Bên cạnh việc tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái đất, người Việt Nam đã có nhiều hoạt động thân thiện môi trường như đi bộ, đạp xe, cam kết giảm thiểu việc sử dụng giấy, theo lời kêu gọi hành động vì ngôi nhà của nhân loại.
|
Với khẩu hiệu “Tôi và Bạn hãy cùng hành động”, chương trình Giờ Trái đất năm nay, với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế – WWF Việt Nam, nhấn mạnh việc tìm kiếm các cam kết cụ thể từ Chính phủ, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, học sinh, và mọi cá nhân.
Lời cam kết đưa ra đơn giản có thể là thực hiện tái sử dụng giấy in, chuyển sang sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện, sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời thay cho bình nước nóng sử dụng điện, tắt nguồn bộ sạc điện thoại, hay đăng ký dịch vụ của ngân hàng không sử dụng giấy.
Tại Hà Nội, sự kiện chính hưởng ứng Giờ Trái đất 2012 do Bộ Công Thương chủ trì tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám. Chương trình đã nhận được nhiều cam kết hành động mạnh mẽ để bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng từ toàn thể cộng đồng.
Từ 20h30 đến 21h30, Hà Nội đã tiến hành đồng loạt tắt đèn chiếu sáng, trang trí, biển quảng cáo trong một giờ tại các địa điểm trung tâm, một số khu vực công cộng, tuyến phố như Đền Ngọc Sơn – Tháp Rùa – cầu Thê Húc, vườn hoa Lý Thái Tổ; xung quanh các khu vực Hồ Gươm, Nhà Hát Lớn, Hồ Trúc Bạch; trụ sở Thành Ủy, HĐND, UBND thành phố; trụ sở các sở, ban, ngành thành phố.
Phát biểu phát động tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng kêu gọi từng cá nhân trong cộng đồng, biến những cam kết tốt đẹp, lớn lao thành những hành động cụ thể, có thể thực hiện ngay và thực hiện hàng ngày.
“Chúng ta hãy cùng khẳng định với thế giới, người dân Việt Nam có trách nhiệm và cam kết bảo vệ môi trường toàn cầu, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng cho hiện tại và tương lai”, ông Vượng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng mang đến sự kiện một cam kết mạnh mẽ rằng chính quyền và nhân dân thành phố sẽ thực hiện nhiều hành động thiết thực khác trong suốt cả năm như tắt thiết bị điện không cần thiết; tham gia giao thông một cách văn minh; giảm thiểu ùn tắc; tăng cường sử dụng các phương tiện di chuyển xanh như tăng thời gian đi bộ, xe đạp và sử dụng xe buýt công cộng; tăng diện tích trồng cây xanh; sử dụng hiệu quả nguồn nước.
Giờ Trái đất năm nay đã thu hút đông đảo người dân Hà Nội ra đường tham gia. Lần đầu tiên cả gia đình chị Hoàng Thái Thúy, 35 tuổi ở Hàng Bông, Hà Nội cùng ra Hồ Hoàn Kiếm để hưởng ứng Giờ Trái đất.
“Tôi đưa con ra đường để nhắc các con hiểu hơn về ý nghĩa của Giờ Trái đất. Hằng ngày, tôi vẫn nói với chúng rằng chỉ sử dụng điện khi cần thiết, dùng xong thì tắt ngay”, chị Thúy nói.
Gia đình chị Nguyễn Thu Thủy ở khu đô thị Trung Hòa – Cầu Giấy đến khu vực Nhà hát lớn từ 7h30 tối. Chị Thủy cho biết: “Tôi và chồng tôi hằng ngày vẫn thường xuyên nói với bọn trẻ sử dụng tiết kiệm, chỉ bật đèn khi cần thiết, điều hòa cũng chỉ dùng khi trời quá nóng”.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, sự kiện Giờ Trái đất năm nay đã nhận được sự hưởng ứng của 48 tỉnh và thành phố trên khắp cả nước. Chương trình cũng nhận được nhiều cam kết từ khối doanh nghiệp.
Các đại sứ thiện chí Giờ Trái đất bao gồm Hoa hậu thân thiện Dương Thùy Linh, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam John Nielsen, ca sĩ Thanh Lam và ca sĩ Tùng Dương đã tham gia phát động hưởng ứng tại 9 trường đại học ở Hà Nội và TP HCM; đạp xe cổ động cùng hàng trăm tình nguyện viên trên đường phố Hà Nội; làm vệ sinh quanh Hồ Hoàn Kiếm.
TP HCM đồng loạt tắt đèn trang trí tại các biểu tượng của thành phố như Nhà hát, trụ sở UBND, các viện bảo tàng….Ngoài các công trình trọng điểm, thành phố cũng vận động các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, tòa nhà, công viên tắt các bảng hiệu và đèn trang trí trong một giờ vào tối nay.
Theo Ban Điều phối chiến dịch toàn cầu về biến đổi khí hậu 350.org tại Việt Nam, TP HCM có hơn 7.200 hộ dân, đơn vị cam kết tham gia “Tắt đèn cho ngày mai tươi sáng” ủng hộ chiến dịch Giờ Trái Đất. Hàng nghìn hộ dân, hộ kinh doanh cá thể, quán cà phê trên địa bàn thành phố đã ký cam kết tham gia hành động “Tắt đèn cho ngày mai tươi sáng”. Ngoài việc tắt thiết bị điện, những người tham gia còn áp dụng các giải pháp xanh và thói quen thân thiện môi trường trong suốt tháng hành động “Vì một Giờ Trái Đất khác biệt” này.
Khánh Hòa cũng có nhiều hoạt động lớn hưởng ứng Giờ Trái đất. Điểm khác biệt trong việc tổ chức ở Khánh Hòa so với các địa phương khác là ủy ban nhân dân tỉnh kêu gọi vận động doanh nghiệp, tổ chức, người dân tự giác tắt, giảm thiết bị điện, lồng ghép hoạt động hưởng ứng Giờ Trái đất với các hoạt động du lịch.
Hệ thống ánh sáng trên Quảng trường 2/4 và đèn trang trí các khách sạn trên đường Trần Phú, Khánh Hòa đồng loạt tắt trong Giờ Trái đất.
Tại Đà Nẵng, hơn 1.000 tình nguyện viên có kế hoạch nhảy dân vũ, hát, vẽ tranh, thực hiện bức tranh “Cây cam kết xanh” khổ 3x4m với dấu vân tay và chữ ký cam kết bảo vệ môi trường suốt năm.
Các hoạt động hưởng ứng Giờ trái đất 2012 tại Nghệ An bao gồm: tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân; treo băng rôn, panô, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền về biến đổi khí hậu và “Giờ Trái đất” năm 2012 trên các đường phố, khu công cộng, tại các cơ quan, đơn vị.
Giờ Trái đất là một sáng kiến toàn cầu với sự hợp tác của WWF. Chính phủ, doanh nghiệp, các cá nhân và cộng đồng được kêu gọi tắt đèn trong một giờ vào Thứ bảy cuối cùng của tháng 3 để thể hiện sự ủng hộ hành động vì môi trường bền vững.
Năm nay Giờ Trái đất đã làm nên lịch sử và trở thành một hành động tự nguyện lớn nhất mà nhân loại từng được chứng kiến với sự tham gia của 147 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Giờ Trái đất được bắt đầu ở Sydney, Australia năm 2007 cùng với sự hợp tác giữa WWF Australia, Leo Burnett và Fairfax Media, khi 2 triệu người trong một thành phố đã tắt đèn.
Hương Thu
(vnexpress.net)