhà khoa học tin rằng điện trường trong đèn chân không đã thay thế trạng thái năng lượng của chân không bên trong. Không có trạng thái chân không hoàn toàn – trong đó có các hạt ảo, hầu hết chúng đều khá nhỏ và liên tục tồn tại, rồi sau đó lại biến mất vào khoảng không. Các nhà vật lí cho rằng họ đã vô tình tạo ra đúng mức điện trường trong máy tính dẫn tới sự xuất hiện các hạt”. Thậm chí, bài báo còn khẳng định hạt bigon có thể là nguyên nhân gây ra các hiện tượng không giải thích được như hiện tượng sét hòn hay người tự bốc cháy.
Tuy vậy, thực tế là cả nhà vật lí và viện nghiên cứu kia đều không tồn tại.
Chim cánh cụt bay tới Amazon tránh rét
Kênh BBC phát một đoạn video về bầy chim cánh cụt biết bay vào đúng ngày 1/4/2008 và khẳng định rằng họ đã phát hiện ra loài này tại Đảo King George gần Nam Cực.
Người dẫn chương trình Terry Jones có mặt tại đây thậm chí còn tỏ ra như thật khi nói rằng: “Thay vì tụ tập nhau thành bầy để tự bảo vệ mình khỏi cái lạnh, chúng đã làm một điều không ngờ tới, điều mà không loài chim cánh cụt nào khác có thể làm”, đó là bay hàng nghìn dặm tới rừng nhiệt đới Amazon.
Thực tế là các nhà làm phim đã sử dụng hình ảnh về những loài chim trông giống chim cánh cụt và bắt chước chuyển động của chúng để tạo ra hình ảnh về một loài mới được phát hiện.
Một ngày sau khi xuất hiện, đoạn video đã thu hút 100 nghìn lượt xem.
Có rồng thật
Năm 1998, phiên bản online của tạp chí khoa học hàng đầu Nature đã nghĩ ra một trò đùa rất tinh quái trong ngày Cá tháng Tư.
Trong một bài báo tranh luận về nguồn gốc của các loài chim, tác giả đã đề cập tới một phát hiện về “bộ xương gần như hoàn chỉnh” của loài khủng long ăn thịt lớn, biết bay, tên là Smaug tại Bắc Dakota (Mỹ).
Theo ông Randy Sepulchrave tại bảo tàng của Đại học Southern North Dakota, bộ xương bao gồm cả xương sườn và xương cổ, cho thấy các dấu hiệu về việc thường xuyên tiếp xúc với lửa.
Tuy nhiên, sự thật là không có Đại học Southern North Dakota nào cả. Trong khi đó Smaug là tên của con rồng trong truyện “The Hobbit”, còn Sepulchrave thực tế là vị bá tước luôn tin rằng mình là con cú biết bay trong tiểu thuyết “Titus Groan” của Mervyn Peake.
Gửi email bằng thần giao cách cảm
Ấn bản tháng 4/1999 của tạp chí Red Herring đã cho đăng một bài báo về công nghệ mới cho phép người sử dụng soạn và gửi tin nhắn qua email tới 240 kí tự bằng thần giao cách cảm.
Bài báo nói rằng thiên tài máy tính Yuri Maldini đã thiết kế ra nó như là một sản phẩm phát sinh của hệ thống thông tin liên lạc được mã hóa dành cho Lục quân Mỹ trong chiến tranh vùng Vịnh. Bài báo thậm chí còn nói rằng ông đã trả lời câu hỏi thông qua email bằng thần giao cách cảm. Tòa soạn tạp chí này sau đó đã nhận được rất nhiều thư phản hồi của độc giả.
Lê My (theo Livescience)
(bee.net.vn)