Tinh Hoa

Dân Mỹ xôn xao vì những âm thanh lạ

Một công nhân kiểm tra đường ống để xem âm thanh lạ phát ra từ đó hay không. Ảnh: CNN.

Nhiều người tại thành phố Clintonville, nơi có khoảng 4.600 dân, kể họ nghe thấy nhiều âm thanh lạ giống như tiếng sấm, pháo hoa, kim loại va chạm vào nhau từ tối 18/3 tới nay. Những âm thanh đó chỉ phát ra từ một khu vực ở phía đông bắc của thành phố, CNN đưa tin.

Lisa Kuss, một quan chức thành phố, nói rằng mặt đất rung lắc sau khi những âm thanh lạ vang lên khiến các ngôi nhà và đồ gia dụng lắc lư. Những âm thanh lớn đến nỗi người ở nơi khác có thể nghe thấy chúng khi họ nói chuyện qua điện thoại với người dân trong thành phố. Tuy nhiên, chúng chưa gây nên bất kỳ thiệt hại lớn nào về người và tài sản.

“Các công nhân đã xem xét từng nắp cống, dò tìm khí gas rò rỉ và những vấn đề khác, song chưa ai phát hiện điều gì bất thường. Quân đội và các nhà địa chất cũng không biết hiện tượng gì đang diễn ra. Cơ quan Địa chất Mỹ không phát hiện địa chấn tại bang Wisconsin trong hai ngày 18 và 19/3”, Kuss nói.

“Chúng tôi liên tục thảo luận về các âm thanh để tìm ra nguồn gốc của chúng”, Verda Shultz, một người dân trong thành phố Clintonville, kể.

Nhiều người dân khác đã tự tìm ra câu trả lời.

“Tôi đoán những con quỷ đã gây ra âm thanh bí ẩn”, “Chúng phát ra từ một cỗ máy của sinh vật ngoài hành tinh được chôn dưới lòng đất từ hàng nghìn năm trước” là những câu mà người ta đăng lên Facebook.

Clintonville không phải là nơi duy nhất chứng kiến những âm thanh lạ. Giới truyền thông từng đưa tin về những trường hợp tương tự tại một số bang như North Carolina, Idaho, Tennessee.

David Hill, một nhà khoa học của Cơ quan Địa chất Mỹ, cho rằng thủ phạm gây nên những âm thanh có thể là những hiện tượng thiên nhiên như thiên thạch rơi, sấm, rò rỉ khí từ lòng đất . Chẳng hạn, nếu khí tự nhiên từ bên dưới các lớp đá thoát lên mặt đất, nó sẽ gây nên âm thanh giống tiếng nổ.

Hoạt động khai thác đá hoặc khoáng sản cũng gây nên tiếng nổ.

“Khi các công nhân đào hoặc khoan trúng lớp đá bị chôn vùi trong thời gian dài, lực nén bên dưới lớp đá được giải phóng và gây nên tiếng nổ lớn”, Hill giải thích.

Minh Long

(vnexpress.net)